Sanjay Sathe đứng cạnh những cây nho của mình ở một vành đai nông nghiệp trải dài bên ngoài thành phố Nashik tại miền Tây Ấn Độ và bấm số trên điện thoại di động (ảnh). Người nông dân trồng nho và cà 36 tuổi, oang oang bằng tiếng địa phương Marathi như thể nói chuyện với một người bạn, “Sanjay Sathe đây, ngày mai trời có mưa không?”. Giọng nói từ đầu dây bên kia cho anh biết có lượng mưa 25mm và trời mát 24 độ C. Anh cũng được chỉ cách tốt nhất để xử lý một chất màu trắng mà anh phát hiện trên một số lá cây.
Những nông dân như Sanjay Sathe đang ngày càng được xem là đối tượng khách hàng quan trọng trên thị trường điện thoại di động cạnh tranh của Ấn Độ khi số thuê bao khắp cả nước không ngừng tăng trưởng. Có từ 16 đến 20 triệu thuê bao mới đăng ký mỗi tháng và chỉ riêng năm ngoái số khách hàng di động đã tăng 49% lên 617,5 triệu. Một số nhà phân tích cho rằng Ấn Độ sẽ có hơn 1,1 tỉ thuê bao điện thoại trong 2 năm tới, với khoảng 1/4 trong số họ ở những khu vực nông thôn.
Trong khi nhiều người ở những thành phố lớn trông chờ các mẫu điện thoại 3G sắp xuất hiện với Internet tốc độ cao, các giải pháp giá rẻ cho những thiết bị công nghệ thấp vẫn là tâm điểm quan trọng trong doanh thu ở vùng nông thôn Ấn Độ. Theo Amit Ahire, một nhà nghiên cứu viễn thông của Ambit Capital ở Mumbai, các công ty điện thoại di động đang tìm kiếm sản phẩm thích hợp cho những khu vực cụ thể. Thị trường chính vẫn là giọng nói, phải mất một thời gian dài nữa mới đến lượt thị trường dữ liệu.
Sanjay Sathe, một trong khoảng 400 triệu nông dân nhỏ ở Ấn Độ, là trường hợp điển hình. Anh sử dụng điện thoại di động trả trước cơ bản cho phép gởi/nhận tin nhắn và thực hiện cuộc gọi bằng giọng nói. Với “người bạn đồng hành” không thể thiếu của mình, anh nhận cuộc gọi tự động 5 lần mỗi ngày, cho biết thông tin thời tiết địa phương và giá cả thị trường cho sản phẩm của mình. Thẻ SIM của anh tốn chỉ 35 xu Mỹ (6.900 đồng).
Dịch vụ, thiết lập đặc biệt cho những nông dân như Sanjay Sathe bởi nhà mạng điện thoại di động hàng đầu Ấn Độ Bharti Airtel, cũng cho phép anh sử dụng đường dây hỗ trợ với giá 200 đồng/phút để nhận lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia. Airtel cũng đang thử nghiệm một dự án ở Maharashtra để kiểm tra cách sử dụng hệ thống tưới nước có thể được kích hoạt qua điện thoại di động. Các công ty khác như Tata Teleservices cũng triển khai một dịch vụ tương tự cho ngư dân ở bang Tamil Nadu, cung cấp thông tin thời tiết, giá cả thị trường bằng tiếng địa phương. Các mẫu điện thoại cực rẻ chưa đến 850.000 đồng ngày càng được nhiều người thu nhập thấp sử dụng. Các điện thoại khác có pin sử dụng đến 1 tháng cho mỗi lần sạc hay sử dụng năng lượng mặt trời đang mở ra cơ hội liên lạc cho người dân không có điện thường xuyên.
Nhiều người hy vọng rằng các dịch vụ 3G tốc độ cao sẽ được tung ra ở Ấn Độ từ tháng này, có thể thay đổi các khu vực nông thôn xa xôi và nghèo khó. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nông dân và những người dân nông thôn khác có thể sẽ phải đợi một thời gian dài để thấy điều đó. Vấn đề cung cấp điện thường xuyên phải được giải quyết, trong khi cơ sở hạ tầng cho phép truy cập Internet tốc độ cao qua điện thoại di động còn thiếu. Xây dựng mạng 3G rất đắt tiền và có thể bắt đầu giới hạn ở các khu vực thành thị. Giá điện thoại và thuế cũng cần phải giảm trong khi nội dung cụ thể bằng tiếng địa phương phải được phát triển.
Sanjay Sathe cho biết thông tin anh nhận được trên mạng 2G đã giúp anh thu hoạch tốt hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Ravinder Bhaskar Dheeple, một nông dân khác ở thị trấn Nashik tham gia dự án tưới nước, thì cho hay hệ thống này đã giúp anh tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc và sức người. Subash Kodme, thuộc hợp tác xã nông dân ở làng Chandori, nói rằng nông dân hiện muốn nhiều dịch vụ hơn, bao gồm thông tin giá cả thị trường quốc tế, tuy nhiên Internet và 3G vẫn là những khái niệm xa lạ. Chủ tịch hội Kiran Tarle Tukram thì tỏ ra hào hứng khi nghe nói về chức năng gọi điện thoại thấy hình có thể giúp nông dân giảm tiền xăng, công lao động, tăng thu nhập nhờ liên lạc trực tiếp với người mua mà không phải qua thương lái.
KHÔI MINH (Theo AFP)