Đề án “Xây dựng mô hình can thiệp nhằm giảm tiêu cực của tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài” giai đoạn 2005-2007 được thực hiện thí điểm tại TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp, góp phần giảm đáng kể tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài không tình yêu, bất hợp pháp. Tại hội nghị tổng kết đề án vào ngày 28-12-2007, nhiều đại biểu đã đề xuất những giải pháp duy trì và nhân rộng mô hình như: Tiếp tục hoàn thiện một số vấn đề về chính sách liên quan đến thủ tục kết hôn với người nước ngoài, nâng cao chất lượng công tác truyền thông, tư vấn, góp phần giảm thiểu rủi ro trong hôn nhân có yếu tố nước ngoài...
Thời gian qua, tình hình phụ nữ kết hôn với người nước ngoài ở
các tỉnh, thành ĐBSCL ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Hiện tượng môi giới hôn nhân bất hợp pháp, phụ nữ bị lừa gạt vào các ổ mại dâm dưới dạng hôn nhân, vấn đề trẻ em lai về Việt Nam sinh sống... trở thành mối quan tâm và bức xúc của toàn xã hội. Từ thực trạng trên, Vụ Gia đình (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) triển khai đề án thí điểm tại 2 địa phương trên, góp phần làm thay đổi phần nào nhận thức và ý định kết hôn với người nước ngoài của đa số phụ nữ.
Khi hôn nhân không tình yêu
 |
Giao lưu giữa tình nguyện viên của đề án ở xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ với phụ nữ kết hôn với người nước ngoài trở về sinh sống. |
Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Cần Thơ, từ năm 2005 đến tháng 10-2007, thành phố có gần 2.800 trường hợp phụ nữ kết hôn với người Đài Loan và Hàn Quốc. Hầu hết, các cô gái lấy chồng nước ngoài đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn và cùng mục đích kết hôn là để có ngay khoản tiền giúp đỡ gia đình, mong muốn một tương lai tươi sáng hơn... Lợi dụng mong muốn đó, nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đã tiến hành việc môi giới kết hôn không lành mạnh, hoạt động ngoài sự quản lý của Nhà nước nhằm mục đích vụ lợi cá nhân. Những cô gái nhẹ dạ, cả tin mong muốn được đổi đời một cách nhanh chóng đã bị những lời hứa hẹn hão huyền, đường mật về cuộc sống huy hoàng ở xứ người, trở thành “mồi ngon” cho bọn môi giới buôn người, lừa đảo...
Chị Huỳnh Thị Muộn, ở xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, do bất đồng quan điểm với người chồng Việt Nam, chị bồng bế con thơ về nhà cha mẹ ruột sống tạm vào năm 2002. Không việc làm, cuộc sống hết sức khó khăn, con nhỏ bị bệnh viêm phế quản nằm viện liên tục không tiền thang thuốc. Chị Muộn, tâm sự: “Tôi được người quen giới thiệu lên Sài Gòn làm công để kiếm tiền nuôi con. Đến năm 2004, qua môi giới, tôi kết hôn với một người Đài Loan, với mong muốn để cải thiện cuộc sống gia đình và có tiền trị bệnh cho con. Để trang bị cho ngày lễ kết hôn được tươm tất, tôi vay của người quen 3 triệu đồng. Trong ngày cưới, chồng tôi cho đôi bông tai, dây chuyền và chiếc nhẫn. Nhưng chỉ chung sống được 3 ngày, anh ta bảo về thăm quê rồi sẽ bảo lãnh tôi sang bên đó đoàn tụ gia đình. Lúc này, bà mối cũng bảo tôi đưa số nữ trang cho bà giữ khi chồng sang thì đeo, nhưng chờ đợi mỏi mòn đến nay vẫn không liên lạc được với anh ta”.
Cho dù, những cô gái kết hôn với người nước ngoài có đạt được mục đích về kinh tế, nhưng vấn đề xã hội rất phức tạp. Nhiều biểu hiện tiêu cực đã và sẽ tiếp tục nảy sinh vì sự cách biệt về không gian, khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, sự chênh lệch về tuổi tác... Ông Ngô Văn Hùng, ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, có 5 người con, không đất sản xuất, hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Làm thuê quần quật lo miếng ăn hàng ngày, không khả năng lo cho con lớn vào đại học nên ông chấp nhận cho con kết hôn với người Đài Loan vào năm 2004. Ông Hùng nói: “Mặc dù nhiều người động viên, nhưng vợ chồng tôi mất ăn, mất ngủ vì con từ nhỏ chưa xa nhà, giờ đến tận Đài Loan, không biết gì về phong tục tập quán của xứ người... 2 năm sau, khi về thăm gia đình biết được con đã có làm việc trong một công ty ở Đài Loan, vợ chồng bớt lo sợ. Hiện nay, tuy gia đình tôi đã trả hết nợ, cuộc sống ổn định, nhưng trong lòng rất khổ tâm, vì con ở quá xa không đi thăm được, đành ngậm ngùi nhớ thương và trông đợi”.
Tăng cường tuyên truyền
Qua 3 năm thực hiện thí điểm, tại xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ và xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập 10 Câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững, trang bị tủ sách pháp luật và bản tin truyền thông của đề án tại các nhà thông tin ấp, tăng cường công tác dạy nghề, hỗ trợ vốn vay ưu đãi để tạo điều kiện cho họ tăng gia sản xuất... Có được thành quả đó, không thể không kể đến sự hỗ trợ tích cực của Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, Sở Tư pháp và Hội LHPN của 2 địa phương trên về công tác truyền thông, tư vấn cho 100% phụ nữ khi đăng ký kết hôn với người nước ngoài hiểu các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...
Từ đó, tình trạng phụ nữ đăng ký kết hôn với người nước ngoài đã giảm đáng kể. Chị Nguyễn Thị Dung, tình nguyện viên của đề án, ở xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt (Cần Thơ), cho biết: “Xác định đây là đề án trọng tâm giúp hạn chế tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, chúng tôi đến từng gia đình có con trong độ tuổi kết hôn và phụ nữ kết hôn với người nước ngoài để tìm hiểu hoàn cảnh, nỗi bất hạnh của chị em, vận động họ tham gia CLB. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng các đối tượng có nguy cơ cao như nữ thanh niên không có việc làm, gia đình khó khăn về kinh tế, có con trong độ tuổi kết hôn..., tập trung tuyên truyền các Luật bình đẳng giới, Luật hôn nhân gia đình và chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để chị em nắm và cân nhắc trước khi có ý định lấy chồng xa xứ... Nhờ đó, hạn chế được tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài”.
Cùng thời gian này, Hội LHPN TP Cần Thơ cũng thành lập “Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, do tổ chức phi chính phủ của Mỹ tài trợ (gọi tắt là AFESIP). Hội tiếp nhận 59 lượt học viên (bị buôn bán ra nước ngoài trở về) vào Trung tâm để tư vấn ổn định tâm lý, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề... tạo điều kiện cho chị em sớm ổn định tư tưởng, tái hòa nhập với cộng đồng. Từ đó, phụ nữ có ý định kết hôn với người nước ngoài tại 2 địa phương trên giảm đáng kể. Nếu như năm 2005, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) có 24 trường hợp phụ nữ kết hôn với người nước ngoài; xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) có 4 trường hợp, thì đến năm 2007, xã Thới Thuận giảm còn 12 trường hợp và xã Mỹ An Hưng A (Đồng Tháp) chỉ còn 2 trường hợp. Hiện nay, xã Thới Thuận có 8 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài trở về sinh sống cùng với 5 trẻ em lai, trong đó có 1 em bị bệnh tim và bại não. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ vốn ưu đãi, bố trí làm việc cho các chị tại các công ty, xí nghiệp ở địa phương, giúp họ ổn định cuộc sống.
Đề án “Xây dựng mô hình can thiệp giảm tiêu cực của tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài” được triển khai tại các địa bàn thuần nông, sống xa trung tâm, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế còn nghèo và khó khăn... đã tác động tích cực, góp phần tháo gỡ những khó khăn về kinh tế gia đình, giúp phụ nữ có việc làm ổn định bằng sức lao động của bản thân. Nhờ vậy, không ít gia đình đã thoát nghèo; đồng thời, cũng thu hút rất nhiều phụ nữ từ bỏ ý định kết hôn với người nước ngoài.
Bài, ảnh: KIM XUÂN