04/02/2018 - 09:41

Đêm Noel 

Truyện ký MINH THƠ

Hồi ấy, năm 1966, sau bế giảng trường Tây Đô, tôi cùng hai bạn nữa theo giao liên, đi suốt hơn một tuần lễ mới đến rạch Cái Muồng. Tại đây đã có gần 20 bạn trang lứa chúng tôi, tất cả đều mang mặt nạ dự lớp huấn luyện: “Những kỹ năng, kiến thức cần thiết của người công tác thành”.

Sau tuần học, tôi tên “Thằng Bảy”, với lý lịch trích ngang: Mười tuổi, sống với cô Ba từ nhỏ ở Ngã Cạy. Xuồng đưa tôi về Ngã Cạy, gặp mặt lần đầu, cô Ba như quen thân đời nào, nắm tay tôi bước lên nhà.

Kết bạn thân đầu tiên là thằng On, cách nhà cô Ba tôi độ mươi mét, cùng tuổi. Người bạn thân thiết thứ hai là Bạch Tiên, nhà ở cạnh bên. Tôi còn có mấy bạn ở trong ngọn Rạch Ngã Cạy, thằng Công, thằng Thức, hai anh em ruột, ba đi bộ đội Tiểu đoàn Tây Đô, hy sinh trận Ông Đưa năm 1960.

***

Một chiếc xuồng bơi cập dưới bến cô Ba. Người trên xuồng chào hỏi cô Ba, rồi kêu tôi nói nhỏ: Đúng 7 giờ đêm nay, em lên ngọn Ngã Cạy, có người đón, rồi cùng đi với các anh trong đội biệt động, các anh ấy sẽ hướng dẫn.

Đêm ấy, tôi đến một ngôi nhà gần sân bay Trà Nóc, nhận một bao thơ nhỏ, về trao lại cho chú Tư trong ngọn Ngã Cạy. Sáng hôm sau tôi lấy xuồng bơi đi gặp chú Tư hồi hôm, chú bảo: “Đổi lấy cây dầm nầy bơi, nếu gặp giặc bất ngờ, thì gỡ lóng tre nầy quăng bỏ, nhưng hãy nhớ chỗ quăng, để sau đó lượm lại. Rồi từ Vàm Đầu Sấu, qua Cái Răng, vô Rạch Cái Muồng, có người đón kêu lại hỏi con tên gì, thì con trả lời: “Bảy” và cô ấy sẽ nói: “Cô Ba nè”, rồi cô ấy sẽ dẫn con đến gặp một chú thứ Bảy, con mở lóng tre lấy ra bao thơ đưa cho chú Bảy, nếu chú có gửi, nhắn gì, thì nhận đem về”.

Khi đã quen, tôi tự hợp đồng với các anh đi thực địa nhiều nơi trong và ngoài sân bay. Tôi cũng tự bơi xuồng đến trao thơ cho chú Bảy, khỏi cần người đưa đón, dùng mật khẩu nữa.

Một hôm xuồng tôi vừa bơi tới vàm rạch Đầu Sấu, nghe tu huýt thổi, trong bờ xuồng đậu ken, đông nghẹt lính và dân. Tôi liền đâm mũi xuồng vô bờ, gỡ lóng tre quăng vào bụi cỏ, bơi lại chỗ đông, lên bờ. Lính xét tới xuồng tôi, nó dỡ giỏ lên thấy có con cá lóc to, mập, nên nói: “Cho tao con cá lóc bự này về nhậu chơi nghe mầy. Cho mầy đi đó”. Tôi vội vã xuống xuồng bơi đi, miệng nói với lại: “Cảm ơn nghe chú”.

Bữa đó về tới nhà, tôi cùng cô Ba mở lá thơ ra, chỉ mấy chữ: “Đúng như mọi đêm đến điểm hẹn” – “L”. Đó là chiều 30 Tết Mậu Thân 1968.

Khi tôi đến điểm hẹn, bộ đội đã tập kết ở ngọn Ngã Cạy, súng ống lình kình. Tôi được giao nhiệm vụ dẫn bộ đội chủ lực vào các điểm trong và ngoài sân bay Trà Nóc, chờ giờ “G”.

Tôi cố nài nỉ ở lại. Các anh khuyên: “Cưng còn nhỏ, thì làm việc nhỏ, như dắt đường cho các anh tới nơi là đã góp phần đánh Mỹ, giải phóng miền Nam rồi”. Tôi bỗng nhớ về hai năm trước, ngày 14-3-1966, tại Kinh Cái Dứa, ấp Tư, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, trong buổi lễ bế giảng trường Tây Đô, ba tôi, ông Phạm Ngọc Diệp, Trưởng Tiểu ban Giáo dục huyện, phát biểu dặn dò 24 học sinh chúng tôi: “…Các con còn nhỏ thì mình làm việc nhỏ, miễn hoàn thành”.

Về đến nhà một lúc, tôi nghe tiếng nổ ầm đùng, từ thành phố rất nhiều tiếng súng lớn, súng nhỏ rền vang hòa trong tiếng pháo. Tôi nắm tay Bạch Tiên chạy ra sân, trông về hướng sân bay Trà Nóc. Những ánh chớp sáng lòa giữa đêm đen, những tiếng nổ rung chuyển cả đất trời.

Cả Xóm Ngã Cạy đốt đèn lên sáng rực. Trời gần sáng, bỗng có một anh mặc đồ bộ đội, nón tai bèo, mang súng AK, hộc tốc chạy vô sân nhà chú Chín hỏi nhà cô Ba để kiếm thằng Bảy dắt đường cho bộ đội. Tôi theo anh bộ đội, đưa đoàn dân công tiếp đạn, tải lương ra hướng sân bay Trà Nóc. Rồi tiếp các chú, cô, vận chuyển thương vong trở lại tuyến sau.

Những ngày tiếp theo, Xóm Ngã Cạy bận rộn. Từ các mặt trận, nhiều chiến sĩ bị thương được chuyển về đây, giải phẫu sơ rồi chuyển tiếp về hậu tuyến. Từ hậu tuyến, bộ đội, súng ống, đạn dược, lương thực, được chuyển ra các mặt trận.

Bị đánh bất ngờ, lúc đầu giặc không kịp trở tay. Nhưng khi chúng hoàn hồn, thì điên cuồng phản kích. Lúc đầu, chỉ trong nội ô thành phố, càng về sau, những xóm làng ngoại ô từ Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền, An Bình, Mỹ Khánh, Giai Xuân… đều bị bom pháo xác xơ. Xóm Ngã Cạy cũng vậy, nhưng bà con vẫn kiên gan bám trụ.

***

Qua đợt I tổng tấn công, tôi được kết nạp vào Đoàn thanh niên Nhân dân cách mạng Việt Nam. Cuối tháng 3-1968, tôi dự lớp tập huấn “Kỹ thuật trinh sát đặc công”. Xong lớp, tôi chính thức được vào Đội biệt động thành phố Cần Thơ, với cái tên mới: DƯƠNG BẰNG QUANG, ra thành phố, ở trong ngôi nhà lầu của bà Trần Kim Nhan (thường gọi là Ba Quỳ), bà là chủ quán cà phê, đường Nguyễn Trường Tộ. Công việc thường nhật của tôi là chạy bàn, phụ giúp bán cà phê. Tôi gọi bà chủ quán bằng Má.

Hồi đó ở ngoài thành có phong trào làm nắp hầm tránh bom pháo bằng trấu. Ta giấu súng, đạn, mìn… trong các bao trấu đó, cho người hợp pháp của ta chở ra bến hẹn, rồi cho xe lam chuyển đến tận nơi an toàn. Nhà cô Tám Dậu có vách 2 ngăn, là kho chứa vũ khí để chuẩn bị tấn công đợt II. Nhà dì Hai Kiếu có 2 hầm bí mật, nơi nuôi chứa các cô chú mỗi khi về hội họp, có chị Hồ Kim Thu, thường xuyên ở đây làm liên lạc bảo vệ.

Về sau, được sự chỉ đạo, má Ba Quỳ mở sòng bạc trên lầu, lấy xâu. Tôi phụ trách bảo vệ và bán cà phê, ở trước xuyên suốt. Ngày 3-9-1968, trời vừa tờ mờ sáng, thì xe Jeep, xe nhà binh ập tới, đập cửa, lính xông vào, vừa còng tay tôi, vừa hỏi: “Mầy là Dương Bằng Quang, bọn mầy ở đây mấy đứa và còn ở những nơi đâu nữa?”. Tôi không trả lời. Chúng đấm đá túi bụi vào người, tôi bất tỉnh.

Khi tỉnh dậy tôi thấy bảng đề: “Phòng điều tra” và chúng tra khảo. Tôi không thừa nhận, mặc dù chúng đem tất cả vũ khí, tài liệu tra xét được ra. Tới lúc chúng dẫn má Ba Quỳ vô, tôi giật mình, rồi lúc sau chúng dẫn dì Hai Kiếu, cô Tám Dậu và chị Hồ Kim Thu… Một tên mặt đầy sát khí quay mặt tôi về hướng má Ba Quỳ, miệng hỏi: “Mầy suy nghĩ trả lời với tao lần chót, có phải những thứ nầy là của mầy?”.

Tôi nhìn má, má nhìn sang chỗ khác ý bảo đừng nhận. Tôi thoáng suy nghĩ: “Nếu mình không nhận, thì chúng buộc má phải nhận”. Tôi thương má vô hạn, má lại đang mang bầu… Tôi quyết định nhận một mình. Thế là mọi đòn roi dồn hết cho tôi, miễn sao các má, dì, chị được thả. Họ đã cưu mang đùm bọc, ủng hộ, giúp đỡ cách mạng chẳng kể gì đến tài sản và tánh mạng. Sau chúng thả những người ấy ra (sau nầy tôi được biết nhờ lo tiền). Còn tôi xuống Khám lớn Cần Thơ.

Tuy trong lao tù, tôi vẫn thường xuyên nhận được quà của bà con Xóm Ngã Cạy, đặc biệt là đồ ăn của Bạch Tiên. Thỉnh thoảng trong đó có nhưn nhỏ xíu, với những dòng chữ nhỏ xíu rất quen thuộc: “…Xóm Ngã Cạy mình bị bom pháo dội tan nát, tiêu điều, bà con có số mất, số đã tản cư. Đội biệt động của anh nhiều người hy sinh, bị thương, bị bắt. Nhưng không sao, ở trên đã bổ sung thêm nhiều lắm, thằng On, Công, Thức cũng đã đi bộ đội rồi...”. “Em và cô Ba vẫn còn ở đây, chờ anh trở về”.

***

Vì chưa đến tuổi thành nhân, không thể kết án được, nên sau hơn hai năm bị giam ở Khám lớn Cần Thơ, địch giải tôi lên Thủ Đức.

Năm tháng ở Cần Thơ, tôi được các chú, các anh trau dồi chính trị, văn hóa, đạo đức, lập trường cách mạng… Anh Trần Văn Khi (Bảy Khi, quê Bến Tre), dạy tôi môn toán học, ca, đàn mandolin và guitar. Khi lên Thủ Đức, tôi được chọn là thành viên trong ca đoàn của nhà thờ. Chúng tôi biết địch lợi dụng đây làm trại giam trá hình, đến lúc tù nhân đúng tuổi chúng sẽ kết án ngay.

Trong nhóm, tôi bí mật kết thân được với 2 người, có cùng thời điểm sa cơ năm 1968. Đó là anh Trần Văn Nhờ, lớn hơn tôi 1 tuổi, quê ở Trà Vinh; bạn Nguyễn Phi Hùng, cùng lứa, quê Bến Tre. Chúng tôi lên kế hoạch bỏ trốn lúc được chọn vô nhóm phục vụ đêm Noel. Đúng 00 giờ đêm 25-12-1971, chúng tôi mang 2 cây đàn guitar, mandolin, vượt tường nhà thờ, thẳng ra quốc lộ hướng về miền Tây đón xe tải. Chúng tôi gặp chiếc xe dễ dàng, ngã giá, được đưa về bến xe mới Cần Thơ.

Nguyễn Phi Hùng về Bến Tre, anh Trần Văn Nhờ ôm đàn guitar xuống ở Trà Vinh. Tôi cứ đắn đo có nên về Ngã Cạy? Khi xe đến phà, đã 9-10 giờ sáng, ngồi trên xe, tôi bỗng thấy tên Quyền phản bội, khai hầm súng nhà cô Tám Dậu, tôi hoảng hồn ngồi thụp xuống. Xe vừa tới bến, tôi gấp rút sang bến xe Long Mỹ, đi thẳng về quê.

***

Nghỉ hưu, tôi trở lại Xóm Ngã Cạy lần thứ hai đúng sau 40 năm (1975-2015). Được biết, dượng Ba ở tù Côn Đảo trở về sum họp với cô Ba tôi, nếu năm nay còn khỏe cũng ngoài tuổi bát tuần. Cô, Dượng về quê ở Đồng Tháp.

Còn Bạch Tiên, những năm tôi ở trong tù, cô thay trọng trách tôi bỏ dở, vài năm sau cũng không may bị sa cơ, đày ra trại giam tù binh Phú Quốc. Trong lao, cô phải lòng một bạn tù, thi hành hiệp định Paris 1973, hai người được trao trả tù binh tại sân bay Lộc Ninh. Những ngày điều dưỡng ở Tây Ninh, anh chị có một đám tuyên bố đơn sơ. Rồi hai người đi tìm đơn vị cũ của anh tiếp tục chiến đấu. Giờ anh chị sống ở thành phố Hồ Chí Minh.

***

Nhân vật “tôi”, “thằng Bảy”, “Dương Bằng Quang”, có tên thật là Phạm Ngọc Hùng. Thoát khỏi lao tù sau 40 tháng, năm 1972 anh tiếp tục tham gia cách mạng. Được vào Đảng năm 1973, Phó bí thư Huyện ủy, rồi  Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Long Mỹ, hiệu trưởng trường chính trị tỉnh Hậu Giang. Nghỉ hưu năm 2012.

Đông 2017

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Đêm NoelMinh Thơ