20/08/2010 - 07:45

Dịch heo tai xanh diễn biến phức tạp, nhiều hộ chăn nuôi lao đao

* Kiên Giang: Công bố dịch heo tai xanh

Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang vào chiều 18-8 cho biết: Kiên Giang đã chính thức công bố dịch heo tai xanh tại TP Rạch Giá. Như vậy, đây là tỉnh thứ 9 ở ĐBSCL công bố dịch này, sau Sóc Trăng, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, TP Cần Thơ.

Dịch heo tai xanh ở Kiên Giang được công bố sau khi xuất hiện hai ổ dịch tại hộ dân ở phường An Bình (TP Rạch Giá) với 21 con heo nhiễm bệnh, kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh tai xanh; một trường hợp còn lại là ở phường Vĩnh Hiệp với 14 con heo bị chết do virus này. Điều đáng lo ngại là tình trạng heo chết thả trôi trên kinh rạch nguy cơ làm lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường đang diễn ra tại Rạch Giá. Người dân hai tuyến kinh Nhánh và kinh Xáng đã phát hiện 4 trường hợp heo chết thả trôi sông. Trước tình hình đó, ngành Thú y tỉnh kết hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, ngăn chặn tình trạng bỏ xác heo chết bừa bãi và ngăn chặn dịch bệnh heo tai xanh lây lan.

* Tại Hậu Giang, ngoại trừ huyện Long Mỹ, 24 xã , phường, thị trấn của 6/7 huyện, thị còn lại gồm: thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành A, huyện Châu Thành, huyện Vị Thủy và thị xã Vị Thanh đã xuất hiện dịch heo tai xanh, với tổng số heo đã tiêu hủy là 427 con. Nơi có đàn heo bị nhiễm bệnh sớm nhất và được tiêu hủy nhiều nhất là thị xã Ngã Bảy với 232 con. Lực lượng thú y đang phối hợp với chính quyền địa phương tích cực triển khai các giải pháp phòng chống dịch như: tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch, tăng cường kiểm tra tình hình vận chuyển, mua bán ở các địa phương có dịch. Ngành thú y cũng khuyến cáo bà con có heo bị bệnh nhanh chóng báo cho lực lượng thú y để tiến hành tiêu hủy và thực hiện nhanh công tác hỗ trợ với mức giá là 25.000 đồng/kg. Tỉnh Hậu Giang đã dự trù kinh phí khoảng 2,5 tỉ đồng để hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi bị thiệt hại. Các địa phương đang tiến hành các thủ tục để trình UBND tỉnh công bố dịch.

* Tại Bình Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Anh Phong cho biết: Đến nay dịch bệnh heo tai xanh đã được tỉnh công bố tại xã Thanh An, huyện Hớn Quản, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng và toàn bộ thị xã Bình Long. Tính đến sáng 19-8 số hộ có heo bệnh là 388 hộ, tổng số heo bệnh là 5.636 con trên tổng đàn 8.915 con và đã tiêu hủy 1.389 con, trong đó số tiêu hủy trong vùng dịch là 1.311 con.

* Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương này hiện đã có 46/91 xã, phường, thị trấn của 7/7 huyện thị xuất hiện ổ dịch heo tai xanh gây thiệt hại cho 352 hộ với 7.679 con mắc bệnh, trong đó đã có 3.852 con được cơ quan Thú y tiêu hủy theo quy định. Tổng số tiền hỗ trợ cho số heo buộc phải tiêu hủy theo quy định (hỗ trợ 25.000 đồng/kg) là hơn 3,47 tỉ đồng. Hiện dịch bệnh LTX chưa có dấu hiệu chững lại.

* Dù chưa phát hiện dịch heo tai xanh trên địa bàn, tỉnh Phú Yên vẫn thành lập thêm một chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa) hoạt động 24/24 giờ từ ngày 20-8. Trạm kiểm dịch Vũng Rô là trạm thứ 5 của tỉnh Phú Yên lập tại các vùng giáp ranh những tỉnh lân cận đang có dịch heo tai xanh. Trong tuần qua, 4 trạm kiểm dịch hoạt động trước đó đã xử lý 7 trường hợp vận chuyển gia súc không có chứng nhận kiểm dịch ra, vào tỉnh Phú Yên. Các ngành chức năng đã xử lý hành chính 5,6 triệu đồng và yêu cầu đưa gia súc quay về nơi xuất phát. Ngoài ra, các trạm kiểm dịch trên đã kiểm soát được 291 lượt vận chuyển hơn 166.700 con gia súc, gia cầm qua địa bàn Phú Yên.

*Tại Lâm Đồng, sau hơn nửa tháng phát dịch heo tai xanh, hơn một nghìn hộ dân vùng Cát Tiên lâm vào cảnh lao đao. Tính đến chiều 19-8, có 1.251 hộ dân ở Cát Tiên có heo bị bệnh tai xanh và theo đó có hơn 8 nghìn con bị tiêu hủy. Mặc dù người dân được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước nhưng thiệt hại về kinh tế vẫn rất lớn, khiến người dân cứ đứng ngồi không yên. Nhiều gia đình đã không còn tiền trả nợ ngân hàng, hết vốn để đầu tư cho kế hoạch sản xuất mới, nghèo lại hoàn nghèo.

Để hỗ trợ cho người chăn nuôi, huyện Cát Tiên đã được tỉnh cấp 8,5 tỉ đồng hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy. Đây là một nỗ lực rất lớn của tỉnh, song việc hỗ trợ cũng chỉ giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi chứ không thể “lo hết mọi cái khó” cho dân. Hiện tại cả chính quyền và người dân đều nỗ lực hết mình để dập dịch bệnh, hy vọng giữ được một nửa đàn heo hiện có trên địa bàn huyện. Tuy nhiên vấn đề “ hậu dịch” thì vẫn đang là nỗi lo lớn của những nông dân ở vùng đất còn lắm khó khăn này.

T.N-TTXVN

Chia sẻ bài viết