01/10/2013 - 20:48

Dồn sức xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn

Tại các xã xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở TP Cần Thơ, hạ tầng giao thông có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều tuyến giao thông được đầu tư nâng cấp, làm mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Tuy nhiên, kết quả đạt được so với quy định của tiêu chí giao thông (tiêu chí số 2) trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới còn khoảng cách khá xa và tiến trình thực hiện tiêu chí này vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía.

Chung sức, đồng lòng

Ông Nguyễn Văn Bảy, Bí thư Đảng ủy xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: "Bắt tay vào XDNTM, phát huy tính dân chủ trong nhân dân được Trung An đặt lên hàng đầu, nhất là khi làm đường giao thông. Xã tổ chức nhiều cuộc họp để người dân tham gia đóng góp ý kiến, cùng bàn bạc việc nên làm, không nên làm, việc cần làm trước, việc cần làm sau... Các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" được Trung An tiến hành một cách đồng bộ, chọn ấp điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn xã". Chủ trương này được người dân đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, thời gian qua ở xã Trung An xuất hiện nhiều điển hình tập thể, cá nhân tự nguyện giải phóng mặt bằng, phục vụ xây dựng cầu, đường... Đến nay, xã đã bê tông hóa 10/10 tuyến đường giao thông nông thôn, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, có 8 tuyến lộ bê-tông rộng 2m, dài 7,9km; 2 tuyến lộ rộng 3-4m, chiều dài 3km.

Làm đường giao thông nông thôn ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai.

Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, xã đề ra mục tiêu xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông nông thôn, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, tạo tiền đề hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với qui mô lớn. Sự đoàn kết cao trong nhân dân là thế mạnh lớn cho Thạnh Thắng khi huy động nguồn lực hoàn thiện các tuyến đường giao thông liên ấp... Đến nay, nhân dân ấp C1 đã đóng góp bê-tông hóa gần 5.000m đường, kinh phí 2,5 tỉ đồng, Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí san ủi mặt bằng. Đó là chưa kể chi phí hiến đất làm đường trên 5 tỉ đồng. Nhân dân ấp B1 đang triển khai xây dựng gần 2.000m đường bê-tông, kinh phí 1 tỉ đồng, hiến đất làm đường khoảng 2,4 tỉ đồng...

Thực tế cho thấy, phong trào làm đường giao thông nông thôn gắn với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đã và đang mang lại những hiệu ứng tích cực. Đây không chỉ là giải pháp huy động nguồn lực từ nhân dân, mang lại lợi ích thiết thực mà còn phát huy vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM. Ông Lê Văn Tâm, người dân xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, phấn khởi nói: "Từ khi xã thực hiện XDNTM, các tuyến đường trên địa bàn xã dần được bê – tông, không còn cảnh nắng bụi, mưa lầy. Bà con đi lại, mua bán cũng dễ dàng, tụi nhỏ đi học quần áo không bị lấm lem như trước. Nhà nhà đều có ý thức trồng hoa trước ngõ, làm hàng rào, trồng cột cờ, tạo cảnh quan tươm tất, khang trang…".

Vượt qua cản ngại

Theo nhận định của lãnh đạo một số xã, mặc dù nhận thức rõ tầm quan trọng của hạ tầng giao thông trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhưng sau gần 3 năm triển khai XDNTM, giao thông vẫn là một tiêu chí khó đạt. Bởi vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông khá lớn nhưng nguồn vốn từ ngân sách không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân coi XDNTM là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước nên chưa tích cực cùng chính quyền địa phương thực hiện các tiêu chí XDNTM, trong đó có tiêu chí giao thông. Ông Huỳnh Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, cho biết: "Tiêu chí về giao thông được xã ưu tiên triển khai sớm. Vì vậy, giao thông trên địa bàn xã cơ bản đáp ứng yêu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, so với quy định về tiêu chí giao thông trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới thì còn khoảng cách rất xa". Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai thực hiện tiêu chí này dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đến đất đai, quyền lợi trực tiếp của nhiều người dân…

Nhận diện được những tồn tại trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, các địa phương đã tập trung tháo gỡ khó khăn và đề ra lộ trình thực hiện. Xã Trường Xuân xác định tiếp tục thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" trong thực hiện tiêu chí về giao thông. Trường Xuân đã xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Theo đó, xã đang triển khai xây dựng 6 cầu bê-tông, chiều dài 124m. Đồng thời, lên kế hoạch làm mới tuyến kinh Bún Lớn (ấp Phú Thọ) và tuyến Tư Ký (ấp Thới Thanh)… Ở huyện Phong Điền, do năng lực, quỹ đất có hạn, các xã không thể đồng loạt mở rộng các tuyến đường ra 4m như quy định. Vì vậy, huyện vận động mỗi xã đăng ký xây dựng 1 tuyến đường "kiểu mẫu" tạo hiệu ứng lan ra các ấp…

XDNTM trên địa bàn 36 xã của TP Cần Thơ thời gian qua cho thấy, phần lớn người dân nhận thức XDNTM mang lại nhiều lợi ích, nhưng để có sự hưởng ứng của người dân cần phải qua quá trình tuyên truyền, vận động. Ông Nguyễn Văn Bảy, Bí thư Đảng ủy xã Trung An, cho biết: "Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của xã tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Chung sức cùng cả nước XDNTM" và phong trào "Toàn dân tham gia xây dựng đường đẹp ngõ đẹp, hiến đất để mở đường giao thông"; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để quần chúng chung sức, chung lòng tích cực tham gia XDNTM". Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, trong bối cảnh khó khăn chung, ngoài nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa với phương thức huy động vốn trên cơ sở thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án tại địa phương. Song song đó, các xã phối hợp với sở, ban, ngành có liên quan thực hiện các chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn tạo điều kiện thực hiện các tiêu chí về giao thông cũng như các tiêu chí khác trong XDNTM.

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết