05/02/2009 - 07:41

Dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng trên gia súc diễn biến phức tạp

* CÀ MAU: khẩn trương dập tắt dịch cúm gia cầm, đề phòng dịch lây lan trên diện rộng
* BẠC LIÊU: Chủ quan với dịch cúm gia cầm

(TTXVN-CT)- Theo Cục Thú y, ngày 4-2, dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng (LMLM) tại một số địa phương vẫn diễn biến phức tạp và đang tiếp tục lây lan nhanh.

Tại tỉnh Kon Tum ngày 4-2, phát hiện thêm 52 con gia súc mắc bệnh LMLM, trong đó có 36 trâu và 16 bò. Cả tỉnh hiện có 47 thôn của 31 xã thuộc 6 huyện có dịch và đang được coi là điểm nóng về dịch LMLM do có số lượng gia súc mắc bệnh nhiều và trên địa bàn rộng, có nguy cơ lây lan rộng. Ngày 31-1 tại tỉnh Hòa Bình đã phát hiện 26 con gia súc ốm (2 con bò và 24 con trâu) có triệu chứng lâm sàng nghi bệnh LMLM. Tính đến ngày 4-2, cả nước có 3 tỉnh: Long An, Kon Tum và Sơn La có bệnh LMLM chưa qua 21 ngày.

Đối với dịch cúm gia cầm, trong ngày 3-2, tại tỉnh Sóc Trăng dịch được phát hiện trên đàn vịt của một hộ chăn nuôi ở xã Viên Bình, huyện Mỹ Xuyên. Tổng số gia cầm chết là 527 con trong tổng đàn 682 con khoảng 67 ngày tuổi. Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gia cầm nói trên. Hiện nay, cả nước có 3 tỉnh là: Cà Mau, Sóc Trăng và Nghệ An có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

Cục Thú y, các Cơ quan Thú y vùng đang tập trung lực lượng chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh miền Trung và Tây Nam Bộ. Nhằm chủ động triển khai kịp thời, có hiệu quả về phòng, chống dịch bệnh gia súc, ngày 4-2, Cục Thú y đã ban hành văn bản số 120/TY-VP về việc gửi, nhận thông tin về công tác thú y giữa Cục Thú y với các đơn vị liên quan qua mạng Internet và email.

* Chiều ngày 4-2-2009, tại cuộc họp khẩn cấp tìm giải pháp dập tắt dịch bệnh, phòng chống dịch lây lan trên diện rộng, ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, yêu cầu: Ngành chức năng và chính quyền địa phương tiến hành tiêu độc, khử trùng, bao vây ổ dịch không để lây lan; điều tra, thống kê số gia cầm nuôi trong địa bàn để kiểm soát dịch bệnh, phát hiện sớm ổ dịch để kịp khống chế và nhanh chóng hoàn thành việc tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh trên gia cầm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được tác hại của dịch bệnh; vận động người dân tích cực hợp tác với các ngành chức năng để tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh đúng định kỳ, liên tục nhằm đảm bảo cho vật nuôi và sức khỏe ở người.

Đến nay, dịch cúm gia cầm đã lây lan nhanh trên đàn vịt chạy đồng của 9 hộ dân, ở 5/9 ấp tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau với hơn 3.000 con vịt phải tiêu hủy.

* Theo Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu, năm 2009, tỉnh có kế hoạch sẽ tiêm phòng cúm gia cầm mũi 1 đợt 1 vào tháng 2-2009. Tuy nhiên, công tác tiêm phòng gặp nhiều khó khăn do địa phương chưa thống kê được số lượng gia cầm tái đàn. Đặc biệt, Bạc Liêu đang thu hoạch lúa thu đông và đông xuân nên vịt chạy đồng các tỉnh đổ dồn về đây nhưng địa phương không thể kiểm soát...

Dịch cúm gia cầm đã tái phát ở Cà Mau, tỉnh giáp ranh với Bạc Liêu. Mặc dù ngành thú y Bạc Liêu thiết lập trạm kiểm dịch ở xã Tân Phong, huyện Giá Rai (Quốc lộ 1A), trạm kiểm dịch ở thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, giáp với tỉnh Sóc Trăng và 1 tổ cơ động nhưng lực lượng thú y không túc trực thường xuyên và không có sự hỗ trợ của cảnh sát giao thông nên nhiều xe chở gia cầm vẫn vượt trạm. Bên cạnh đó, trạm thú y các huyện cũng không thể kiểm soát gia cầm nhập tỉnh bằng đường thủy vì Bạc Liêu có nhiều sông rạch tiếp giáp với 2 tỉnh trên. Ngoài ra, tại các chợ ở thị xã Bạc Liêu và các huyện Giá Rai, huyện Hòa Bình, Hồng Dân... phổ biến tình trạng mua bán, giết mổ gia cầm sống, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch công khai. Đáng báo động là tình trạng buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch đã kéo dài nhiều năm.

HOÀNG TÙNG - T. TÂM - HUỲNH SỬ

Chia sẻ bài viết