12/05/2017 - 20:54

Dỡ rào cản để hội nhập và phát triển

Sau 30 năm đổi mới, nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người và mức sống người dân ngày càng tăng. Tuy nhiên, phát triển kinh tế của cả nước nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, thời gian qua vẫn còn khá chậm, hiệu quả thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Nguyên nhân quan trọng, hàng đầu là vướng rào cản về thể chế kinh tế đòi hỏi có giải pháp tháo gỡ một cách bài bản và kiên quyết.

Rào cản từ thể chế kinh tế

 Hướng dẫn đăng ký kinh doanh qua mạng tại Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ.

30 năm qua, Việt Nam đã xây dựng và ban hành được rất nhiều Bộ luật, Luật và các văn bản pháp quy, phục vụ tổ chức, quản lý và vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên, công bằng đánh giá, chất lượng của hệ thống văn bàn này chưa thật cao. Điều dễ nhận biết nhất là nhiều Bộ luật và Luật mới ban hành đã phải sửa hoặc thay đổi, hay chưa ban hành đã phát hiện còn nhiều điều không chuẩn. Không ít luật chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn: Theo Luật Đầu tư, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp "Đánh giá tác động môi trường". Nhưng, Luật Bảo vệ môi trường lại quy định quyết định phê duyệt báo cáo về "Đánh giá tác động môi trường" là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ đầu tư dự án…

Về các rào cản thể chế kinh tế tạo ra những "điểm nghẽn" trong phát triển của TP Cần Thơ, ông Nguyễn Trọng Cường, Viện trưởng Viện Kinh tế Xã hội TP Cần Thơ, chỉ ra: Đóng góp vốn đầu tư vào tăng trưởng lần lượt là 60,26% và 50,7% ở giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015; ICOR (hệ số đầu tư tăng trưởng) liên tục tăng từ 2,3 vào năm 2002 lên 4,5 vào năm 2012 là biểu hiện của sử dụng vốn kém hiệu quả; chuyển dịch cơ cấu lao động không cân đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đóng góp TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) vào tăng trưởng kinh tế của thành phố lần lượt là 22,94% và 24,5% tương ứng ở 2 giai đoạn 2006-2010 và 2011-2015 được nhận định là thấp hơn nhiều so với đóng góp của vốn đầu tư và có xu hướng tăng rất chậm qua các năm. Ngoài ra, thu hút FDI của thành phố ngày càng khó khăn hơn, không thuận lợi so với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng, cạnh tranh về chính sách thuê đất của các tỉnh trong vùng, hệ thống dịch vụ và logistics chưa tốt, thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ phận, sở, ngành có liên quan...

GS. TSKH Lê Du Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng: Rào cản thể chế kinh tế bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, chủ yếu là do nhận thức về kinh tế thị trường và về CNXH. Trước hết là của đội ngũ tham mưu ban hành, thực hiện chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước chưa chuẩn, không mạch lạc, rõ ràng và vẫn còn bị những tư duy cũ ám ảnh, chi phối.

Dỡ rào cản, tạo thuận lợi cho phát triển

Phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu, rộng với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới là tất yếu. Đây là con đường để Việt Nam vươn lên, sớm theo kịp các quốc gia phát triển. Để làm được điều đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần mạnh dạn tháo gỡ các rào cản về thể chế. Muốn vậy, "phải nhận thức được rằng, kinh tế thị trường, nhất là kinh tế thị trường hiện đại, là thành quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nền kinh tế này vận hành theo những quy lưật, những cơ chế nhất định, mang tính khách quan và thống nhất. Không nhận thức được điều này thì không thể tháo dỡ được các rào cản về thể chế kinh tế đang tồn tại" - GS. TSKH Lê Du Phong bày tỏ quan điểm.

Theo ông Nguyễn Trọng Cường, Viện trưởng Viện Kinh tế Xã hội TP Cần Thơ, cần tận dụng hiệu quả hội nhập quốc tế. Theo đó, trong ngắn hạn, cần ưu tiên lựa chọn các FTA và thu hút đầu tư từ các quốc gia trong khu vực ASEAN và các nền kinh tế có khả năng chi phối kinh tế toàn cầu. Thu hút, kết nối các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Cần Thơ ở các khâu cung ứng nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu… để có thể tiếp thu công nghệ và mở rộng thị trường. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng như hiện nay, ĐBSCL rất cần cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư tốt và bền vững; cơ chế, chính sách đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống logistics để từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng.

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước nhưng lại là có nhiều hạn chế so với cả nước về thu nhập, về giáo dục… Thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành hữu quan rất quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nông dân… vùng ĐBSCL và cả nước thúc đẩy và phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, phần lớn các chính sách, nhất là chính sách về vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất… doanh nghiệp và nông dân khó tiếp cận được. Điều này cho thấy, cơ chế, chính sách chưa thật sự đi vào cuộc sống. "Các bộ, ngành trung ương cần thay đổi tư duy trong ban hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nói ngắn gọn: cơ chế, chính sách ban hành ra phải được thực thi hiệu quả. Không cần lòng vòng qua các văn bản pháp luật khác hướng dẫn để cơ sở tiếp cận một cách dễ dàng"- ông Nguyễn Minh Toại đề xuất. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần tập trung nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta. Từ đó nhanh chóng tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng, hội nhập, giúp cho các tác nhân tham gia trong nền kinh tế hoạt động thuận lợi, đạt hiệu quả cao. Vấn đề này, nên mạnh dạn tham khảo các Bộ luật của các quốc gia có nền luật pháp mạnh (lâu đời, đồng bộ, chặt chẽ và hiện đại). Từ đó tạo ra các luật vừa phù hợp với điều kiện của Việt Nam, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế. Mặt khác, việc xây dựng luật phải giao cho các chuyên gia am hiểu thực hiện, không nên giao các bộ, ngành quản lý nhà nước xây dựng. 

Bài, ảnh: THANH LONG

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Thời gian tới, TP Cần Thơ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nhằm tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đúng theo các nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.  

Trên cơ sở đó, thành phố xác định, yêu cầu “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước”. Xem đây là giải pháp tổng thể quan trọng nhất với 4 vấn đề nổi bật. Đó là: Thực hiện tốt chức năng của Nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường. Hoàn thiện bộ máy Nhà nước, tạo bước chuyển mạnh về cải cách hành chính. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng bộ máy Nhà nước.

PGS. TS Nguyễn Văn Sánh, Viện Trưởng viện Phát triển ĐBSCL: Liên kết vùng để thực thi hiệu quả các thể chế

Liên kết vùng ĐBSCL là hình thức thực hiện hiệu quả các thể chế. Bởi, liên kết vùng sẽ giải quyết được “rào cản” về địa giới hành chính, tận dụng có hiệu quả các nguồn lực trung ương, địa phương; tổ chức sản xuất dựa vào lợi thế so sánh về vị trí địa lý, hệ sinh thái…

Vì vậy, đẩy mạnh liên kết vùng ĐBSCL để xem xét lại điều kiện phát triển kinh tế trên cơ sở phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng, kinh tế tổng hợp để đạt sự đồng thuận trong chiến lược phát triển chung. Trong vai trò liên kết vùng, cần tiếp tục nghiên cứu và kiên định các thể chế chọn TP Cần Thơ là trung tâm động lực, thúc đẩy cả vùng cùng phát triển. Bên cạnh đó, cần xem xét lại việc phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực của vùng để có cơ chế, chính sách hợp lý trong đào tạo, dịch chuyển lao động nông nghiệp nông thôn.

HÀ TRIỀU (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết