26/03/2011 - 08:23

KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA XII:

Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế

Sáng 25-3, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Các đại biểu cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, ngành Tòa án và Kiểm sát đã thực hiện các nhiệm vụ được giao trong điều kiện có những thuận lợi nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức và yêu cầu đặt ra rất nặng nề. Trong tình hình đó, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Tỷ lệ xử lý các vụ án tăng cao; chất lượng truy tố, chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ các vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giảm. Tỷ lệ các trường hợp đình chỉ do không phạm tội và Tòa tuyên án bị cáo không phạm tội giảm hàng năm. Về cơ bản, ngành Tòa án cũng đã hoàn thành tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; hạn chế, khắc phục những thiếu sót như việc để án quá hạn luật định, xét xử oan hoặc sai lầm nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Trong công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, nhiều vụ việc bức xúc, kéo dài đã được tập trung xem xét, giải quyết dứt điểm. Công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới cũng được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc...

Ghi nhận những kết quả đạt được, các đại biểu Quốc hội cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế trong công tác của ngành Tòa án và Kiểm sát, trong đó đáng chú ý là vấn đề đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Các đại biểu cho rằng, coi trọng công tác cán bộ là một trong những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả công tác của các ngành. Theo đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Quảng Ngãi), hiện nay công tác tuyển dụng cán bộ ở các ngành nội chính nói chung và ngành Tòa án nói riêng còn hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ 2 ngành này chưa thỏa đáng nên chưa thu hút, động viên được nhân lực có trình độ, năng lực vào công tác, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa thiếu nguồn tuyển dụng cán bộ. Bên cạnh đó là những khó khăn, khắt khe trong quy trình bổ nhiệm thẩm phán; bất cập trong công tác đào tạo dẫn tới chất lượng thẩm phán chưa cao; kinh phí, cơ sở vật chất tuy đã được nâng lên tương đối khá nhưng so với một số ngành khác chưa phải đã đáp ứng yêu cầu một cách thỏa đáng; trang thiết bị còn tụt hậu. Đối với ngành Kiểm sát, theo đại biểu Nguyễn Hồng Sơn, tuy đã có những tiến bộ trong thực hành quyền công tố nhưng tranh tụng tại tòa vẫn là khâu yếu nhất của ngành. Kiểm sát viên hầu như mới chỉ bám vào cáo trạng, chưa đào sâu nghiên cứu hồ sơ vụ án nên khi bị lý luận lại, thường tỏ ra lúng túng. Đại biểu đề nghị cần tăng cường đào tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng Kiểm sát viên.

* Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, chiều 25-3, Quốc hội thảo luận tại hội trường, cho ý kiến vào các báo cáo nhiệm kỳ công tác của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình với báo cáo đánh giá công tác nhiệm kỳ 2007 - 2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với việc đánh giá khá toàn diện những tiến bộ, những kết quả đạt được cũng như mặt hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, phương hướng khắc phục.

Các đại biểu Trần Quốc Khánh (Hà Nội), Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Trần Hoàng Thám (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh việc Chính phủ chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Nhiệm kỳ qua, hoạt động quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện trong điều kiện kinh tế - chính trị thế giới biến động hết sức phức tạp, tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng theo trọng tâm từng thời gian, từ ưu tiên kiềm chế lạm phát cao năm 2008 sang tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế năm 2009, khôi phục đà tăng trưởng năm 2010 và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô năm 2011. Chính sách tài khóa và điều hành ngân sách nhà nước tiếp tục được hoàn thiện theo hướng bảo đảm thống nhất, minh bạch và công bằng. Chính sách thuế được điều chỉnh, giảm dần và ổn định thuế suất, mở rộng đối tượng thu, điều tiết hợp lý thu nhập, nuôi dưỡng nguồn thu. Vốn đầu tư từ ngân sách được tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn và phát triển các lĩnh vực xã hội, xóa đói giảm nghèo...

THANH HÒA-THANH VÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết