31/10/2016 - 20:58

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Năm 2016, VCCI Cần Thơ đã có những hoạt động hỗ trợ thiết thực trong liên kết và phát triển doanh nghiệp ĐBSCL, tổ chức các hội thảo chuyên đề về kinh tế nhằm thông tin về tình hình thu hút đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL. Song song đó, triển khai hoạt động khởi nghiệp, đào tạo và cập nhật kịp thời các nội dung lý thuyết về quản trị doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ĐBSCL định hướng phát triển chiến lược sản xuất kinh doanh và khai thác thị trường trong bối cảnh hội nhập.

Chủ động sáng tạo

 Doanh nghiệp có sản phẩm đặc trưng tiêu biểu khu vực ĐBSCL trưng bày giới thiệu sản phẩm tại TP Cần Thơ.

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho biết: VCCI Cần Thơ tổ chức Lễ khen thưởng doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu ĐBSCL nhằm tôn vinh hình ảnh, thương hiệu của các doanh nghiệp có thành tích tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại vùng ĐBSCL. Đồng thời, cổ vũ, động viên các doanh nhân có thành tích nổi bật trong điều hành quản lý doanh nghiệp. Theo ông Võ Hùng Dũng, hoạt động này đã có sức lan tỏa, góp phần động viên doanh nhân, doanh nghiệp không ngừng nỗ lực phấn đấu, vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các tỉnh vùng ĐBSCL. Năm 2016, ĐBSCL có 22 doanh nghiệp có sản phẩm đặc trưng tiêu biểu khu vực ĐBSCL và có 77 doanh nhân được khen thưởng. Trong đó, có 33 doanh nhân đạt danh hiệu doanh nhân xuất sắc ĐBSCL thời hội nhập quốc tế, 44 doanh nhân đạt danh hiệu doanh nhân tiêu biểu khu vực ĐBSCL.

Là một trong những doanh nhân tiêu biểu, ông Lê Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Tây Đô, chia sẻ: Trong quá trình trình xây dựng và phát triển thương hiệu, xi măng Tây Đô luôn xác định các tiêu chí nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Công ty chú trọng nâng cao kiểm soát các tác động, mối nguy và rủi ro từ hoạt động sản xuất kinh doanh xi măng với môi trường, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho công nhân viên. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, áp lực cạnh tranh thị trường, đòi hỏi doanh nghiệp phải năng động, triển khai chiến lược kinh doanh phù hợp theo phương châm "làm ăn chuẩn mực", đưa ra các chính sách hợp lý, phát huy thế mạnh, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường dịch vụ trước và sau bán hàng. Nhờ xác định các mục tiêu trọng tâm nên tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty đạt nhiều kết quả khả quan. Kết quả, năm 2015, xi măng Tây Đô đạt tổng sản lượng tiêu thụ cả năm là 900.000 tấn và lập kỷ lục tăng trưởng 44%/năm. Năm 2016, xi măng Tây Đô tiếp tục đà tăng trưởng đạt tổng sản lượng tiêu thụ khoảng 1,1 triệu tấn/năm, tăng trưởng 20%/năm. Hiện tại, sản phẩm của xi măng Tây Đô chiếm 70% thị phần tại TP Cần Thơ và đang mở rộng thị trường tại nhiều tỉnh vùng ĐBSCL. Hướng tới, xi măng Tây Đô sẽ phát triển thị trường tại TP Hồ Chí Minh.

Tận dụng sản phẩm của làng quê kết hợp sự năng động, sáng tạo và khai thác công dụng vốn có từ cây bưởi, ông Đoàn Văn Khanh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Long Thuận đã nghiên cứu và sản xuất thành công các sản phẩm đặc trưng chiết xuất từ cây bưởi, như: tinh dầu hoa bưởi, nước ép bưởi, trà hoa bưởi, kem dưỡng da thiên nhiên… Các sản phẩm này có nguồn gốc tự nhiên nên có tác dụng hữu ích, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng. Trong đó, tinh dầu hoa bưởi có tác dụng chống rụng tóc và làm mọc tóc là sản phẩm độc đáo được bình chọn là sản phẩm đặc trưng tiêu biểu vùng ĐBSCL. DNTN Long Thuận được thành lập từ năm 2006 tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Năm 2008, doanh nghiệp được Liên Hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật trao giải thưởng "Bình chọn 500 thương hiệu hàng đầu Việt Nam". Không chỉ dừng ở đó, các sản phẩm được chiết xuất từ cây bưởi của Long Thuận còn được giới thiệu ra thị trường thế giới và được nhận giải thưởng "Cúp vàng chất lượng Vương Quốc Anh". Ông Đoàn Văn Khanh chia sẻ: Với phương châm đưa đặc sản quê hương vượt ra khỏi làng quê, các sản phẩm độc đáo làm từ bưởi của DNTN Long Thuận chinh phục được người tiêu dùng trong nước có mặt ở nhiều thành phố và sẽ tiếp tục vươn xa. Hiện nay, các sản phẩm của Long Thuận có mặt tại nhiều cửa hàng, nhà thuốc, siêu thị tại TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL, các tỉnh Ninh Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Biên Hòa, Lâm Đồng… Đặc biệt sản phẩm nước bưởi ép đóng chai có tác dụng làm tan mỡ bụng, hạ men gan, hạ huyết áp… của DNTN Long Thuận được một số doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị hợp tác sản xuất. Đây sẽ tiền đề hứa hẹn đưa các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của vùng ĐBSCL xuất khẩu trong thời gian tới.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: Năm 2017, VCCI Cần Thơ đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp, hình thành các ngành kinh doanh về công nghệ thông tin, công sinh học, logistics; chuyển giao công nghệ mới, nhất là các ngành hành truyền thống chế biến, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, VCCI Cần Thơ cũng xác định thương mại điện tử là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiến nhanh hơn trong thời kỳ hội nhập. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển xây dựng thương hiệu và đưa các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của vùng ĐBSCL xuất khẩu nhiều hơn. Tăng cường các hoạt động kết nối các doanh nghiệp với các nhà khoa học, các trung tâm nghiên cứu, các viện, trường trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất, giúp doanh nghiệp ĐBSCL gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và nâng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Để phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp, doanh nhân cần năng động, sáng tạo tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, vượt qua thách thức. Song, muốn hội nhập thành công, doanh nhân, doanh nghiệp Việt cần sự trợ lực, đồng hành của Nhà nước, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị phân phối toàn cầu. Hiện tại, Thủ tướng Chính Phủ đề nghị các bộ ngành, địa phương thực hiện 3 đồng hành và 5 hỗ trợ. Theo đó, 3 đồng hành gồm: đồng hành cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành trong hoàn thiện thể chế, pháp luật trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, tín dụng đảm bảo công khai minh bạch, giảm chi phí cho người dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nhân; đồng hành xây dựng, thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp nhất là về thực hiện chính sách pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế vùng… 5 hỗ trợ, gồm: hỗ trợ khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng; xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Cùng với sự năng động, tự chủ, liên kết phát huy thế mạnh của các doanh nghiệp vùng ĐBSCL, sự đồng hành và những hỗ trợ thiết thực từ các bộ, ngành từ trung ương đến các địa phương sẽ góp phần tạo động lực và sức bật cho doanh nghiệp vùng ĐBSCL phát triển kinh doanh đúng hướng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Bài, ảnh: M.HOA

Chia sẻ bài viết