25/08/2011 - 09:45

"Định vị" thị trường nông thôn

Hoạt động tại Phiên chợ HVVNT tại huyện
Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Với khoảng 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, thị trường đầy tiềm năng này đang được doanh nghiệp (DN) chú trọng xây dựng hệ thống phân phối. Thông qua các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” (HVVNT) do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với các địa phương tổ chức đã đem đến cách nhìn mới từ người tiêu dùng (NTD) nông thôn về hàng Việt. Điều này sẽ giúp cho DN “định vị” lại thị trường để chiếm lĩnh thị phần.

* Củng cố thị trường

Các phiên chợ HVVNT là chương trình thiết thực nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Số lượng DN tham gia ngày càng tăng, NTD nông thôn có nhiều cơ hội để tiếp cận hàng Việt giá phải chăng. Và trong xu hướng cạnh tranh, hội nhập, DN có phân khúc thị trường ổn định sẽ chiếm ưu thế. Ông Lê Quốc Việt, Phụ trách marketing Công ty Cổ phần sản xuất nhựa Duy Tân (TPHCM), cho biết: “Nông thôn là thị trường nhiều tiềm năng cho các DN hàng Việt, tham gia phiên chợ HVVNT, các DN không chỉ có cơ hội quảng bá sản phẩm, mà còn giúp DN có thêm được nhiều đại lý phân phối tại địa phương”. Theo ông Việt, DN mở thêm nhiều đại lý phân phối sản phẩm sẽ giảm bớt chi phí phân phối qua khâu trung gian và NTD có nhiều cơ hội mua hàng với giá thành cạnh tranh, hợp với túi tiền. Hiện nay, các mặt hàng chủ yếu của Nhựa Duy Tân tham gia các phiên chợ gồm: tủ, kệ, bàn, ghế, thau, rổ... nhựa rất thiết thực, gần gũi với NTD nông thôn trong sinh hoạt hằng ngày.

Ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân khu vực nông thôn rất lớn. Thông qua các phiên chợ trước cho thấy mức độ quan tâm đến hàng Việt của người dân nông thôn ngày càng cao. Chương trình HVVNT đã dần tạo được niềm tin trong lòng NTD nông thôn đối với hàng Việt”. Việc xây dựng hệ thống phân phối nối dài từ sản xuất đến tiêu thụ không phải DN nào cũng thực hiện được, do khả năng tài chính, năng lực quản lý của DN còn nhiều hạn chế, nhất là DN vừa và nhỏ. Để xây dựng được hệ thống phân phối, DN phải bỏ ra rất nhiều chi phí cho nghiên cứu thị trường, đội ngũ marketing, quản lý các đại lý... nên nhiều DN chọn hình thức mua đứt, bán đoạn và hàng hóa qua nhiều tầng nấc trung gian, giá cả đội lên khá nhiều. Có những sản phẩm hàng Việt khi đến tay người tiêu dùng giá bán cao hơn 30- 50% so với giá nhà sản xuất đưa ra.

Tại TP Cần Thơ, đến nay đã có 2 phiên chợ HVVNT tại huyện Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, do BSA phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ thực hiện. Phiên chợ nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt những mặt hàng thiết yếu. Theo đánh giá của ban tổ chức, qua 2 phiên chợ này đã cho thấy các DN ngày càng chú trọng thị trường nông thôn và NTD nông thôn rất quan tâm đến hàng Việt. Thành phố có các đơn vị tham gia các phiên chợ như: Công ty Cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ, Siêu thị Co.opMart Cần Thơ, Công ty Lương thực Sông Hậu... cũng tích cực thực hiện những chuyến hàng Việt về vùng nông thôn. Theo nhận định của nhiều DN, những chuyến hàng Việt rất thành công giúp người tiêu dùng nông thôn tiếp cận nhiều hơn với hàng Việt, DN mở rộng được mạng lưới phân phối.

* Mở rộng mạng lưới phân phối

Mở màn cho chuỗi hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn là phiên chợ HVVNT do BSA tổ chức ngày 8-3-2009 tại tỉnh An Giang, với 15 DN tham gia. Sau hơn 2 năm thực hiện, qua 67 phiên chợ tại 23 tỉnh, thành trên cả nước, số DN tham gia đã lên hơn 200 DN (trong đó 70 DN cam kết đồng hành thường xuyên cùng chương trình). Theo tổng kết của BSA, tổng doanh thu của DN qua 67 phiên chợ đạt trên 57.000 tỉ đồng và thu hút trên 1 triệu lượt người đến tham quan, mua sắm... Từ đó, các DN đã chú trọng hơn tới thị trường nông thôn và không ít đơn vị đã chủ động mở rộng mạng lưới phân phối sâu rộng, lâu dài ở thị trường này.

Theo ông Nguyễn Vũ Thanh, nhân viên marketing Công ty Điện tử viễn thông Thanh Bình Tân (TPHCM), công ty đã tham gia trên 40 phiên chợ HVVNT và lãnh đạo công ty luôn tích cực tìm kiếm đại lý tại địa phương, với mong muốn phân phối hàng hóa trực tiếp của đơn vị sản xuất qua các kênh đại lý để NTD nông thôn có được sản phẩm chính hãng, giá cả phải chăng. Đồng thời, hưởng những chế độ hậu mãi tốt do công ty đưa ra. Sản phẩm của Thanh Bình Tân mang đến các phiên chợ chủ yếu là tivi, đầu đĩa, loa, ampli... với mức giá trung bình phù hợp nhu cầu cũng như điều kiện kinh tế của NTD khu vực nông thôn.

Tham gia các phiên chợ HVVNT, ngoài việc quảng bá sản phẩm, qua trao đổi trực tiếp với khách hàng, các DN sẽ nắm bắt thêm nhu cầu, thị hiếu, thói quen mua sắm từng vùng để sản xuất những sản phẩm phù hợp với phân khúc của thị trường này. Mặc dù các phiên chợ đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng cũng còn một số mặt hạn chế. Phiên chợ chủ yếu quảng bá, phân phối những hàng hóa tiêu dùng, chủ yếu là sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, còn những sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân nông thôn chưa nhiều. Do vậy, xây dựng và duy trì sự phát triển hệ thống phân phối, đại lý bán lẻ là quá trình lâu dài và rất quan trọng, góp phần quyết định sự thành công của DN. Ngoài việc hỗ trợ của các cơ quan nhà nước để DN đưa hàng về nông thôn phục vụ nhu cầu người dân và mở rộng thị trường hàng Việt tại địa phương thuận lợi, các DN cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc đưa hàng về nông thôn và tổ chức mạng lưới phân phối trên địa bàn lâu dài để NTD có điều kiện thường xuyên sử dụng hàng Việt Nam.

Bài, ảnh: TUYẾT NHUNG

Hoạt động tại Phiên chợ HVVNT tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Chia sẻ bài viết