14/07/2012 - 17:45

Dự án “Hỗ trợ y tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã đem lại hiệu quả thiết thực

Hàng chục ngàn người nghèo, cận nghèo được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế công; năng lực và chất lượng điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh được nâng cao với nhiều trang thiết bị y tế hiện đại; đội ngũ y tế được đào tạo chuyên khoa sâu, chuyên khoa đầu ngành, đảm bảo nhu cầu phát triển của ngành tại địa phương... là những lợi ích mang lại cho tỉnh Vĩnh Long từ dự án “Hỗ trợ y tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” với kinh phí trên 4,4 triệu USD.

Dự án “Hỗ trợ y tế vùng ĐBSCL” do Bộ Y tế đầu tư nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực của hệ thống y tế vùng ĐBSCL, tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý của người dân, đặc biệt là người nghèo. Tại Vĩnh Long, từ năm 2006 - 2011 dự án đã triển khai thực hiện hiệu quả và chia sẻ nhiều khó khăn về kinh tế cho người nghèo, người có thu nhập thấp khi hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cho 51.449 người cận nghèo; hỗ trợ 41 bệnh nhân được mổ tim bẩm sinh; 21 người bệnh hiểm nghèo được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh kỹ thuật cao vượt quy định Bảo hiểm y tế; khám và chữa bệnh cho hơn 1.000 người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dự án còn hỗ trợ cung cấp trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng và Trường Trung cấp Y tế Vĩnh Long; hỗ trợ các đề tài nghiên cứu về thực trạng và giải pháp quản lý chất thải y tế, quản lý bệnh tâm thần tại cộng đồng và nâng cấp hệ thống quản lý thông tin tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ kinh phí đào tạo dài hạn, ngắn hạn nhằm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế của tỉnh với tổng số 1.447 học viên, trong đó có 1 tiến sĩ, 5 thạc sĩ, 11 bác sĩ chuyên khoa II và 127 bác sĩ chuyên khoa I; nhiều học viên được đào tạo chuyên khoa sâu, chuyên khoa đầu ngành, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao như: mổ sọ não, mổ nội soi, mổ phaco, mổ mắt laser...

Theo bác sĩ Trần Văn Út - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, trước khi có dự án ngành y tế Vĩnh Long rất thiếu cán bộ, nhất là cán bộ chuyên khoa sâu sau đại học và bác sĩ. Tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân năm 2007 chỉ đạt 4 bác sĩ, khi thực hiện dự án đến năm 2011 đã được 5 bác sĩ/1 vạn dân. Đạt kết quả này là do công tác đào tạo theo dự án được tỉnh gắn với công tác quy hoạch cán bộ, quy hoạch phát triển ngành y tế địa phương. Sau khi đào tạo, hầu hết cán bộ trở về đơn vị công tác ổn định hoặc được đề bạt giữ chức vụ lãnh đạo, chuyên môn cao hơn.

PHẠM MINH TUẤN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết