07/10/2011 - 14:22

Đột phá mới trong nghiên cứu tế bào gốc

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát minh ra phương pháp nhân bản mới, cho phép tạo ra tế bào gốc phôi thai bằng cách cấy vật liệu di truyền từ tế bào da người trưởng thành vào trứng và phát triển thành phôi ở giai đoạn đầu. Tiến sĩ Dieter Egli, trưởng nhóm nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm Tế bào gốc New York, cho biết mục tiêu của nghiên cứu là tạo ra tế bào gốc phôi thai bằng ADN của bệnh nhân để chữa bệnh cho chính họ.

Tế bào gốc là nguyên liệu nguồn cho tất cả các loại tế bào trong cơ thể. Ảnh: Telegraph 

Theo giới y học, tế bào gốc có tiềm năng to lớn trong điều trị bệnh, kể cả các bệnh nan y như tiểu đường, Parkinson... bởi chúng có thể phát triển thành bất cứ loại tế bào nào trong cơ thể. Điều đáng nói là tế bào mới sẽ mang ADN của bệnh nhân nên không phải lo nguy cơ thải ghép.

Tiến sĩ Egli cho biết nhiều nhà khoa học đã thất bại trong công nghệ nhân bản và ê-kíp của ông cũng không ngoại lệ. Trước đó, nhóm đã sử dụng phương pháp nhân bản truyền thống là loại bỏ vật liệu di truyền khỏi trứng và thay thế nó bằng các nhiễm sắc thể từ tế bào da. Tuy nhiên, phương pháp này thất bại khi trứng cũng phân chia nhưng không đạt đến giai đoạn phân chia từ 6-12 tế bào. Rút kinh nghiệm, các chuyên gia giữ lại vật liệu di truyền của trứng trước khi cấy nhiễm sắc thể từ da vào. Khi đó, họ nhận thấy trứng phát triển bình thường, đạt đến giai đoạn phân chia 100 tế bào và có thể được sử dụng như nguồn tế bào gốc bình thường.

Dù thành công nhưng Tiến sĩ Egli cho rằng những tế bào gốc này chưa thể phục vụ cho các liệu pháp trị bệnh mà cần phải nghiên cứu sâu hơn. Ông ví thành công này như một bước tiến dài trên con đường nghiên cứu tế bào gốc. Nó giúp giới khoa học biết được trứng của người có khả năng chuyển một tế bào chuyên biệt nào đó ở người trưởng thành, chẳng hạn như tế bào da, thành một tế bào gốc.

BẢO TRÂM (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết