Năm 2021, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu hút được 83 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới, vốn đăng ký hơn 5,11 tỉ USD, giảm so với năm 2020. Song, ĐBSCL vẫn có nhiều cơ hội đón vốn FDI năm 2022, nếu các kịch bản phục hồi kinh tế thực thi đồng bộ và có sự liên kết vùng trong thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Vượt lên một năm đầy khó khăn
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20-12-2021, cả nước cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1.738 dự án FDI, giảm 31,1% so với năm 2020. Dù dự án giảm nhưng tổng vốn đăng ký tăng 4,1%, với trên 15,2 tỉ USD. Khó khăn do tác động của dịch COVID-19, nhưng các nhà đầu tư FDI vẫn điều chỉnh tăng vốn kinh doanh với vốn tăng thêm hơn 9 tỉ USD, tăng 40,5% so cùng kỳ. Năm qua, tính chung cả vốn đăng ký mới, vốn điều chỉnh, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, cả nước thu hút thêm 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm 2020; trong đó, khu vực ĐBSCL thu hút hơn 5,62 tỉ USD, chiếm hơn 18,06% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam năm 2021.
Cả nước có 34.527 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 408,1 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 251,6 tỉ USD, bằng 61,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Trong đó, ĐBSCL hiện có 1.839 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký hơn 33,97 tỉ USD; chiếm hơn 5,3% về dự án và 8,3% vốn đăng ký so cả nước. Mặc dù chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong thu hút FDI, nhưng nếu so với năm 2017 thì bức tranh thu hút nhà đầu tư nước ngoài của khu vực ĐBSCL đã cải thiện rõ rệt. Vốn thu hút năm 2021 tăng gần 47% so với năm 2017. Chứng tỏ môi trường kinh doanh của vùng đang hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
Trong 2 năm chịu nhiều tác động kép của đại dịch COVID-19, vùng ĐBSCL cũng đón những dự án vốn tỉ đô. Cụ thể năm 2020, Bạc Liêu có dự án Nhà máy Nhiệt điện khí hóa lỏng, vốn 4 tỉ USD và cũng là dự án FDI vốn đầu tư lớn nhất ĐBSCL từ trước đến nay. Dự án đang được xúc tiến gỡ vướng các thủ tục để có thể vận hành giai đoạn 1 vào năm 2024. Riêng năm 2021, khó khăn chồng chất, nhưng ĐBSCL vẫn có 2 dự án FDI góp mặt trong tốp 5 dự án FDI lớn nhất nước. Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỉ USD. Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỉ USD. Đây là những dự án được kỳ vọng tạo động lực phát triển mới cho ĐBSCL.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, môi trường đầu tư của ĐBSCL đang được cải thiện tốt hơn, nhưng muốn có sự đột phá trong thu hút vốn FDI và tránh bẫy công nghệ thấp, các địa phương cần có chiến lược, liên kết trong xây dựng dự án đầu tư, dựa trên lợi thế vùng. Đồng thời phải có chiến lược ứng phó, thích nghi với các khủng hoảng, nhất là bối cảnh đại dịch và các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường… cần sự liên kết để giải quyết những thách thức này.
Động lực cho năm mới
Năm 2021, trong 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, thì khu vực ĐBSCL có hai địa phương. Đó là tỉnh Long An xếp thứ 2, với hơn 3,48 tỉ USD; TP Cần đứng thứ 8 với hơn 1,32 tỉ USD vốn FDI đầu tư mới. Hiện Long An dẫn dầu khu vực ĐBSCL về dự án, lẫn vốn đầu tư, với 1.271 dự án, vốn trên 12,3 tỉ USD. Với lợi thế phát triển hạ tầng công nghiệp, tiếp giáp trung tâm kinh tế lớn nhất nước - TP Hồ Chí Minh, nên Long An có điều kiện thu hút đầu tư hơn so với các địa phương trong vùng. Hiện tỉnh có vốn và dự án đứng cuối vùng là Cà Mau, với 11 dự án, vốn đăng ký hơn 157,8 triệu USD.
Theo nhận định của một số chuyên gia, ĐBSCL có tiềm năng về nông nghiệp, nguồn nguyên liệu dồi dào, nhân công giá rẻ, giá thuê đất thấp hơn Đông Nam bộ… là điều kiện để thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để thu hút nhà đầu tư có tiềm lực và tạo động lực phát triển mới, các địa phương cần đầu tư cho việc lập dự án kêu gọi đầu tư, đảm bảo tính khả thi, có sức lan tỏa và kết nối chặt chẽ với các vùng nguyên liệu. Đồng thời, kêu gọi các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông nhằm kết nối các phương thức vận tải hàng hóa; giải quyết có hiệu quả vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, rút gọn thủ tục đầu tư; chú trọng hạ tầng logistics cho từng ngành hàng…

ĐBSCL đang đứng trước rất nhiều cơ hội để phát triển. Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn ngân sách dự kiến hỗ trợ cho các dự án do địa phương quản lý khoảng 266.000 tỉ đồng, tăng 20% so với giai đoạn trước. Đồng thời, vốn ngân sách đầu tư qua các bộ, ngành để triển khai các dự án trọng điểm tại vùng khoảng 121.600 tỉ đồng. cũng trong giai đoạn này, Chính phủ cũng đồng ý bổ sung vốn ODA tăng thêm gần 2 tỉ USD cho ĐBSCL và giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối nghiên cứu, đề xuất Chính phủ giải pháp triển khai… Đây là những nguồn lực quan trọng để hoàn thiện hạ tầng cơ sở cho vùng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế vùng phát triển.
Các địa phương cũng đang kỳ vọng Quy hoạch tích hợp ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 sớm được trình Chính phủ thông qua, làm cơ sở cho các địa phương triển khai quy hoạch phù hợp với quy hoạch chung. Các chuyên gia đến từ tổ chức trong và ngoài nước đều nhận định, đây là bản quy hoạch bao trùm, nhiều điểm mới, nên rất được kỳ vọng sẽ chấp cánh cho ĐBSCL.
GIA BẢO