Trong hai ngày 1 và 2-12, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11-2008.
Tại phiên họp, Chính phủ dành phần lớn thời gian tập trung thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội tháng 11 và 11 tháng của năm 2008; các giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm cho nền kinh tế, ngăn chặn sự trì trệ của sản xuất kinh doanh, bảo đảm duy trì tăng trưởng kinh tế.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tuy giá trị sản xuất công nghiệp tháng 11 ước đạt 55,3 nghìn tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2007; nhưng đây là tháng thứ 5 liên tiếp (kể từ tháng 7-2008), tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bị giảm sút. So với sản xuất công nghiệp, ngành xây dựng còn gặp nhiều khó khăn hơn. Trong tháng 11, lượng khách quốc tế ước đạt 310 nghìn lượt người, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là công suất sử dụng phòng khách sạn cao cấp giảm còn 50 đến 60%. Kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm trong những tháng gần đây; riêng tháng 11, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,8 tỉ USD, giảm 4,8% so với tháng 10-2008. Kim ngạch nhập khẩu tháng 11 ước đạt 5,3 tỉ USD, giảm 7,1% so với tháng 10-2008. Tính đến hết tháng 11-2008, nhập siêu khoảng 16,9 tỉ USD, bằng 28,8% giá trị kim ngạch xuất khẩu...
Trước tình hình đó, Chính phủ xác định nhiệm vụ cấp bách là phải tập trung mọi nỗ lực để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, khắc phục sự đình trệ và đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, kích cầu đầu tư và tiêu dùng nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế. Kết luận về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tổng kết 5 nhóm giải pháp cấp bách trong thời gian tới Chính phủ tập trung chỉ đạo, đó là: Thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu; Kích cầu đầu tư và tiêu dùng; Thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; Bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo; Công tác tổ chức thực hiện. Theo đó, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, nhất là các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có cơ hội phát triển thị trường. Điều chỉnh cơ cấu sản xuất và xuất, nhập khẩu các sản phẩm chủ yếu. Hỗ trợ việc tiêu thụ một số sản phẩm công nghiệp như: phôi thép, thép xây dựng, xi măng, phân bón, giấy, hóa chất,... theo nguyên tắc cơ cấu lại nợ vay, miễn, giảm lãi suất các khoản vay có lãi suất cao. Hỗ trợ xây dựng hệ thống các Trung tâm tiếp thị nông dân ở các tỉnh có sản xuất lúa hàng hóa lớn với hệ thống kho silô chứa thóc khoảng 1 triệu tấn, kèm theo cơ sở cung ứng dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Nhà nước sẽ sớm xem xét giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; quy định mức thuế xuất khẩu hợp lý đối với một số loại tài nguyên, khoáng sản; điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm nguyên liệu đầu vào của sản xuất trong nước... Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các biện pháp cụ thể để tạo điều kiện tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; thực hiện cơ cấu lại thời hạn nợ và áp dụng các giải pháp khoanh nợ, giãn nợ vay vốn ngân hàng đối với nông dân bị thiệt hại do thiên tai và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Điều chỉnh linh hoạt tỷ giá ngoại tệ theo hướng khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, bảo đảm cán cân thanh toán quốc tế không bị thâm hụt.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ cho người dân các địa phương bị thiệt hại do lũ lụt ở các tỉnh miền Trung. Theo phân công của Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, xây dựng để đưa vào áp dụng ngay từ đầu năm 2009 các chính sách hỗ trợ đầu tư cho 61 huyện nghèo nhất. Thực hiện các biện pháp thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà cho người nghèo, các đối tượng chính sách, nhà ở cho người lao động ở khu công nghiệp tập trung, nhà ở cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ thu nhập cho các đối tượng chính sách, người bị thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra...
Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, duy trì tăng trưởng kinh tế.
Chuẩn bị cho Tết Kỷ Sửu đang đến gần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động chuẩn bị đầy đủ, kịp thời các loại hàng hóa thiết yếu, dứt khoát không để tình trạng thiếu hàng Tết. Đồng thời phải làm tốt công tác chăm lo Tết cho những người có công với cách mạng, các hộ nghèo, các đối tượng chính sách; ngăn chặn buôn lậu, nhất là buôn bán trái phép pháo nổ; bảo đảm an ninh trật tự, hạn chế tới mức thấp nhất tai nạn giao thông,...
Cũng tại phiên họp thường kỳ tháng 11, Chính phủ nghe và cho ý kiến về Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình bày; Tờ trình về phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng, chống tham nhũng do Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày và một số vấn đề quan trọng khác.
QUANG LIÊN (TTXVN)