Thái Lan vừa đưa ra một loạt chương trình thị thực mới nhằm thu hút người làm việc từ xa và du khách lưu trú dài hạn. Ðây là một phần trong xu hướng toàn cầu trong bối cảnh nhiều chính phủ nỗ lực tìm cách thu hút các du khách có chi tiêu cao.
Du khách thăm chùa Wat Phra That ở tỉnh Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: Reuters
Theo tờ Channel News Asia, trong số các chính sách mới được công bố, visa điểm đến Thái Lan (DTV) và visa sinh viên mới (ED Plus không nhập cư) là 2 chính sách được quan tâm nhiều nhất.
DTV cho phép những du khách có đủ điều kiện được hưởng thời gian lưu trú 5 năm với nhiều lần nhập cảnh tại quốc gia Ðông Nam Á này và tổng thời gian lưu trú mỗi lần tối đa 180 ngày. Ðiều này đồng nghĩa với việc du khách cần rời khỏi Thái Lan khi hết 180 ngày và thời gian sẽ được tính lại khi nhập cảnh trở lại.
Chính phủ Thái Lan cho biết, visa này mở ra cho nhiều nhóm người làm việc từ xa, gồm những người du mục kỹ thuật số (những người đi du lịch tự do trong khi làm việc từ xa bằng công nghệ và Internet) và những người làm việc tự do. DTV cũng nhắm đến những người có nhu cầu tham gia các hoạt động như tập luyện Muay Thai, học nấu ăn hoặc điều trị y tế dài hạn.
Ðể xin visa, du khách cần chứng minh có ít nhất 500.000 baht (khoảng 14.700USD), cùng với các giấy tờ chứng minh mục đích chuyến đi, chẳng hạn như thư từ trung tâm y tế hoặc bằng chứng về tình trạng việc làm bên ngoài Thái Lan. Và mức phí xin cấp visa này là 10.000 baht (tương đương 285USD).
Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan cũng mở rộng danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ được miễn thị thực du lịch và công tác ngắn hạn từ 57 lên 93; số lượng quốc gia/vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực nhập cảnh sân bay cũng tăng từ 19 lên 31.
Trong khi đó, visa ED Plus không nhập cư cho phép những sinh viên đã tốt nghiệp ở các trường đại học tại Thái Lan kéo dài thời gian lưu trú thêm một năm. Trong thời gian kéo dài này, sinh viên tốt nghiệp được phép tìm kiếm việc làm. Quy định này không chỉ hỗ trợ sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tế mà còn giúp họ hòa nhập với lực lượng lao động địa phương, đóng góp cho nền kinh tế.
Nithee Seeprae, Phó Cục trưởng Cục truyền thông tiếp thị thuộc Tổng cục Du lịch Thái Lan, nhận định: “Chính sách thị thực mới sẽ giúp tăng doanh thu du lịch, mang lại cho chúng tôi lợi thế cạnh tranh trong khu vực và thúc đẩy cải thiện quan hệ quốc tế. Chính sách này cũng giúp đa dạng hóa nhân khẩu học du khách của chúng tôi, khuyến khích họ ở lại lâu hơn và quay lại thăm Thái Lan nhiều lần nữa, đồng thời có khả năng thu hút các nhà đầu tư kinh doanh”.
Ông Nithee nhấn mạnh: “Thời gian lưu trú dài hơn mang lại nguồn thu nhập du lịch ổn định hơn, giúp cân bằng những biến động theo mùa”. Ðây được coi là chiến lược “chất lượng hơn số lượng”, bởi theo ông Nithee, “khách du lịch chất lượng” sẽ mang lại nhiều hơn giá trị kinh tế cho một điểm đến. Những cá nhân này ở lại lâu hơn, đắm mình vào văn hóa địa phương và ưu tiên các hoạt động du lịch bền vững và có trách nhiệm.
Không riêng Thái Lan, nhiều nước trong khu vực cũng đưa ra các chính sách tương tự để thu hút du khách ở lại lâu hơn. Trong khi Indonesia giới thiệu B211A, thị thực nhập cảnh một lần có hạn tối đa 60 ngày cho người nước ngoài nhập cảnh Indonesia để du lịch, thăm người thân, bạn bè hoặc tham dự hội nghị kinh doanh, Malaysia cũng cung cấp thời gian lưu trú lên tới 12 tháng cho những người du mục kỹ thuật số nước ngoài đủ điều kiện theo thẻ DE Rantau Nomad Pass.
Thái Lan đặt mục tiêu đón 40 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2024. Theo số liệu chính phủ, nước này đã đón 17,5 triệu lượt khách du lịch nước ngoài trong nửa đầu năm nay, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)