08/08/2010 - 22:06

TP Cần Thơ

Để thương mại là động lực cho vùng nông thôn phát triển

Bài 3: Chuyển đổi mô hình quản lý chợ truyền thống, xây dựng chợ đầu mối: Ì ạch và bế tắc

Theo nhận định của Sở Công Thương TP Cần Thơ, các chợ trên địa bàn thành phố nói chung và nông thôn nói riêng, quy mô nhỏ, lẻ chủ yếu buôn bán hàng tiêu dùng thiết yếu; chưa thúc đẩy hiệu quả từ các sản phẩm chuyên biệt của người dân, nhất là người dân nông thôn. Thêm vào đó, phát sinh quá nhiều bất cập khiến mô hình quản lý chợ truyền thống nói chung và ở vùng nông thôn nói riêng đòi hỏi phải được chuyển đổi mô hình quản lý phù hợp với tình hình thực tiễn. Giải quyết các vấn đề vừa nêu, UBND TP Cần Thơ cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, kế hoạch. Song, việc thực hiện, theo đánh giá của các ngành hữu quan là quá ì ạch, thậm chí nhiều chủ trương còn bế tắc trong việc triển khai, ảnh hưởng đến phát triển thương mại của TP Cần Thơ.

Yêu cầu chuyển đổi mô hình quản lý

Do thiếu sự quan tâm đầu tư, nhiều chợ nông thôn trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ là những lô sạp lèo tèo, che chắn tạm bợ... Trong ảnh: Một kiểu chợ tự phát trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: THANH LONG 

Theo nhận định của Sở Công Thương TP Cần Thơ, hoạt động chợ là loại hình văn hóa thương mại truyền thống đặc thù, cùng tồn tại và phát triển lâu dài với các loại hình thương mại hiện đại. Chính vì thế, nhiều bất cập phát sinh đòi hỏi cần phải chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp với yêu cầu phát triển trong thời hội nhập, cạnh tranh gay gắt, quyết liệt của nền kinh tế thị trường.

Một trong những bất cập nêu trên, ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho rằng: Bộ máy tổ chức quản lý chợ (ban quản lý, tổ quản lý) bố trí chấp vá, thiếu tính chuyên nghiệp, phần lớn các chợ xã, cụm xã... chủ yếu chỉ quan tâm đến nguồn thu, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch nộp ngân sách nhưng thiếu đi sự quan tâm tái đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp. Vì thế, nhiều chợ mua bán lụp xụp, cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng, vệ sinh không đảm bảo, ảnh hưởng đến mỹ quan văn minh đô thị. Ngoài ra, hiện nay, nhiều chợ dân lập trên địa bàn thành phố được hình thành. Tuy nhiên, do chưa được UBND cấp quận, huyện quan tâm chỉ đạo đúng mức, những chợ này không có xây dựng kết cấu hạ tầng, phần lớn là che chắn, ô dù tạm bợ, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Nhưng vì nhu cầu bức thiết, nhiều hộ dân tự phát nhóm chợ và tồn tại trên đất của dân, nhằm đáp ứng yêu cầu dân sinh. Một số chợ nông thôn thuộc diện di dời, giải tỏa theo quy hoạch đã được phê duyệt chưa thực hiện di dời nên việc họp chợ, lấn chiếm lòng, lề đường thường xuyên xảy ra ở một số nơi...

Ngoài ra, do quá trình hình thành và phát triển với thời gian khá lâu, nhiều chợ truyền thống, nhất là vùng nông thôn hiện đang quá tải và xuống cấp. Theo tổng hợp của Sở Công Thương TP Cần Thơ, hiện nay, số chợ cần ưu tiên quan tâm giải quyết trên địa bàn thành phố cụ thể như sau: trên 15 chợ cần đầu tư xây dựng mới; trên 25 chợ cần cải tạo, nâng cấp; trên 15 chợ cần giải tỏa, di dời. Các chợ vừa nêu là những chợ dân cư, chủ yếu là chợ nông thôn, không có nguồn thu ổn định, rất cần được ngân sách hỗ trợ đầu tư, hoặc kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư xây dựng nhằm giải quyết tình trạng quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng...

Chủ trương “thông”, thực hiện “tắc”

Ngày 14-1-2003, Chính phủ ban hành Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ. Ngày 31-5-2004, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 559/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình phát triển chợ đến năm 2010. Trên cơ sở các văn bản pháp luật vừa nêu, TP Cần Thơ đã ban hành nhiều quyết định để tiến hành thực hiện. Theo đó, trọng tâm là Quyết định số 74/2005/QĐ-UBND ngày 6-12-2005 của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ về phê duyệt Phương án chuyển đổi tổ chức quản lý từ Ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ loại III sang hình thức doanh nghiệp quản lý chợ. Một trong những mục tiêu của phương án nhằm đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển và khai thác có hiệu quả mạng lưới chợ. Theo kế hoạch, năm 2006, mỗi quận huyện chọn từ 1 đến 2 chợ loại 3 phù hợp với quy hoạch chỉ đạo chuyển đổi thí điểm, rút kinh nghiệm, sau đó triển khai mở rộng các chợ loại 2 còn lại hoàn thành trong năm 2006. Năm 2007- 2008, bổ sung hoàn chỉnh phương án tiếp tục chuyển đổi tổ chức và quản lý chợ loại 1 và loại 2.

Tuy nhiên, qua hơn 4 năm thực hiện, trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ có 6 chợ doanh nghiệp quản lý, 1 do hợp tác xã quản lý và 17 chợ dân lập do tư nhân quản lý. Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, kết quả này còn quá thấp so với yêu cầu đặt ra. Bởi hiện nay, trên địa bàn thành phố còn trên 50 chợ truyền thống vẫn theo hình thức ban quản lý, tổ quản lý chợ quản lý; khoảng 25 chợ theo hình thức khoán thu do xã, phường quản lý. Đâu là nguyên nhân của tình trạng ách tắc này? Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Vướng mắc chủ yếu là về nhận thức của một số UBND cấp xã, thậm chí cả cấp huyện. Những nơi này cho rằng, nếu giao doanh nghiệp quản lý, khai thác kinh doanh chợ thì nguồn thu phí cho ngân sách hằng năm sẽ giảm. Ngoài ra, tài sản của chợ định giá như thế nào, đất chợ bị chiếm xử lý ra sao... chưa được các sở, ngành chức năng hướng dẫn, giải quyết thấu đáo nên việc giải quyết gặp nhiều khó khăn, trì trệ, kéo dài. Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế đấu thầu về đầu tư, khai thác kinh doanh chợ, thủ tục quá nhiêu kê, nhiều chợ chưa triển khai được công tác đấu thầu nên ảnh hưởng đến việc chuyển đổi mô hình quản lý.

2/3 chợ đầu mối phá sản?

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, định hướng quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2010 trên địa bàn thành phố sẽ đầu tư xây dựng 3 chợ đầu mối. Đó là chợ chuyên doanh lúa gạo cấp khu vực, chợ kinh doanh nông sản và chợ đầu mối kinh doanh thủy sản. Dù được khẳng định có vai trò rất lớn trong việc tiêu thụ hàng hóa nông, thủy sản của người dân TP Cần Thơ và cả ĐBSCL, đặc biệt là vùng nông thôn nhưng các chợ đầu mối vừa nêu gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Đến nay, 2/3 chợ này đã và đang có nguy cơ phá sản.

Đối với chợ đầu mối chuyên doanh lúa gạo cấp khu vực, được đầu tư xây dựng từ năm 2004, tại xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt (nay là phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt). Theo kế hoạch đến năm 2010, Dự án chợ đầu mối chuyên doanh lúa gạo cấp vùng tại Thốt Nốt, quy mô 23ha, tổng vốn đầu tư trên 85,8 tỉ đồng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng... Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nên đã ngừng thi công từ đầu năm 2007. Năm 2009, UBND TP Cần Thơ chấp thuận chủ trương giao cho Tổng công ty Lương thực Miền Nam (LTMN) tiếp nhận đầu tư dự án trên. Tháng 11-2009, TP Cần Thơ thống nhất Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 Chợ Chuyên doanh lúa gạo cấp khu vực (ở phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt) có diện tích 22,27ha.

Chợ loại 1: chợ có trên 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại theo quy hoạch;  có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ và tổ chức đầy đủ các dịch vụ tại chợ: trông giữ xe, bốc xếp hàng hóa, kho bảo quản hàng hóa, dịch vụ đo lường, dịch vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm và các dịch vụ khác.

Chợ loại 2: chợ có trên 200 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố theo quy hoạch; được đặt ở trung tâm giao lưu kinh tế của khu vực và được tổ chức họp thường xuyên; có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động chợ và tổ chức các dịch vụ tối thiểu như: trông giữ xe, bốc xếp hàng hóa, kho bảo quản hàng hóa, dịch vụ đo lường.

Chợ loại 3: Các chợ có dưới 200 điểm kinh doanh hoặc các chợ chưa được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố. Chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa của nhân dân trong xã, phường và địa bàn phụ cận.

Theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ

Chợ đầu mối kinh doanh nông sản, địa điểm tại phường Lê Bình, quận Cái Răng, được UBND TP Cần Thơ phê duyệt tỷ lệ chi tiết 1/500 tại Quyết định số 942/QĐ-UB ngày 18-3-2005. Sở Công Thương phối hợp cùng các ngành hữu quan tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư: thuê đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư; đo đạc, lập bản đồ hồ sơ kỹ thuật... Tuy nhiên, do không thu hút được doanh nghiệp đầu tư, ngày 21-6-2007, UBND TP Cần Thơ có Quyết định số 1494/QĐ-UBND về việc hủy Quyết định số 942/QĐ- UB ngày 18-3-2005. Riêng Chợ đầu mối kinh doanh thủy sản, địa điểm tại phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều tổng mức đầu tư khoảng 7 tỉ đồng do Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (C.T.C) làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện từ năm 2004. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, dự án này bị đình trệ từ nhiều năm nay.

Về việc triển khai chợ đầu mối chuyên doanh lúa gạo cấp khu vực, theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, hiện nay, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam chủ đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện theo dự án đã được phê duyệt. Còn đối với Chợ đầu mối kinh doanh thủy sản, ông La Minh Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc C.T.C, cho biết: Thực hiện dự án này, C.T.C đã san lấp một phần mặt bằng, xây dựng bờ kè... nhưng do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng hơn 6 năm nay vẫn chưa giải quyết được nên dự án có thể ngưng triển khai trong thời gian tới. Tuy nhiên, TP Cần Thơ có nhiều lợi thế trong việc tiêu thụ và chế biến xuất khẩu hàng thủy sản. Nhu cầu có một chợ thủy sản cấp khu vực đã và đang đặt ra hết sức cấp thiết, nhất là trong bối cảnh thành phố đang phấn đấu trở thành thành phố động lực của vùng ĐBSCL. Chính vì thế, C.T.C đang có kế hoạch đầu tư Chợ đầu mối kinh doanh thủy sản ở một vị trí thuận lợi hơn, đáp ứng cho nhu cầu phát triển.

NHÓM PV THỊ TRƯỜNG
(Còn tiếp)

Bài cuối: ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI NÔNG THÔN: NHƯ THẾ NÀO?

Chia sẻ bài viết