01/12/2011 - 21:37

Doanh nghiệp ứng biến ra sao trước khó khăn?

Tại Hội thảo “Bối cảnh hội nhập và cạnh tranh của kinh tế Việt Nam và kế hoạch kinh doanh của DN Việt năm 2012” do Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch TP Cần Thơ phối hợp với Câu lạc bộ doanh nghiệp (DN) dẫn đầu (LBC) và Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra khó khăn, thách thức mà kinh kế Việt Nam đang gặp phải. Các đại biểu cũng đã đưa ra dự đoán về triển vọng năm 2012 và các đề xuất nhằm giúp DN chủ động ứng biến với tình hình khó khăn.

Nhận diện thách thức

Thời gian qua việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình lãi suất tiền vay ngân hàng ở mức cao và các chi phí đầu vào tăng. 

Kinh tế Việt Nam trong năm 2011 đối mặt với nhiều thách thức do đà tăng trưởng tiếp tục chậm lại nhưng lạm phát lại tăng cao, thâm hụt thương mại và ngân sách lớn, nợ công có xu hướng tăng. Việc sản xuất, kinh doanh của DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình lạm phát, sức tiêu thụ nhiều hàng hóa giảm, lãi suất tiền vay ngân hàng cùng nhiều chi phí đầu vào tăng cao và DN khó tiếp cận vốn, trong khi cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt... Các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2012 tình hình sản xuất kinh doanh của DN sẽ còn tiếp diễn những khó khăn do kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn trong đà suy giảm và lạm phát còn cao, ngay từ bây giờ các DN cần phải thực hiện các biện pháp nhằm chủ động ứng biến.

Theo bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế- nguyên thành viên Ban cố vấn kinh tế Chính phủ, kinh tế Việt Nam đang có 5 vấn đề nghiêm trọng được Ngân hàng thế giới nêu ra gồm: lạm phát tăng, bất ổn của tỷ giá, dự trữ ngoại tệ giảm, nợ nước ngoài tăng và tình trạng thâm hụt ngân sách. Hiện nay, lạm phát ở nước ta đã vượt lên mức 18-19%, đây là mức cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nghị quyết 11 và các biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô được Nhà nước thực hiện trong thời gian qua đã giúp mang lại những kết quả tích cực, nhưng chưa vững chắc và tốc tộ tăng trưởng kinh tế vẫn trong hướng chậm lại. Năm 2011 là năm thứ tư liên tiếp kinh tế nước ta có xu hướng suy giảm đà tăng trưởng. Tình hình lạm phát có giảm tốc độ tăng nhưng vẫn ở mức cao, đầu tư công còn dàn trải và việc chi tiêu ngân sách chưa được cắt giảm, nhập siêu nhiều và nợ công lẫn nợ tư (của các DN) có xu hướng tăng cao... Thời gian qua, phần lớn DN đều trong tình trạng khó khăn, trong 10 tháng đầu năm 2011 đã có hơn 48.700 DN phải ngưng hoạt động, tăng 21,8% so với năm 2010.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng: “Nhà nước đang nỗ lực tập trung thực hiện nhiều biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời quan tâm hỗ trợ và giúp các DN trong nước tháo gỡ khó khăn thông qua các chính sách về thuế, tín dụng v.v... Năm 2012 đã được Chính phủ xác định là năm nền tảng quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ trong cả giai đoạn 2011-2015, với các trọng tâm là kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường giá cả, cải thiện cán cân thanh toán và phấn đấu giảm bội chi ngân sách. Tuy nhiên, dự đoán trong năm 2012 tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN sẽ còn gặp nhiều khó khăn do kinh tế vĩ mô còn bất ổn trước mắt và tăng trưởng thấp trong vài năm đầu tái cơ cấu nền kinh tế. Chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa, chống lạm phát tiếp tục được thực hiện cũng gây bất lợi cho DN trong việc tiếp cận vốn vay. Trong khi đó, sức ép cạnh tranh tăng lên khi nền kinh tế mở cửa rộng hơn theo các cam kết FTA, đặc biệt với Trung Quốc và các nước ASEAN. Ngoài ra, DN trong nước còn chịu tác động của tình hình suy thoái kinh tế thế giới, cũng như các cuộc khủng hoảng năng lượng, tài chính, môi trường. Do vậy, DN không ngồi chờ Nhà nước tái cơ cấu mà phải tự mình chủ động làm trước. Bản thân các DN phải tự tái cơ cấu, điều chỉnh chiến lược cạnh tranh, tự vượt khó để tồn tại và thích ứng với bối cảnh mới và những đòi hỏi mới để phát triển”.

DN ứng biến ra sao?

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong tình hình khó khăn hiện nay, DN cần phải chủ động tự cứu lấy mình trước khi chờ đợi các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Nhà nước phát huy tốt hiệu quả. Cách tiếp cận nhằm giải quyết các khó khăn trong tình hình hiện nay là các DN cần rà soát lại danh mục đầu tư, kinh doanh, thực hiện đổi mới việc kinh doanh, ưu tiên cho những “dự án” có thể làm ngay và đem lại hiệu quả tức thì nhằm giúp DN giải quyết khó khăn trước mắt để tồn tại. Song song đó, DN cần thực hiện các biện pháp nhằm cấu trúc lại tổ chức, tối ưu hóa việc sản xuất, kinh doanh theo hướng tăng năng suất chất lượng, chống lãng phí và tiết kiệm nhằm giảm tối đa chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Câu lạc bộ DN dẫn đầu, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, chia sẻ: “DN cần phải nắm chặt tình hình thực tế và các chính sách của Nhà nước để có dự báo tốt, đưa ra các kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp và chủ động tránh các rủi ro có thể xảy ra. Trong tình hình sức tiêu thụ thị trường giảm, chi phí đầu vào tăng, cạnh tranh ngày càng gay gắt và khả năng tiếp cận vốn khó, các DN cần cân bằng giữa hiệu quả ngắn hạn và dài hạn trong hoạch định chiến lược nhằm đảm bảo sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, việc kiện toàn lại bộ máy, quản trị tốt sự thay đổi, có chính sách giữ chân người tài và quản lý tốt dòng hàng hóa và các đối tượng khách hàng nhằm đảm bảo ổn định cho việc sản xuất kinh doanh là rất quan trọng”. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho rằng, trong tình hình hiện nay, để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm DN cần quan tâm nhiều đến nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, có chiến lược sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường một cách hợp lý. DN cần phát triển số lượng người tiêu dùng, năng lực tiêu thụ của người tiêu dùng, tăng số điểm phân phối bán hàng và doanh số bán hàng tại từng điểm phân phối bán hàng cụ thể.

Liên kết hợp tác, sáp nhập giữa các công ty lại với nhau nhằm tăng năng lực tài chính, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh cũng là một hướng đi nhằm giúp các DN tồn tại và phát triển trong tình hình hiện nay. Để cứu lấy một DN đang gặp “rắc rối”, các chuyên gia cũng đã khuyến cáo nhà lãnh đạo DN nên tham khảo và thực hiện theo mô hình 3c, với 3 bước đi chính: kiểm soát và tạo ra nguồn tiền- áp dụng những phương thức quản trị hiệu quả- truyền thông đến tất cả các bên liên quan về tình hình tiến trình phục hồi của DN.

Bài, ảnh: VĂN CÔNG

Chia sẻ bài viết