01/12/2009 - 20:41

Đến trường bằng đôi tay

Đôi bạn thân Phan Chí Tâm và Trần Thị Trinh.

Hai chân bị liệt, việc đi đứng, di chuyển tới lui gặp nhiều khó khăn, nhưng em Trần Thị Trinh vẫn khao khát, cháy bỏng niềm mơ ước được cắp sách đến trường. Năm học này, Trinh học lớp 11 Trường THPT Thạnh Lộc (xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang). Ngày ngày, em đến lớp bằng cái ghế thay cho đôi chân và được sự giúp đỡ của người bạn thân học cùng lớp. Không ngừng nỗ lực, Trinh đã từng bước vượt qua khó khăn để nuôi dưỡng, chăm bồi ước mơ của mình bằng con đường học vấn...

* Đôi bạn thân

Đó là Trần Thị Trinh và Phan Chí Tâm, học sinh lớp 11A2 Trường THPT Thạnh Lộc. Mặt trời vừa hửng nắng, sau khi chuẩn bị tập sách, trang phục chỉnh tề, Chí Tâm đến nhà gọi í ới, rồi chở Trinh đến lớp bằng xe đạp. Đôi bạn giúp nhau vượt khó này, đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc, mỗi khi nhớ về tuổi học trò hồn nhiên...

Đôi chân tật nguyền, đi lại rất khó khăn, gia đình lại ở vùng nông thôn sâu, nên những ngày đầu Trinh cắp sách đến trường là cả một quá trình gian khó. Tuy nhiên, niềm động viên cho Trinh, đó là sự quan tâm của gia đình, thầy cô và sự giúp đỡ, chia sẻ khó khăn của bạn bè cùng lớp. Nhờ vậy, trong những năm học ở bậc tiểu học và THCS, Trinh luôn là học sinh khá, giỏi. Hơn vậy, khi lên cấp 3, Trinh phải sống xa gia đình, ở nhờ nhà người dì (ở xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng) để thuận tiện cho việc đi lại, tiếp tục theo đuổi con đường học vấn. Khó khăn trong sinh hoạt, trong việc đến trường, đến lớp, nhưng vẫn không làm cô học trò nghèo tật nguyền chùn bước nản lòng. Định mệnh đã an bài cho Trinh khiếm khuyết một phần cơ thể, nhưng đổi em có gương mặt sáng và một khối óc minh mẫn. Cuộc đời đã đặt Trinh vào cảnh ngộ đầy gian khó, nhưng cũng mang đến cho em những người bạn tốt. Suốt năm học qua, Chí Tâm, người bạn cùng lớp đã đưa rước Trinh đến trường bằng xe đạp và giúp bạn di chuyển lên xuống cầu thang. Đôi bạn này cùng học, cùng chơi và cùng tiến bộ. Ngày nay, Trinh và Chí Tâm trở thành tấm gương tiêu biểu trong học tập, giúp đỡ bạn bè được thầy cô và bạn bè quý mến.

Nhớ lại ngày đầu mới quen biết, Trinh kể: “Một buổi tan trường của đầu năm học lớp 10, em nhờ Chí Tâm phụ xách cặp về trước, còn em thì dùng chiếc ghế nhựa dò dẫm, di chuyển từng bước về nhà. Đoạn đường từ trường đến nhà bằng đất đỏ, không bằng phẳng, dài khoảng 1 cây số, hơn 30 phút sau, chúng em mới về đến nhà. Sau lần đó, Chí Tâm thường sang nhà trò chuyện, an ủi, động viên em”. Thấy nhà dì của Trinh có chiếc xe đạp cũ, không ai sử dụng, Chí Tâm bạo dạn hỏi mượn, để mỗi ngày cùng Trinh đến trường. Thật hồn nhiên, nhưng cũng rất chân tình, nghe xong, dì của Trinh đã gật đầu đồng ý. Kể từ đó, ngày nào cũng vậy, Chí Tâm cùng Trinh đến lớp bằng xe đạp cũ, một ngày với hai lượt đi và về. Dần dà, họ trở thành đôi bạn thân, thường xuyên giúp đỡ, cùng nhau tiến bộ trong học tập. Nhắc đến Trinh, đôi mắt Chí Tâm ánh lên niềm vui. Em bộc bạch: “Chiếc xe đạp này đã gắn bó với chúng em hơn 2 năm nay, rất nhiều kỷ niệm. Ban đầu, thấy Trinh tật nguyền, ham học, nên em không ngần ngại giúp đỡ bạn đến trường, đến lớp. Càng chơi thân với Trinh, em càng thấy quý mến và cảm phục tinh thần cầu tiến, ý chí vượt khó của bạn. Từ đó đã giúp em có suy nghĩ và bắt đầu thay đổi thái độ học tập”. Quả thật, học kỳ 1 năm học lớp 10, học lực của Chí Tâm xếp loại trung bình nhưng đến học kỳ 2 và cả năm học, Chí Tâm đã có tiến bộ, em đạt học lực khá. Đầu năm học lớp 11 này, Chí Tâm được bạn bè tín nhiệm bầu làm lớp Phó học tập, kiêm Bí thư Chi đoàn lớp...

Thầy Đinh Hoài Em, giáo viên dạy Toán, kiêm Bí thư Đoàn trường THPT Thạnh Lộc, cho biết: “Trần Thị Trinh rất hiền, ngoan và học khá giỏi đều ở tất cả các môn, trong đó, nổi trội nhất là môn Toán. Trong giờ học, em rất nghiêm túc, chuẩn bị bài vở chu đáo và hăng hái phát biểu ý kiến, xây dựng bài. Có điều gì không hiểu hoặc chưa rõ, Trinh mạnh dạn hỏi bạn bè, thầy cô đến khi nào hiểu mới thôi. Tuy gặp khó khăn khi di chuyển, nhưng em là một trong những đoàn viên tham gia rất tích cực các phong trào đoàn của lớp, của trường”.

* Chắp cánh ước mơ

Khác với những gì chúng tôi tưởng tượng, Trinh sống hòa đồng với mọi người xung quanh và em luôn tươi cười. Mặc dù, trong đôi mắt em thắm đượm nỗi buồn. Quãng đời thơ ấu của Trinh là chuỗi ngày dài buồn tủi và không ngừng nỗ lực vượt khó, cố gắng vươn lên trong cuộc sống...

Ngày trước, khi mới lọt lòng mẹ, cơ thể Trinh cũng lành lặn và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng khi lên 6 tháng tuổi, Trinh mắc chứng bệnh quái ác, cơn sốt bại liệt đã cướp đi vĩnh viễn đôi chân của em. Từ đó, Trinh chỉ nằm hoặc ngồi im một chỗ. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều nhờ đến sự trợ giúp của người thân. Lớn lên, nhìn mấy đứa trẻ trong xóm chạy nhảy, tung tăng nô đùa, Trinh rất thèm muốn, nhưng chỉ biết ngồi lặng lẽ ở một góc khuất từ xa trông lại... Không cam chịu số phận, Trinh bắt đầu tập đi với chiếc ghế nhựa. Hai tay cầm chắc mặt ghế, làm điểm tựa, Trinh lần mò di chuyển từ từ trên hai chân cong vẹo. Ban đầu, em thường bị té ngã, nằm lăn dài trên mặt đất. Nhưng, Trinh đã không nản lòng mà cố gượng đứng dậy và tập đi tiếp. Kiên trì trong nhiều ngày liền, sau cùng Trinh đã đi lại thành thục bằng ghế thay cho đôi chân. Trinh bộc bạch: “Ghế nhựa vừa nhẹ, vừa dễ di chuyển nên em chọn nó làm điểm tựa, giúp em đi lại. Chiếc ghế là người bạn thân thiết, đồng hành với em suốt ngày. Từ trước đến giờ, em không nhớ mình đã sử dụng bao nhiêu cái ghế nữa”.

Trinh là con thứ ba trong gia đình có 4 chị em gái. Căn nhà lá, nền đất nằm ở giữa đồng trống là nơi trú ngụ của gia đình em. Không ruộng đất sản xuất, anh Trần Anh Dũng và chị Nguyễn Thị Ngọt, cha mẹ Trinh sống chủ yếu bằng nghề giăng câu, thả lưới, làm thuê, làm mướn để mưu sinh đắp đổi qua ngày. Anh Dũng dãi nắng, dầm mưa, chị Ngọt tảo tần sớm hôm, nhưng cũng đủ lo chạy gạo từng bữa cho các con. Lớn lên, thấy mấy bạn học bài ê a, Trinh cứ theo mẹ năn nỉ mua tập, sách cho em đi học. Chị Ngọt cho biết: “Thấy Trinh ham học quá, nên vợ chồng tôi cũng ráng lo cho con. Hy vọng sau này, cháu sẽ có tương lai tươi sáng, không còn khổ cực, lam lũ như cha mẹ nó bây giờ”. Năm lên 9 tuổi, Trinh được cha mẹ cho đi học lớp 1. Nhà cách trường khá xa, hàng ngày, Trinh cùng bạn My, ở gần nhà thay nhau bơi xuồng đến lớp. Đến học cấp 2, Trinh được bạn Huỳnh Anh Khoa chở đến trường bằng xe đạp. Đến những năm học cấp 3, do quá xa nhà nên cha mẹ đưa em lên ở nhà người dì gần trường, để tiện cho việc đi lại.

Ngày mới, Trinh thức dậy từ lúc 4 giờ sáng, học bài trước khi đến lớp. Sau giờ học, em tranh thủ xem lại bài vở vừa học, rồi chuyển sang học, làm bài tập cho những môn học của ngày mai. Lúc bài vở ít, em phụ giúp dì làm những công việc vặt trong nhà như dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo... “Nếu như em sống khép mình, không muốn trò chuyện với mọi người xung quanh vì mặc cảm thì sẽ làm mọi người càng xa lánh hơn. Điều này, không ích lợi gì cả. Vì thế, em thầm nghĩ cứ sống hết mình, cứ tươi cười thì sẽ làm mọi người được vui vẻ hơn” - Trinh bộc bạch. Nhưng, khi đối diện với màn đêm và chính mình, Trinh lại lặng lẽ suy tư, không biết ngỏ cùng ai. Nhìn thấy bạn bè mặc chiếc áo dài, tha thướt tung bay trong gió, Trinh ao ước một ngày nào đó em cũng sẽ khoác bộ áo dài trắng tinh. Nhưng khi nhìn lại đôi chân cong vẹo, Trinh lặng người đi... Những lúc như thế, em chỉ biết ngồi lặng lẽ xếp hình những ngôi sao, đủ màu sắc, rồi cho vào lọ thủy tinh. Mỗi ngôi sao là một lời nhắc nhở, an ủi, động viên chính mình phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống cũng như trong học tập...

Ước mơ của Trinh sau này sẽ trở thành kỹ sư tin học. Dẫu biết con đường đến tương lai còn lắm gập ghềnh và chông gai, nhưng chúng tôi tin rằng cô học trò nghèo, khuyết tật, hiếu học này sẽ vượt qua và ước mơ của em sẽ trở thành hiện thực trong một ngày không xa...

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết