09/12/2020 - 09:00

Để thúc đẩy phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ 

Thời gian qua, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cùng các viện, trường và địa phương triển khai Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ (Chương trình KH&CN). Chương trình triển khai nhiều nhiệm vụ và hoạt động nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ KH&CN cho các địa phương vùng Tây Nam Bộ nhằm thúc đẩy toàn vùng phát triển nhanh, bền vững.

Các đại biểu tìm hiểu thông tin về các sản phẩm từ Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững được trưng bày, giới thiệu tại tỉnh

Các đại biểu tìm hiểu thông tin về các sản phẩm từ Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững được trưng bày, giới thiệu tại tỉnh 

Nghiên cứu, chuyển giao KH&CN

Chương trình KH&CN giai đoạn 2014-2019 là chương trình cấp quốc gia được Bộ KH&CN phê duyệt tại Quyết định số 734/QÐ-BKHCN ngày 18-4-2014 và chương trình được kéo dài đến cuối năm 2020 theo Quyết định 3313/QÐ-KHCN của Bộ KH&CN. Mục tiêu nhằm cung cấp các luận cứ khoa học cho việc quy hoạch và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ðề xuất giải pháp KH&CN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên vùng trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ. Ðồng thời, triển khai có hiệu quả các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nam Bộ đã được xác định trong chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 418/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chương trình đã nghiên cứu, đánh giá thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội vùng trong 30 năm đổi mới và phát triển. Nghiên cứu đề xuất quan điểm, mô hình, định hướng và hệ giải pháp phát triển bền vững cho vùng. Dự báo bối cảnh mới trong nước, quốc tế và tác động đến phát triển bền vững vùng giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050. Nghiên cứu đánh giá toàn diện thực trạng cơ cấu kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh, chuyển đổi sinh kế của người dân các địa phương trong vùng và mức độ ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế vùng theo hướng bền vững. Xây dựng bộ tiêu chí phát triển bền vững vùng, đề xuất khung và phác thảo mô hình phát triển bền vững vùng giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Ðề xuất cơ chế, thể chế hợp tác, hệ thống chính sách tăng cường liên kết nội vùng và liên kết vùng trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương và toàn vùng…

Về triển khai các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ, chương trình thực hiện chuyển giao phục vụ các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như sản xuất lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến các sản phẩm nông sản; giải quyết đồng bộ các vấn đề liên quan đến sản xuất, vận chuyển, chế biến, tiếp thị quảng cáo, xây dựng thương hiệu, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp… cho vùng; triển khai ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học, ứng dụng hiệu quả các công nghệ tiên tiến và phù hợp nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và phát triển các dạng năng lượng tái tạo... Ngoài sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành, nhiều doanh nghiệp tiêu biểu trong cả nước cũng được mời tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nhằm tập trung giải quyết các vấn đề căn bản liên quan đến phát triển bền vững của vùng.

Hiệu quả tích cực

PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Thường trực Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho biết, Chương trình này đã và đang triển khai 62 nhiệm vụ, trong đó gồm 21 nhiệm vụ thuộc mảng khoa học xã hội, nhân văn và phát triển bền vững; 41 nhiệm vụ thuộc mảng khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và môi trường. Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện gắn kết chặt chẽ với sản xuất và đời sống, giải quyết những vấn đề bức thiết phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nam Bộ, đồng thời cũng gắn sát với các vấn đề cấp thiết được đề cập trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH). Theo đó, mảng khoa học xã hội và nhân văn, phát triển bền vững đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc đề ra các chủ trương, định hướng, chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng. Các nhiệm vụ trong mảng khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và môi trường đã gắn liền với thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, giá trị các sản phẩm chủ lực lúa, cây ăn trái và thủy sản. Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng, giải quyết những vấn đề cấp bách và lâu dài như: BÐKH, hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông và bờ biển, liên kết vùng để phát triển bền vững.

Ðến nay, Chương trình đã nghiệm thu 21 nhiệm vụ và đang tiếp tục triển khai 41 nhiệm vụ (có 25 nhiệm vụ chuẩn bị nghiệm thu). Qua đó, đã thực hiện hơn 150 hồ sơ và báo cáo, hơn 90 quy trình công nghệ các loại, công bố 125 bài báo trên tạp chí trong nước và quốc tế; đăng ký 25 tài sản trí tuệ, 16 giải pháp hữu ích và chuyển giao cho các đơn vị, doanh nghiệp; triển khai hơn 100 mô hình trong thực tế và hơn 100 sản phẩm các loại, mang lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng ÐBSCL…

Ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó Giám đốc kinh doanh, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới ở tỉnh Bến Tre, cho biết: "Trước đây, công ty là một doanh nghiệp nhỏ, doanh thu vào thời điểm năm 2011 chỉ khoảng 320 tỉ đồng/năm, đến năm 2020 dù bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19 nhưng khả năng đạt doanh thu gần 1.400 tỉ đồng. Ðạt được thành công này, không chỉ nhờ sự quyết tâm nỗ lực vươn lên của công ty mà còn có sự hỗ trợ từ các chương trình của Bộ KH&CN để đầu tư, thực hiện các dự án nghiên cứu, ứng dụng các thiết bị và công nghệ mới nhằm phát triển các sản phẩm chế biến từ trái dừa giúp mang lại giá trị gia tăng cao và mở rộng thị trường xuất khẩu".

Theo ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, cùng với các chương trình KH&CN của tỉnh, thời gian qua Bến Tre đã được chương trình này hỗ trợ thực hiện nhiều dự án và nhiệm vụ KH&CN, từ đó góp phần tích cực trong sự phát triển của địa phương. Ðặc biệt, chương trình giúp địa phương nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp và tăng khả năng ứng phó, phòng ngừa ảnh hưởng xấu của BÐKH. Bến Tre là một trong những tỉnh ở vùng Tây Nam Bộ và nằm giáp biển nên chịu tác động lớn của BÐKH và xâm nhập mặn.

Vừa qua, tại tỉnh Bến Tre, Ban Chủ nhiệm Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững đã tổ chức hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện thời gian qua và đề ra những giải pháp nhằm hoàn thành tốt chương trình, nhất là đẩy mạnh việc chuyển giao, đưa các kết quả nghiên cứu KH&CN ứng dụng vào thực tế. Đồng thời, thảo luận, đề xuất về nội dung Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2021-2025 để báo cáo, trình Bộ KH&CN và Chính phủ xem xét.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết