05/05/2012 - 22:52

Đổi mới quản lý đầu tư ngân sách nhà nước cho đào tạo đại học, sau đại học ở Việt Nam

* PHÙNG VĂN HIỀN
Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Công tác đào tạo đại học, sau đại học ở nước ta ngày càng tác động sâu sắc, toàn diện vào việc đổi mới chương trình giáo dục; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, lĩnh vực quản lý đầu tư ngân sách nhà nước cho bậc học này còn bộc lộ những khiếm khuyết cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới về chủ trương, chính sách.

Nhận diện một số khó khăn, hạn chế

Quản lý đầu tư ngân sách nhà nước cho đào tạo đại học, sau đại học thời gian qua đã có nhiều thay đổi tích cực theo hướng tăng cường phân cấp, thông qua cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, mô hình bộ máy quản lý còn cồng kềnh, chồng chéo, năng lực chủ đầu tư và các bên liên quan còn nhiều hạn chế, cụ thể là:

Điều kiện, năng lực hoạt động, năng lực quản lý của một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn hạn chế và chưa phù hợp với các quy định của Nhà nước; sự kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng chưa được thường xuyên, liên tục và thiếu kiên quyết, dẫn đến công tác tham mưu, điều hành chưa sát với thực tế, chưa phát hiện những sai sót trong quá trình thực hiện đầu tư để có biện pháp xử lý kịp thời.

Năng lực của một số đơn vị tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu, công tác khảo sát ban đầu thiếu chính xác, không đầy đủ các yếu tố, khi tổ chức thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; khả năng tài chính, kinh nghiệm thực hiện dự án của một số đơn vị sau khi trúng thầu còn hạn chế. Vì vậy, không thể thực hiện đúng tiến độ, gây ảnh hưởng và kéo dài thời gian thực hiện của dự án.

Bộ máy quản lý còn cồng kềnh, chưa phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn giữa các cơ quan. Không ít cơ quan quản lý nhà nước can thiệp quá sâu làm chậm quá trình đầu tư. Nguyên nhân của sự ôm đồm của các cơ quan nhà nước vào quá trình đầu tư hoặc do năng lực bất cập, hoặc xuất phát từ lợi ích cục bộ, đặc biệt là lợi ích cá nhân... Trình độ phẩm chất đạo đức của một bộ phận đội ngũ cán bộ quản lý hạn chế, do chuyển từ cơ chế bao cấp cũ, chưa tích cực xúc tiến đào tạo và đào tạo lại nhằm cập nhật với những kiến thức mới, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Việc thi tuyển, sát hạch trình độ cho những người thực hiện dự án chưa được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, chưa có những tiêu chuẩn cụ thể rõ ràng, tối thiểu cho người lãnh đạo và thiếu sự phân công; phân nhiệm cho cán bộ quản lý một cách phù hợp với chuyên môn nghề nghiệp.

Chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa được tiêu chuẩn hóa, thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động thực tiễn, dẫn đến lúng túng trong xây dựng và thực thi thủ tục đầu tư và xây dựng, gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát chất lượng, kỹ thuật công trình. Mô hình ban quản lý dự án hiện nay vẫn còn mang nặng tính bao cấp, chưa được tổ chức quản lý theo chuyên ngành và chưa có cơ chế khuyến khích lợi ích vật chất để tổ chức này hoàn thành nhiệm vụ ngày càng tốt hơn.

Một số chủ đầu tư chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ tất cả các khâu của quá trình thực hiện dự án; một số cán bộ, công chức của các sở, ngành có liên quan thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, thậm chí còn gây khó khăn và sách nhiễu với chủ đầu tư; sự phối hợp giữa các sở, ngành chưa nhịp nhàng, đồng bộ trong quá trình giải quyết khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư.

Khi dự án hoàn thành, đồng nghĩa với việc giải thể ban quản lý dự án, do đó, không có sự theo dõi thực hiện cam kết của đối tác trong thời gian bảo hành. Đây là một trong những lý do khiến chất lượng nhiều dự án không được bảo đảm.

Do cơ quan ra quyết định đầu tư thông thường là cơ quan chủ quản của đơn vị sẽ được tiếp nhận khai thác sử dụng khi dự án hoàn thành, nên cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ được tham gia một cách hình thức, dẫn tới những dự án đầu tư về cơ sở vật chất xa rời thực tế đặc thù của ngành, lĩnh vực. Cơ quan nhà nước được giao quản lý ngành, lĩnh vực chưa có bộ phận chuyên trách về quản lý dự án, có chăng là do chủ đầu tư tự thành lập. Do đó trách nhiệm của chủ đầu tư không rõ.

Tình trạng lãng phí, tham nhũng, dàn trải và đầu tư kém hiệu quả, trong đó lãng phí và kém hiệu quả có nguy cơ lan rộng, trước hết xuất phát từ chủ trương đầu tư, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cấp chưa phù hợp và ngang tầm.

Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý đầu tư

Từ những hạn chế nêu trên, đặt ra yêu cầu đổi mới tổ chức thực hiện dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục nói chung và các cơ sở đào tạo đại học và sau đại học nói riêng ở hai nội dung: quản lý nhà nước về dự án đầu tư và nguồn tài chính cho đầu tư ở lĩnh vực này.

1 - Tăng cường quản lý nhà nước về dự án đầu tư cho giáo dục đại học và sau đại học.

Thứ nhất, phân cấp cơ quan ra quyết định đầu tư cho ngành giáo dục là Bộ Giáo dục và Đào tạo; chỉ quyết định đầu tư khi có đủ các căn cứ theo quy định của pháp luật và đã xác định rõ nguồn vốn, trong phạm vi được phân cấp, tránh việc phê duyệt vốn đầu tư dự án vượt quá khả năng cân đối. Qua đó, ban hành các quy định buộc người ra quyết định và thẩm định các dự án đầu tư phải cân nhắc thận trọng khi quyết định đầu tư, trước hết đối với các điểm chính, như mục tiêu, quy mô đầu tư, lựa chọn công nghệ, thời gian và địa điểm đầu tư. Việc làm trên hạn chế được những sai sót ngay từ chủ trương đầu tư (sai sót này thường gây lãng phí rất lớn và rất khó có thể sửa chữa). Quy định chế độ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng và điều hành thực hiện kế hoạch đầu tư.

Thứ hai, thành lập ban quản lý dự án (cơ cấu tổ chức như: cục, vụ, viện) thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về các dự án trong toàn ngành giáo dục, nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tất cả các khâu của quá trình thực hiện dự án. Ban quản lý dự án trên có trách nhiệm giám sát chung, hướng dẫn, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc các ban quản lý dự án do chủ đầu tư thành lập, định kỳ báo cáo Bộ trưởng theo chức năng và nhiệm vụ.

Trong các dự án đầu tư về kết cấu hạ tầng, cần có thêm đơn vị giám sát thi công làm tư vấn cho chủ đầu tư và thay chủ đầu tư giám sát kỹ thuật toàn bộ quá trình thực hiện dự án, xử lý hoặc kiến nghị chủ đầu tư biện pháp xử lý các vi phạm hợp đồng về mặt kỹ thuật. Trong quá trình thực hiện dự án, mối quan hệ giữa chủ đầu tư với đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công, tư vấn giám sát, ban quản lý dự án được xác lập thông qua các văn bản pháp lý quy định trách nhiệm của các bên. Các tổ chức này hoạt động theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc tự chịu trách nhiệm, độc lập và giám sát lẫn nhau.

Thứ ba, quy định rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan đến chất lượng dự án, hiệu quả đầu tư (bao gồm chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, đơn vị khảo sát, thiết kế và đơn vị thi công trong từng khâu, từ khảo sát, thiết kế, thi công, thực hiện các quy chế đấu thầu đến kiểm tra và giám sát). Xây dựng những chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước, tránh hiện tượng tiêu tiền ngân sách cho các hình thức khác; nghiên cứu, ban hành quy định xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý dự án đầu tư.

Thứ tư xây dựng lộ trình xã hội hóa từng phần hoặc 100% các cơ sở đào tạo do Nhà nước đầu tư, trừ những cơ sở đào tạo thuộc trọng điểm quốc gia, như: Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, các trường thuộc khối an ninh - quốc phòng, một số cơ sở đào tạo thuộc các đại học quốc gia,... nhằm tạo nguồn tái đầu tư cho ngân sách nhà nước.

2 - Thực hiện công bằng trong chính sách đầu tư cho đối tượng thụ hưởng là cán bộ, giảng viên, sinh viên trong các trường đại học.

Những khoản ngân sách nhà nước đầu tư cho đào tạo đại học và sau đại học hiện nay chỉ tập trung cho trường công lập, chính sách đầu tư bằng ngân sách nhà nước cho đào tạo giữa trường công lập và tư thục chưa công bằng cho các đối tượng thụ hưởng là cán bộ, giảng viên, cán bộ kỹ thuật, sinh viên. Ví dụ như Đề án 322 theo Quyết định số 322/QĐ-TTg, ngày 19-4-2000, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng theo Thông báo số 165-TB/TW, ngày 27-6-2008, của Ban Chấp hành Trung ương thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”,... bằng ngân sách của Đảng.

Do vậy, Nhà nước cần thay đổi về chính sách đối với các đối tượng thụ hưởng để thực hiện công bằng trong việc cấp ngân sách nhà nước (vì ngân sách nhà nước là tích lũy của toàn dân), không phân biệt giữa công lập và tư thục. Đặc biệt là các chính sách về: bảo đảm tính công bằng được thụ hưởng ngân sách nhà nước đối với mọi người dân được học tập nâng cao kiến thức; khuyến khích, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học đối với tất cả các cơ sở đào tạo không kể tư thục hay công lập. Theo đó, các trường xây dựng dự án, đề án trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt theo quy định; Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ cơ chế, chính sách về quản lý nguồn ngân sách cho đào tạo đại học và sau đại học.

Theo Tạp chí Cộng sản

Chia sẻ bài viết