07/10/2014 - 08:42

Đóng góp ý kiến Dự án Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

(CT)- Ngày 6-10-2014, tại TP Cần Thơ, Văn phòng Chính phủ phối hợp Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Tổ chức GIZ (Cộng hòa liên bang Đức) tổ chức hội thảo về Dự án Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các đồng chí chủ trì hội thảo gồm: Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; Hoàng Thế Liên, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách pháp luật của Chính phủ và Trần Thị Dung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Đại diện lãnh đạo thường trực HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành, khu vực Tây Nam bộ tham dự.

Dự án Luật Ban hành VBQPPL (hợp nhất) được soạn thảo trên cơ sở Luật Ban hành VBQPPL (Luật năm 1996), Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND (Luật năm 2004) và Luật Ban hành VBQPPL thay thế Luật năm 1996 (Luật năm 2008). Dự án Luật có 16 chương, 158 điều (tăng 4 chương, 63 điều so với Luật năm 2008; ít hơn 2 chương, tăng 7 điều so với tổng số chương, điều của cả hai Luật về ban hành VBQPPL hiện hành). Dự án luật đã thu gọn các hình thức VBQPPL, cụ thể: Luật (Quốc hội ban hành); Pháp lệnh (Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành); Quyết định (Chủ tịch nước ban hành); Nghị định (Chính phủ)… Các hình thức văn bản liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ, cơ quan ngang Bộ không phải là VBQPPL. Ngoài ra, dự án luật cũng giới hạn thẩm quyền ban hành VBQPPL của Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao; Tổng Kiểm toán Nhà nước (Quyết định) và HĐND, UBND cấp xã.

Tại Hội thảo, về cơ bản các đại biểu đã thống nhất với dự án luật; đồng thời, đóng góp ý kiến xoay quanh các vấn đề như: Tên gọi và phạm vi điều chỉnh; hình thức và thẩm quyền ban hành; quy trình xây dựng chính sách; vai trò của đánh giá tác động; tăng cường dân chủ, phát huy trách nhiệm công dân trong xây dựng pháp luật… Các ý kiến đóng góp của đại biểu sẽ được ghi nhận, tổng hợp trình Ban soạn thảo (Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo) phân tích, nghiên cứu. Dự kiến, dự án luật này được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 8, khóa XIII và sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 9, khóa XIII.

Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ phối hợp Ủy ban Tài chính của Quốc hội và Tổ chức GIZ (Cộng hòa liên bang Đức) tổ chức hội thảo về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Dự án Luật này do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, dự kiến sẽ đưa ra thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 8, khóa XIII. Theo đó, dự án luật đã bổ sung vào danh mục hàng phải chịu thuế TTĐB, đó là “Xăng các loại và nước ngọt có ga không cồn”, với mức thuế suất là 10%. Ngoài ra, dự án luật cũng bổ sung thêm vào danh mục dịch vụ chịu thuế TTĐB là “Kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả thông qua tin nhắn”, với mức thuế suất 30%... Đa số các đại biểu đều tán thành với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB. Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung cho ý kiến đóng góp xoay các nội dung như: Hàng hóa, dịch vụ bổ sung vào danh mục chịu thuế TTĐB; giá tính thuế; thuế suất…

Các ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội thảo sẽ được ghi nhận, tổng hợp, trình với Ban soạn thảo phân tích, nghiên cứu, để đưa một sắc thuế đảm bảo chính sách đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng…

C.H

Chia sẻ bài viết