25/03/2010 - 14:42

Đổi mới quản lý là khâu đột phá để phát triển toàn diện giáo dục đại học

* Thành lập Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ

Ngày 24-3, tại Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội thảo triển khai thực hiện Chỉ thị 269/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012. Đại diện các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tham dự Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp những ý kiến về đổi mới quản lý giáo dục đại học với 3 chủ đề chính: Làm gì và làm như thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; Làm gì và làm như thế nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học; Các giải pháp quản lý khoa và sinh viên để nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý, từ năm 1987 đến 2009, số trường đại học, cao đẳng ở nước ta đã tăng 3,7 lần; số sinh viên tăng 13 lần; số giảng viên, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tăng 3 lần... Tuy nhiên, giáo dục đại học và chất lượng đại học hiện chưa theo kịp sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Mặc dù hơn 90% sinh viên sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học và cao đẳng có việc làm nhưng sự phù hợp năng lực của sinh viên mới ra trường với công việc trong thực tế còn rất hạn chế. Nguyên nhân trực tiếp là do chất lượng và các yếu tố đầu vào của giáo dục đại học trong việc cải thiện và phương pháp quản lý chất lượng còn lạc hậu. Từ năm 1987 đến 2009, quy mô sinh viên tăng 13 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ sau 23 năm vẫn không thay đổi. Chi phí đào tạo đối với 1 sinh viên ở Việt Nam dao động từ 6-10 triệu đồng/năm; trong khi đó ở các nước tiên tiến, con số này là từ 10.000-15.000 USD/sinh viên/năm. Phương pháp quản lý chất lượng còn bất cập và lạc hậu.

TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cho rằng, giải pháp để đổi mới quản lý giáo dục đại học cần thành lập các Ban thực hiện nhiệm vụ đổi mới quản lý và Ban hành quy định về đổi mới quản lý; tổ chức bộ máy quản lý thật tốt; xây dựng các chính sách phúc lợi và đãi ngộ; phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cũng như các chương trình học liệu.

* Ngày 24-3-2010, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã ký Công văn số 501/TTg-KGVX về chủ trương thành lập Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ (ĐH KT - CN) Cần Thơ.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thành lập Trường ĐH KT - CN Cần Thơ, trực thuộc UBND TP Cần Thơ. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Dự án đầu tư thành lập Trường ĐH KT - CN Cần Thơ theo qui định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trường ĐH KT - CN Cần Thơ được nâng cấp trên cơ sở Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ. Gần 30 năm qua, Trung tâm này đã đào tạo hàng ngàn cán bộ có trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

DƯƠNG VƯƠNG LỢI (TTXVN)-B.NGỌC

Chia sẻ bài viết