24/06/2022 - 22:28

Đồng hành cùng con 

Bài, ảnh: TÂM KHOA

Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, theo chia sẻ của nhiều phụ huynh có con em trúng tuyển vào ngôi trường cấp 3 như mong muốn, một trong nguyên tắc giúp con em học và thi tốt là gia đình không tạo áp lực căng thẳng. Ðược phụ huynh đồng hành, chia sẻ, thấu hiểu những khó khăn sẽ giúp các em tự tin vượt qua những kỳ thi quan trọng, quyết định…

Phụ huynh đồng hành cùng con, hỗ trợ khó khăn trong học tập, giúp con tự tin vượt qua các kì thi quyết định. Trong ảnh: Chị Thanh Thoảng chăm sóc, nhắc nhở con học hành nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt là không tạo áp lực cho con trước kỳ thi. Ảnh: Tâm Khoa

Áp lực vô hình

Chị Ngô Thị Hồng Ðẹp ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, cho biết, con gái lớn của chị là cháu Gia Bình, đậu vào một trường THPT có bề dày truyền thống tại quận Ninh Kiều với số điểm khá cao. Mặc dù trước đó, có thời gian do ảnh hưởng việc gia đình, sức học của Bình giảm sút, nhất là môn Ngữ Văn, nên chị rất lo con không đủ khả năng thi vào trường “top” nhất, nhì thành phố.

Nhiều lần chị trao đổi để con thay đổi nguyện vọng, chọn một trường có điểm xét tuyển thấp hơn, tại địa bàn quận nhà. “Mỗi khi tôi yêu cầu con thay đổi nguyện vọng, con luôn lầm lì, tỏ vẻ không hài lòng. Có lần vì quá nóng nảy nên tôi nói chuyện thiếu kiềm chế, rằng sức học của con không bao giờ đỗ vào trường con chọn. Tới giờ tôi vẫn còn ân hận vì đã nặng lời với con”.

Việc Th.T thi rớt lớp chuyên Anh văn, trong khi học lực rất giỏi, lại đang theo học lớp tăng cường tiếng Anh tại một trường THCS có tiếng, gây ngỡ ngàng cho thầy cô, bạn bè. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là em đạt điểm cao ở các môn văn, toán, tiếng Anh (đề chung), nhưng điểm môn tiếng Anh chuyên rất thấp. Chỉ bạn bè thân thiết mới hiểu, Th.T không thích thi vào lớp chuyên Anh. Mẹ Th.T là giáo viên dạy tiếng Anh nên kỳ vọng của mẹ với em rất lớn, mong muốn em có thể tiếp nối sự nghiệp của mẹ. Th.T tâm sự với bạn học, em làm bài các môn rất tốt nhưng cố tình làm không đạt môn chuyên để được trúng tuyển nguyện vọng 2, học ở ngôi trường mà em rất thích. Ðó cũng là một trường dạy và học có chất lượng cao. Th.T hy vọng sau lần này, mẹ em sẽ hiểu và tôn trọng ý kiến của em.

Tương tự, với mong muốn con đỗ vào lớp chuyên Hóa, vợ chồng anh N, ở quận Cái Răng, yêu cầu con phải theo học các khóa luyện thi, vừa lâu dài, vừa cấp tốc, mặc dù con trai anh N chỉ muốn học tại một trường cấp 3 gần nhà. “Vì sợ ba mẹ nên con trai tôi không dám làm trái ý. Cho đến ngày thi môn chuyên, con tôi bỗng không chịu vào thi, cháu đứng trước cổng trường khóc như mưa trước sự ngỡ ngàng của cả hai vợ chồng” - anh N kể.

Hiểu con để niềm vui trọn vẹn

Chị Hồng Ðẹp chia sẻ, sau khi bình tĩnh, lắng nghe con gái phân tích rằng con thích ngôi trường cấp 3 đó từ lâu, chị quyết định ủng hộ con. Chị tìm giáo viên có kinh nghiệm, vừa hướng dẫn con môn Ngữ văn. Ðồng thời, chị nhờ cô giáo quan tâm, chia sẻ với con gái những điều mà con chưa muốn tâm sự với mẹ. Thông qua sự kết nối với cô giáo, dần dần con chị Hồng Ðẹp lấy lại kiến thức và mẹ con hiểu nhau hơn. Chị Hồng Ðẹp cho biết: “Học cùng con tôi là hai bạn trong xóm. Cô giáo rất nhiệt tình, tâm lý; tổ chức cho nhóm đi siêu thị coi phim xả “stress” sau những ngày học tập mệt mỏi. Có bạn bè, cô giáo động viên, con tôi dần tìm thấy cảm hứng học tập. Ðặc biệt, kỳ tuyển sinh vừa qua, cháu đạt 8 điểm môn Văn. Cô giáo còn khen con tôi có khiếu học văn, chữ viết đẹp, nếu chịu khó bồi dưỡng sẽ còn tiến xa…”. 

Nhắc lại chuyện con không chịu vào trường thi, anh N vẫn còn xót xa: “Tôi biết mình đã tạo áp lực quá lớn cho con. Ngay thời điểm đó, tôi quyết định để con học ở trường cấp 3 như mong muốn. Vợ chồng tôi động viên con hãy làm bài thi bằng hết khả năng của mình, đậu hay rớt đã không còn là vấn đề quan trọng. Ðây cũng là bài học sâu sắc mà gia đình tôi trải qua sau kỳ tuyển sinh lần này, rằng cha mẹ cần phải thấu hiểu nguyện vọng của con thay vì áp đặt con cái phải theo ý mình. Giờ con tôi rất vui vì cháu trúng tuyển nguyện vọng 2, vào trường cấp 3 mà con mong muốn”.

Chị Ðào Thị Thanh Thoảng, ở quận Cái Răng, cùng con trai út Gia Thọ thống nhất thi tuyển vào trường cấp 3 tại quận Cái Răng, có điểm tuyển sinh thuộc nhóm trung bình và cháu đỗ vào trường đúng nguyện vọng. Ðối với chị, đó là một thành công bởi cháu tự đánh giá đúng thực lực. “Có thời gian con tôi tập trung thi cử, sụt cân hẳn, nhìn rất xót. Tôi sợ cháu học hành quá mức sẽ đổ bệnh trước kỳ thi. Tôi nấu cho con những món ăn giàu dinh dưỡng, nhắc con giờ học hành, nghỉ ngơi hợp lý, tạo tâm lý thoải mái trước kỳ thi” - chị Thanh Thoảng tâm sự.

Xin mượn tâm sự của chị Ðào Thị Thanh Thoảng, để kết thúc bài viết: “Con trai tôi kể, một số bạn học chung lớp, có học lực tốt hơn nhưng không trúng tuyển vào trường THPT nào vì chọn nguyện vọng chưa phù hợp. Mẹ con tôi trải qua mùa tuyển sinh này rất nhẹ nhàng, không có quá nhiều áp lực. Tôi rất vui khi thấy con thoải mái, tự tin bước vào ngôi trường do chính mình chọn lựa”. Ðây cũng là suy nghĩ chung của nhiều phụ huynh. Ðiều quan trọng là chọn trường vừa sức, tạo cho con hứng thú trong học tập, phù hợp điều kiện gia đình để việc học hành, thi cử không là áp lực với con và các bậc phụ huynh…

Chia sẻ bài viết