01/04/2011 - 14:48

Đi đường vòng ?

Trong các đợt tư vấn tuyển sinh, nhiều chuyên gia, nhà giáo đã có lời khuyên cho học sinh lớp 12 là không phải chỉ có đậu đại học là con đường duy nhất để vào đời. Các em có thể đi “đường vòng”. Thực tế rất nhiều học sinh đã đi đường vòng và khá thành công...

Đi “đường vòng”...

Tại Ngày hội tuyển sinh năm 2011 được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ vừa qua, thí sinh quan tâm nhiều đến “đường vòng”
vào đại học. Ảnh: L. G 

Hiện nay, Nguyễn Mạnh T., quê ở Đăc Lăk, đang là học viên năm thứ hai lớp Công nghệ sửa chữa và khai thác thiết bị cơ khí, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ tại TP Cần Thơ. Năm 2007, T. thi rớt đại học, trong khi các bạn chọn thi vào các ngành, nghề ở các trường trung cấp, cao đẳng... thì T. không “cam tâm” nên vào TP Hồ Chí Minh vừa luyện thi, vừa làm thêm để tự nuôi sống bản thân và nuôi ước mơ vào đại học. Ban ngày, T. làm đủ mọi việc nên khó tập trung học vào ban đêm nên T. tiếp tục thi rớt. Hơn một năm sau, trở về Đăc Lăk họp mặt bạn bè, T. biết có một vài bạn học nghề 2 năm đã ra trường và có việc làm ổn định. Các bạn T. cũng dự định sau một thời gian công tác sẽ xin học liên thông lên đại học. Sau khi tìm hiểu, T. quyết định đăng ký vào học tại Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ. T. nói: “Sau khi tốt nghiệp, đi làm một vài năm tôi sẽ tích lũy vốn để tiếp tục học liên thông lên đại học. Vừa học, vừa làm sẽ không phải quá tập trung lo về cơm áo gạo tiền, cũng không làm phiền gia đình. Như vậy, con đường đến với đại học của tôi tuy chậm mà chắc”.

Khác với T., ngay sau khi rớt đại học trong lần thi đầu tiên, Lê Trung, nhà ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã quyết định “đi đường vòng” khi chọn đăng ký vào học lớp Điện - Điện công nghiệp của Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ. Trung kể: “Ban đầu tôi xác định nghề chưa đúng, thi rớt đại học cũng buồn lắm. Bình tâm lại thấy quanh mình nhiều người không đậu thẳng vào đại học vẫn thành đạt bằng nhiều con đường khác nhau. Tôi chọn học trung cấp vì thời gian học ngắn, mau ra trường, cha mẹ đỡ tốn kém. Sau khi tốt nghiệp, tôi tìm việc làm tự nuôi sống bản thân, rồi học tiếp đại học cũng không muộn”. Không riêng trường hợp của T., Trung, trong thực tế, có nhiều người thành đạt bằng cách đi đường vòng như thế. Điển hình như Nguyễn Thùy V., nhà ở huyện Phong Điền. Năm 1998, sau 2 năm thi vẫn không đậu vào Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, V. chọn học lớp Trung cấp Dược 2 năm. Sau đó, V. làm trình dược viên cho các công ty dược. Khi đã mua được nhà ở TP Hồ Chí Minh, V. đã thi vào lớp dược sĩ đại học của Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh hệ vừa học, vừa làm. Hiện V. đã tốt nghiệp đại học và cũng đang giữ vị trí Trưởng Bộ phận ở một công ty dược tại TP Hồ Chí Minh.

Còn nhiều lựa chọn...

Trong nhiều thí sinh cố chen chân vào ngưỡng cửa đại học có không ít thí sinh học lực yếu, nhưng vẫn chọn ngành “top”, nên thi nhiều lần vẫn không đậu. Cũng có những thí sinh dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, vẫn chọn thi vào trường lớn, học phí cao, chi phí ăn ở đắt đỏ... “Vậy sao các em không chọn hướng đi phù hợp để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, đỡ mất thời gian của bản thân?” - Đó là câu hỏi mà nhiều nhà tư vấn thường hỏi và nhiều thí sinh không thể trả lời. Phó giáo sư - Tiến sĩ Võ Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, chia sẻ: “Nhiều ngành ở bậc trung cấp ra trường có việc làm ngay. Thời gian học ngắn, chi phí học thấp nhưng các em vẫn không chịu vào học”.

Hiện nay, hầu hết các trường cao đẳng đều tổ chức liên thông để sinh viên có thể học lên đại học. Sinh viên có thể học liên thông ngay sau khi tốt nghiệp, hoặc sau một thời gian công tác. Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng “nắm được” cơ hội này. Bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, trường có một số ngành không tuyển đủ chỉ tiêu, vì thí sinh không đăng ký vào học”. Trường cao đẳng đã vậy, trường trung cấp còn khó thu hút thí sinh hơn, dù cho các trường này luôn “rộng cửa” đón thí sinh. Để tuyển được nhiều thí sinh, Trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật TP Cần Thơ còn tuyển luôn cả những thí sinh rớt tốt nghiệp THPT. Ông Phạm Văn Đẩu, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “Những học sinh rớt THPT sẽ học trong thời gian 2 năm 3 tháng. Sau khi tốt nghiệp được cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp, có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học”. Hiện nay, hầu hết các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng đều có những môn học liên thông lên đại học. Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc để có sự lựa chọn phù hợp, tránh lãng phí thời gian, công sức và giảm bớt gánh nặng chi phí cho gia đình...

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết