03/02/2017 - 14:44

Điều chế graphene từ dầu ăn

Graphene được các nhà nghiên cứu tại Đại học Manchester (Anh) tìm ra vào năm 2004, giúp họ giành Giải Nobel Vật lý 6 năm sau đó. Loại vật liệu carbon sở hữu khả năng dẫn điện tốt hơn đồng này được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều ứng dụng rộng rãi trong các thiết bị điện tử, y sinh và lọc nước.

Tiến sĩ Dong Han Seo giới thiệu miếng graphene làm từ dầu đậu nành. Ảnh: BBC

Tuy vậy, một trong những yếu tố đang hạn chế tiềm năng sử dụng graphene là chi phí sản xuất cao so với các loại vật liệu khác. Tin vui là nhóm nhà khoa học tại Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối Thịnh vượng chung của Úc vừa tuyên bố chế tạo thành công graphene từ dầu đậu nành, hứa hẹn cắt giảm chi phí sản xuất và tiến tới thương mại hóa loại "siêu vật liệu" này trong tương lai gần.

Cụ thể, graphene được sản xuất bằng cách đun nóng dầu đậu nành trong không khí xung quanh cho đến khi chúng phân nhỏ thành các "đơn vị xây dựng carbon" cần thiết cho quá trình tổng hợp graphene. Sau đó, chúng được làm nguội nhanh chóng trên lá kền (hợp kim của niken, kẽm và đồng) thành miếng graphene mỏng hình chữ nhật.

Theo Tiến sĩ Zhao Jun Han, với công nghệ sản xuất trước nay, một tấm phim graphene chất lượng cao đường kính 10cm có giá thành lên đến 750 USD. Trong khi đó, quy trình sản xuất mới lại đơn giản, an toàn và chi phí thấp hơn.

*Cũng trong nỗ lực tận dụng tiềm năng của graphene, công ty thời trang Anh CuteCircuit vừa dùng loại vật liệu này thiết kế nên bộ váy có thể phát ra ánh sáng tương ứng với kiểu hơi thở của người mặc.

Nhóm sáng chế của CuteCircuit đã điều chế ra một hỗn hợp graphene dẫn điện, rồi dùng các cảm biến được tăng cường graphene để lót toàn bộ nửa trên của chiếc váy, nơi thu thập đặc điểm hơi thở của người mặc. Trong khi đó, bộ vi xử lý cung cấp năng lượng cho chiếc váy sẽ phân tích dữ liệu hơi thở, rồi tự động điều chỉnh số đèn LED - đặt trên các cảm biến graphene trong suốt tích hợp trên trang phục để thay đổi màu sắc của nó. Ví dụ, hành động hít thở sâu của người mặc sẽ thay đổi ánh sáng từ màu tím sang màu ngọc lam, trong khi hít thở nhẹ hơn sẽ khiến đèn LED chuyển từ màu cam sang màu xanh.

HUY MINH (Theo BBC, CNN)

Chia sẻ bài viết