Bài, ảnh: ÁI LAM
Mùa du lịch hè từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm, cũng là cao điểm của du lịch nội địa. Du lịch hè năm 2023 được kỳ vọng là cơ hội tốt để đẩy nhanh phục hồi du lịch trong nước, với điều kiện giải được bài toán chi phí.
Các tour du lịch miền Tây sông nước cũng được nhiều du khách lựa chọn trong dịp hè. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm tại cồn Sơn.
Theo nhiều đơn vị lữ hành, các tour du lịch biển đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Phú Quốc (Kiên Giang)… vẫn sẽ là lựa chọn của phần lớn du khách mùa hè năm nay. Các liên tuyến ở Đông Bắc, Tây Bắc cũng có sức hút du khách trong nước và quốc tế. Khu vực miền Tây sông nước với các tuyến Cần Thơ - An Giang, Tiền Giang - Bến Tre, Đồng Tháp, Cà Mau… cũng thường được chọn. Thông thường, du khách mùa này có xu hướng chọn những điểm đến có biển hoặc khí hậu mát mẻ. Mùa hè cũng là thời điểm học sinh, sinh viên nghỉ học và nhiều gia đình chọn thời gian này để nghỉ dưỡng, các công ty cũng thường tổ chức cho nhân viên nghỉ ngơi, vui chơi trong giai đoạn này. Chính vì thế, du lịch nội địa mùa hè được xem là cao điểm của ngành Du lịch. Các đơn vị lữ hành đều đặt kỳ vọng doanh thu hè sẽ đạt từ 70% kế hoạch năm.
Nhiều địa phương cũng giới thiệu các sản phẩm, chương trình kích cầu du lịch mùa này. Vào tháng 6 tới, Khánh Hòa sẽ tổ chức Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023 với 60 hoạt động, sự kiện đậm màu văn hoá truyền thống và hiện đại; Hải Phòng có chuỗi du lịch hè với sự kiện Liên hoan du lịch 2023 “Đồ Sơn - Điểm đến bốn mùa”, với điểm nhấn là Lễ hội Văn hóa dân gian Biển đảo Việt Nam và khai mạc Lễ hội Biển Đồ Sơn - Hải Phòng năm 2023; Đà Nẵng cũng vừa công bố chương trình kích cầu du lịch “Tận hưởng Đà Nẵng 2023” với chuỗi sự kiện: Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, khai trương mùa du lịch biển Đà Nẵng… Còn Quảng Ninh dự kiến đưa 38 sản phẩm du lịch mới vào khai thác trong dịp hè, trong đó tập trung tại các điểm đến nổi tiếng tại TP Hạ Long, Móng Cái, huyện Bình Liêu, huyện đảo Cô Tô. Tại Cần Thơ cũng chuẩn bị cho Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng, ra mắt nhiều sản phẩm mới tại cồn Sơn, Phong Điền…
Dù các đơn vị lữ hành đã nắm bắt xu hướng để xây dựng nhiều sản phẩm, hành trình tour mới; các địa phương cũng chuẩn bị nhiều sự kiện, chương trình kích cầu du lịch; thế nhưng tình hình du lịch nội địa đang có những sự xoay chiều khó ngờ. Lượng khách đặt tour nội địa không nhiều, mà chuyển sang tour quốc tế, tập trung vào các tuyến điểm của châu Á. Hiện nay, các tour đến Thái Lan, Trương Gia Giới - Phượng Hoàng cổ trấn (Trung Quốc), Bali (Indonesia), Singapore - Malaysia… đều đang thu hút du khách với giá tour trong khoảng từ 6-13 triệu đồng/người.
Nguyên nhân chính của sự xoay chiều trên được cho là do giá vé máy bay trong nước tăng từ 15-20% so cùng kỳ năm trước. Điều này tác động trực tiếp đến tâm lý của du khách chọn tour, kể cả khách quốc tế khi đến Việt Nam. Cụ thể, các chuyến bay nội địa kết nối đến Phú Quốc, từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ đều có giá từ 2 triệu đồng/chiều (Bamboo Airways) đến 3 triệu đồng/chiều (Vietnam Airlines). Trong khi đó, vé máy bay đến Bangkok (Thái Lan) có giá bình quân của các hãng chỉ từ 1,3-2 triệu đồng/chiều, tùy thời điểm. Chưa kể, khi tăng cường mở đường bay quốc tế, các hãng hàng không đang triển khai rất nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Ví như trong tháng 5, Vietjet mở bán không giới hạn khung giờ 1 triệu vé bay 0 đồng cho các đường bay mới đến Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan... Vé máy bay của các đường bay nội địa tăng, trong khi các tuyến quốc tế lại rẻ, nghịch lý này khiến nhiều du khách bỏ tour nội địa, lựa chọn du lịch nước ngoài càng nhiều. Thực tế, nếu tính trọn chi phí vé máy bay và các dịch vụ thì hiện giá tour đi Thái Lan có phần rẻ hơn so với đi Phú Quốc, hay các tuyến từ miền Nam đi Singapore - Malaysia cũng rẻ hơn so với các tuyến Đông Bắc, Tây Bắc.
Du lịch nội địa vốn được xem là bàn đạp để ổn định và phục hồi ngành Du lịch sau dịch COVID-19, trước khi du lịch quốc tế chính thức thực sự trở lại vào năm 2024. Tuy nhiên, giá vé máy bay đã góp phần tác động làm các tour du lịch trong nước tăng chi phí. Điều này không chỉ tác động xấu đến du lịch nội địa mà còn ảnh hưởng đến sự lựa chọn của du khách quốc tế. Do đó, ngành Du lịch cần sớm có những giải pháp phù hợp để đảm bảo giá ổn định, tạo cơ sở cho du lịch nội địa tăng trưởng trở lại.