23/03/2017 - 21:11

Đến Lắk huyền thoại

Từ độ cao 800 mét, hồ Lắk (huyện Lắk, tỉnh Đăk Lăk) như một món quà quý mà thiên nhiên ban tặng con người. Đó là một hồ nước lung linh soi bóng núi, bóng làng, cung cấp nguồn nước mát lành để tưới rẫy, để voi tắm và để những con thuyền độc mộc lướt trên dòng mưu sinh. Tháng 3, mùa ong lấy mật, Lắk rộn ràng cùng du khách bốn phương…

 Đua voi ở hồ Lắk.
 

Lắk là một hồ nước rộng giữa núi rừng, được dùng đặt tên cho huyện Lắk thuộc cao nguyên Đăk Lăk. Không rộng lớn như Biển Hồ nhưng Lắk là một huyền thoại đậm chất sử thi của người bản địa. Du khách đến đây, xem Lắk như một món quà hào phóng từ thiên nhiên. Còn người M’Nông xem đó là tấm lòng của người con trai ra đời từ sự bồng bột của nàng con gái M’Nông và Thần Lửa. Và người ta tin rằng, hồ nước rộng năm cây số vuông này là hồ không đáy. Ở tận sâu dưới lòng hồ, có một lối thông suốt nối đến tận Biển Hồ- đôi mắt của phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai).

Bao đời nay, người dân bản địa vẫn sử dụng nước hồ để mưu sinh. Cũng nhờ hồ nước này là du khách từ khắp nơi trên thế giới biết đến người M’Nông trên những chiếc thuyền độc mộc, sống yên vui dưới những mái nhà dài cùng những chú voi mạnh khỏe. Không chỉ du khách nội địa mà rất đông du khách nước ngoài đến Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt rất thích cùng đội du lịch xe máy "Easy Rider" vượt đèo đi giữa đại ngàn để đến với Lắk.

Bài liên quan: Nghỉ đêm ở Lắk

Người ta đến và ngủ đêm lại Lắk. Họ trú ngụ ở ngôi biệt điện vốn là nơi dừng chân của vị hoàng đế cuối cùng của nước Việt trong những chuyến đi săn, hay ở những bungalow ven hồ thơ mộng và trong lành của Lắk resort. Nhưng cũng có người thích trú cùng người bản địa dưới mái tranh của ngôi nhà dài đậm chất Tây Nguyên. Làng Jun của Lắk trở thành làng du lịch. Người dân ngày lên nương rẫy trồng trọt, hay đi thuyền trên hồ bắt cá tôm; đêm đến trở thành những nghệ nhân chơi cồng chiêng và múa hát. Họ sống không quá vật chất nhưng rất hạnh phúc. Du khách đến đây, nhất là khách quốc tế, phải ghen tị với cuộc sống của họ và sẵn sàng bỏ tiền để trải nghiệm cuộc sống dân dã mà vô ưu này.

Người làng Jun còn sở hữu đàn voi đa số trong tổng số 65 cá thể voi nhà được thuần dưỡng tại các buôn làng trong tỉnh. Voi như một thành viên trong gia đình người M’Nông bản địa. Ngày trước, voi cùng chủ lên rẫy, lên rừng. Ngày nay, voi cùng làm du lịch với chủ. Tháng ba là tháng mùa xuân của Tây Nguyên khi vụ mùa đã xong, để bắt đầu mùa lễ hội, người làng Jun mang voi ra khu đất trống ven hồ tổ chức đua voi. Trước đó một ngày, họ tổ chức tắm voi và cầu nguyện sức khỏe cho voi. Ngày đó, voi được nghỉ ngơi và ăn uống thỏa thích. Vào cuộc đua, voi gầm rú vang vọng cả núi rừng rồi nện những bước chân mạnh mẽ trên mặt đất để tiến về phía trước. Người ta chọn những con voi khỏe, vượt qua cuộc thi để trao giải. Các nài voi làng Jun không đánh vào đầu voi trong cuộc đua. Thay vào đó, người ta chỉ thúc vào hông để voi chạy nhanh hơn.

Lắk đẹp nhất vào bình minh và hoàng hôn. Khi mặt trời còn khuất trong dãy núi Chư Yang Sin, sương khói trên hồ lơ đãng, người ta đã thấy những chiếc thuyền độc mộc trên hồ tự bao giờ, cùng chủ nhân của nó. Hồ sâu và rộng nên nguồn cá dồi dào và ngon lành. Khi đó, tiết trời như còn chớm đông. Vượt ra khỏi dãy núi là lúc mặt trời đã lên cao, cái lạnh lẽo nhường lại cho nắng ấm và nóng dần như đang mùa hạ vào giữa trưa. Lướt qua hết mặt hồ, mặt trời lại dịu vàng như mật ngọt, Lắk chuyển sang mùa thu ấm áp. Khi voi rời khỏi hồ nước trở về, những tia nắng cuối cùng lịm tắt, làng Jun lên đèn để chống lại tiết trời lạnh lẽo về đêm. Giữa làng, ngọn lửa được đốt lên sưởi ấm. Người dân địa phương, du khách đổ về ngã ba giữa làng bên những ché rượu cần rộn ràng tiếng cồng chiêng. Làng Jun bên hồ Lắk bỗng chốc trở thành không gian của lễ hội. Điệu múa, tiếng chiêng xóa đi biên giới quốc gia, thay cho mọi ngôn ngữ để nối những trái tim đến từ khắp nơi trên thế giới. Người ta uống rượu cần, nhảy múa đến tàn lửa mới chịu ra về.

Lắk không chỉ là một danh thắng và còn chứa đựng nét văn hóa đậm chất hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên, trở thành điểm đến và trở lại của nhiều người. Chỉ đơn giản để được đắm mình trong không gian của bản làng, đi dạo ven hồ ngắm những chiếc thuyền độc mộc hay đàn voi nhởn nhơ; Lắk hay làng Jun trở thành không gian xa xỉ mà người ta phải vượt một quãng đường dài chỉ để đến với đại ngàn mà không tiếc công.

Bài, ảnh: THỤY DU

Chia sẻ bài viết