Đi chợ giờ đây là chuyện phải cân nhắc. Chợ Tân An bị phong tỏa khi cơ quan y tế xác định một người bán thức ăn, 64 tuổi, dương tính với SARS-CoV-2. Một lỗ thủng trong tuyến phòng ngự được “phong bế” và khi thực hiện Chỉ thị 16, sự chọn lựa còn lại là siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Mong, sau thời giãn cách lại có một ngày đi chợ bình an!...
Khoảng trống
Ngày bình yên là mơ ước của muôn người, có khi chỉ để đi chợ, để được nhìn ngắm nhịp sống mà trước đây xem là chuyện quá đỗi bình thường.
Chợ là cái gì mà mỗi ngày lưu lượng từ 3.000-4.000 lượt người đến đây. Chỉ là nơi mua bán đâu có gì ầm ĩ, nhưng sao giờ đây, nhìn nhiều sạp treo những chiếc nón lá cũ mèm, những đôi ủng lộn ngược, thau chậu, lô sạp… hoang vắng, không người - lại thấy một khoảng trống quá lớn khi chợ ngừng hoạt động.
24 chợ truyền thống trên địa bàn Ninh Kiều - Cái Răng, nơi sinh sống của khoảng 450.000 dân, cũng đã tê liệt.
Bà Thảo ở quận Ninh Kiều, có thói quen đi chợ Tân An, nói: “Tôi thích đi chợ này vì đồ ăn tươi, làm sẵn tại chỗ”. Lợi thế của chợ: hàng tươi - “cá đang bơi”, “gà đang gáy”, người bán vừa đánh vảy cá, vặt lông gà,... vừa trò chuyện với người mua. Nó có cái gì đó rất gần gũi, rất tình thương mến thương.
“Thâm tình với chủ sạp, người ta còn cho thêm. Vào siêu thị hay các cửa hàng tiện ích gần nhà nhưng nhân viên bây giờ - nói chung - cả người mua kẻ bán đều “phòng thủ”, ngại tới gần. Là nhân viên - tụi nhỏ - không thể như tiểu thương”, bà Thảo nói tiếp: “Khi chợ truyền thống bị phong tỏa, ai nấy đổ xô vô siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Một tuần trôi qua, những siêu thị - vốn chỉ dành diện tích nho nhỏ cho nông sản tươi sống - rất dễ cháy hàng. Tôi xếp hàng theo thứ tự, nhưng tới phiên mình thì đồ mình cần không có để mà mua, phải chi có chợ truyền thống!
Người đi chợ bất chợt nhận ra khoảng trống quá lớn khi chợ truyền thống tạm đóng cửa. Dịch COVID-19 vô tình đặt ra câu hỏi sinh tồn trong vui vẻ cho cả chợ truyền thống và siêu thị.
Năm 2020, thành phố có 105 chợ truyền thống, gồm 5 chợ hạng I, 14 chợ hạng II, 56 chợ hạng III, còn lại là chợ tạm, chợ chưa phân hạng. Theo thống kê của Sở Công Thương, 10 năm trước, (năm 2011) toàn thành phố có mạng lưới 102 chợ truyền thống; trong đó có 5 chợ hạng I, 11 chợ hạng II, 53 chợ hạng III và 33 chợ nhỏ lẻ khác. Trong khi chợ truyền thống không có thay đổi lớn thì mạng lưới 11 siêu thị và 137 cửa hàng tiện lợi của Vinmart+ (nay là Winmart), Coop Mart, Satrafood, Bách hóa Xanh, Circle K…là sân chơi lớn, thu hút nguồn vốn đầu tư “cả nội lẫn ngoại”.
“Bực chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm nên tui bỏ chợ vô siêu thị mua đồ. Ở siêu thị, có rất nhiều hàng - mẫu mã, bao bì, quy cách - đủ để chọn lựa. Chỉ riêng việc ghi nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thôi, chỉ làm ăn, mua bán an toàn, vệ sinh là mọi thứ sẽ tốt hơn mà người mình không chịu làm, bà Xuân nói về lỗ hổng của chợ truyền thống.
“Chợ truyền thống có thể làm tốt hơn, nhưng ăn thua chính sách và chủ chợ có thật sự muốn chợ tốt hơn không”, bà Xuân nói tiếp. Thật ra siêu thị, chợ truyền thống thì cũng là chợ. Các đại siêu thị cho thuê mặt bằng, chú ý hình thức, quy cách hiện đại nên nhìn rất đẹp, sang hơn. Chợ truyền thống cho thuê mặt bằng, thực ra cốt để có chỗ bán như hồi mậu dịch quốc doanh nên hình thức - nội dung đều không coi trọng. Hồi xưa, chợ treo bảng “Không nói thách”, “Không cân thiếu”…, thậm chí chính người mua bán ở chợ cùng Công ty CP Thương nghiệp tổng hợp (C.T.C) lập “CLB tiểu thương” để cùng cải thiện hình ảnh.
Bà Xuân từng buôn bán (sỉ) ở chợ Cần Thơ, dời về Cái Khế thành bán lẻ, nói rằng chính tư duy cũ kỹ của các chủ chợ làm cho chợ truyền thống không phát triển.
Chợ Tân An trước thời điểm bị phong tỏa do dịch COVID-19.
Tầm nhìn chợ truyền thống!
Chợ là mối liên kết đầu tiên giữa con người từ các vùng miền, từ nhiều nền văn hóa với nhau khi định vị sản xuất hàng hóa (nhu cầu trao đổi, mua bán), là không gian thương mại có thể thu hút và dẫn dắt nguồn lực tới việc nâng cao giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường. Chợ là phần nổi của tảng băng cạnh tranh, ở phần ngầm là quan niệm “thương trường là chiến trường”.
Ở nước ta, Thông tư 15-TM/CSTTTN ngày 16-10-1996 của Bộ Thương mại định nghĩa: “Chợ là mạng lưới thương nghiệp hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội”. Nghị định 02/2003/NĐ-CP về quản lý và phát triển chợ và Nghị định 114/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 02/2003/NĐ-CP xác định chợ truyền thống được phân loại: theo mặt hàng kinh doanh: chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ tổng hợp, chợ dân sinh; theo kiến trúc chợ: chợ kiên cố (có thời gian sử dụng trên 10 năm); chợ bán kiên cố (có thời gian sử dụng từ 5-10 năm); chợ tạm là chợ nằm trong quy hoạch nhưng chưa được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố; điểm kinh doanh tại chợ bao gồm quầy hàng, sạp hàng, kiosque, cửa hàng có diện tích quy chuẩn tối thiểu là 3m2/điểm; chợ phân bố theo vùng địa lý: chợ biên giới, chợ nông thôn, chợ miền núi, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu; phân loại theo cơ quan quản lý: chợ do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (HTX) kinh doanh, quản lý chợ; chợ có Ban quản lý do doanh nghiệp, HTX thành lập; Nơi chưa có doanh nghiệp, HTX thì đơn vị sự nghiệp lập Ban quản lý, quản lý một hoặc nhiều chợ.
Số liệu từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), năm 2010, cả nước có khoảng 8.500 chợ. Năm 2011, Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, công bố cả nước có gần 9.000 chợ truyền thống, 80% lưu lượng hàng hóa luân chuyển qua kênh phân phối này.
Năm 1993, hệ thống bán lẻ hiện đại - dạng siêu thị đầu tiên tại Việt Nam ra đời - thuộc Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản và Tiểu thủ công nghiệp Vũng Tàu (Minimart). Từ đó, diện mạo thị trường đã thay đổi khi các nguồn lực đầu tư tài chính và sáng tạo tập trung vào các dự án siêu thị.
Theo công bố của Kantar WorldPanel, tổ chức chuyên phân tích thị trường, lượng hàng hóa bán ra từ chợ truyền thống đã giảm khá nhiều khi kênh phân phối hiện đại vận hành.
Năm 2007, lượng hàng hóa bán ra từ chợ truyền thống (wet market) là 12,8% nhưng đến năm 2016, con số này chỉ còn 9,9%.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, doanh thu bán lẻ của thị trường Việt Nam năm 2020 khoảng 160 tỉ USD. Bán lẻ truyền thống tuy chiếm 74% thị phần nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ chiếm 1%/năm, trong khi các kênh bán lẻ hiện đại (LOTTE Mart, Aeon Mall, E-Mart, VinMart/Winmart, Circle K, FamilyMart, Co.op Smile, Satrafoods, Bách Hóa Xanh…), tuy chỉ chiếm 26% thị phần nhưng tốc độ tăng trưởng tới 11,8%/năm. Năm 2019, số cửa hàng tiện lợi trên cả nước tăng thêm khoảng 1.289, tăng 101 điểm bán so với năm 2018, đạt mức tăng trưởng doanh số 18%. Trong đó, Family Mart, Circle K và B’s Mart chiếm thị phần lần lượt là 21,4%, 20,7% và 9,6%.
Báo cáo Ngành bán lẻ Việt Nam do Deloitte công bố, đến cuối năm 2019 cả nước có 3.450 siêu thị với tổng diện tích sàn lên đến hơn 1,6 triệu mét vuông. Mô hình bán hàng đa kênh đạt mức tăng trưởng doanh số cao nhất (16%) vào năm 2019. Trong đó, Saigon Co.op và Bách Hóa Xanh lần lượt chiếm 43% và 14% thị phần.
Vào thời điểm này, Thái Lan được xem là rất thành công trong việc mua bán và sáp nhập (M&A) hệ thống siêu thị. Ở phân khúc đại siêu thị có 58 điểm bán, chuỗi Big C của Thái Lan chiếm 57,6% thị phần.
Cơ hội nhìn lại
Cuối năm 2017, ĐBSCL có 1.653 chợ, chiếm khoảng 19,4% tổng số chợ trên cả nước. Trong đó có 36 chợ hạng I, 176 chợ hạng II, 1.393 chợ hạng III và 48 chợ chưa phân hạng. Đến hết tháng 6-2019, vùng ĐBSCL hình thành mạng lưới chợ nông thôn, trong đó có khoảng 1.093/1.286 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chiếm 85,6%, cao hơn mức bình quân của cả nước (cả nước 85,5%).
Hiện nay, Đồng Tháp trở thành nơi có chợ truyền thống nhiều nhất khi quy hoạch, phát triển hệ thống 230 chợ truyền thống, chiếm trên 13% hệ thống chợ toàn vùng ĐBSCL. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 - chống dịch như chống giặc - chợ truyền thống hay siêu thị đều có thể thứ bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Nếu hệ thống siêu thị có thể tự hàn gắn, chữa lành vết thương do đứt gãy thì chợ truyền thống gần như không có khả năng tự làm mới, không thể tự đầu tư nâng cao năng lực thích ứng. Cũng theo Kantar Worldpanel Việt Nam, 92% người được hỏi, cho biết họ thích mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng tạp hóa hơn do thói quen đã có từ lâu và vì cửa hàng tạp hóa có quy mô nhỏ, chi phí vận hành thấp nên giá hàng hóa rẻ.
Kantar WorldPanel cũng dự báo: Năm 2025 siêu thị và cửa hàng tiện lợi sẽ là kênh tăng trưởng chính của bán lẻ hiện đại.
Chợ truyền thống ở đô thị đang trở thành nhỏ bé trước những người khổng lồ siêu thị. Phải chăng chợ truyền thống không thể lớn lên được nữa và tương lai được lựa chọn là siêu thị sẽ thay thế chợ truyền thống? Buông bỏ suy nghĩ nâng cấp, thay đổi căn bản chợ truyền thống, chấp nhận đi từ một chân (siêu thị) có phải là thuật toán hoàn hảo, một nước cờ thông minh trong cuộc chiến mới COVID-19 hay chỉ là hình ảnh người “chống nạng cày bừa”?
CHÂU LAN