18/06/2009 - 08:30

Để phát huy hiệu quả chương trình vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên

Qua 2 năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV), đã giúp cho các HSSV khó khăn thực hiện được, ước mơ của mình, an tâm phấn đấu học tập tốt. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều băn khoăn, vướng mắc được các đại biểu nêu ra trong Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 157, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trực tuyến tại 4 điểm cầu truyền hình: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ vào ngày 16-6-2009.

Trợ lực HSSV

Ông Lý Hớs, người dân ấp An Khương, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng- một trong số hộ nghèo được vay vốn của chương trình, nói: “Trước đây, gia đình tôi cứ lo âu con cái học hành dở dang vì không đủ tiền để học. Nhưng nhờ vào vốn vay của chương trình tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn, nên các con tôi không phải nghỉ học giữa chừng...”. Gia đình ông Lý Hớs thuộc gia đình nghèo, có 4 nhân khẩu nhưng chỉ có một lao động chính, chủ yếu sinh sống bằng làm thuê. Trong khi đó phải nuôi 2 người con ăn học. May nhờ nguồn vốn vay 16 triệu đồng của chương trình, đã giúp 2 người con của ông Lý Hớs vượt qua khó khăn để tiếp tục đến trường. Với những HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện học tập thiếu thốn, chương trình cho vay tín dụng dành cho HSSV là một giải pháp “tiếp sức” vô cùng hiệu quả. Bởi lẽ, nguồn vốn vay có được đã giúp nhiều gia đình khó khăn có điều kiện lo cho con cái đến trường, đến lớp.

Cán bộ NHCSXH Chi nhánh Cần Thơ (bên phải) đang làm thủ tục phát vay cho sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. 

Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Việt Nam, sau hai năm triển khai thực hiện Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, cả nước đã có hơn 1,2 triệu hộ, với trên 1,3 triệu HSSV được vay trên 13.600 tỉ đồng để phục vụ học tập. Trong đó, số HSSV của khu vực ĐBSCL được vay chiếm 19,5% tổng số tiền cho HSSV vay trên cả nước. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, khẳng định: “Số tiền cho vay đối với HSSV đã tăng 47 lần, số HSSV thụ hưởng tăng 14 lần. Chương trình đã giúp cho hàng triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập và chưa xảy ra trường hợp HSSV bỏ học vì khó khăn về tài chính”.

Rõ ràng, việc triển khai thực hiện Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV đã thực sự tạo lòng tin cho người dân, giúp hàng triệu HSSV nghèo trên cả nước có điều kiện tiếp tục đến trường. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ...

Nhiều đại biểu cho rằng, công tác phối hợp giữa các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cơ sở đào tạo và NHCSXH ở địa phương vẫn chưa chặt chẽ, chậm trễ nắm số lượng HSSV được vay và phát vay cho HSSV. Theo thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, một số trường thống kê được số lượng HSSV xác nhận nhưng chưa thống kê được chính xác số HSSV được vay vốn. NHCSXH ở một số địa phương thông báo thời gian giải ngân quá ngắn, không cụ thể, gây khó trong việc phát vay cho HSSV.

Ông Nguyễn Thanh Tường, đại diện Trường Đại học Cần Thơ, bày tỏ: “Thời gian giải ngân ở các NHCSXH địa phương khác nhau đã ảnh hưởng đến việc đóng học phí của SV. Trường cũng không có thông tin về số liệu SV vay vốn thực tế...”. Theo thống kê của Trường Đại học Cần Thơ, từ tháng 4-2007 đến tháng 4-2009, trường đã xác nhận cho trên 31.000 SV được vay vốn tín dụng. Trong khi đó, số SV đã được vay (do SV tự khai), trường thống kê chỉ có trên 6.000 SV.

Bên cạnh đó, số HSSV đi học nghề có thời hạn đào tạo dưới 1 năm và trên 1 năm đến nay còn thấp. Số gia đình vay vốn cho con đi học trung cấp, nghề, đặc biệt là nghề ngắn hạn chưa nhiều. Ông Nguyễn Trọng Kim, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên, nói rằng: “Nhiều HSSV có hoàn cảnh khó khăn học nghề dưới 1 năm chưa mạnh dạn vay vốn, bởi họ lo là khi ra trường không xin được việc làm, sẽ không có tiền hoàn trả lại”. Một bất cập nảy sinh là số hộ không thuộc diện thụ hưởng chương trình vẫn được vay vốn, gây ra thiếu công bằng. Qua kiểm tra của NHCSXH Việt Nam đã phát hiện 913 hộ gia đình không thuộc đối tượng trên đã vay 5,4 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Tường, đại diện Trường Đại học Cần Thơ, đề nghị: “Cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa NHCSXH địa phương và nhà trường về việc triển khai chương trình, để nắm bắt được số lượng SV được vay vốn”. Ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, có ý kiến: “Hằng năm, UBND địa phương nên công bố rõ ràng danh sách hộ nghèo, cận nghèo,... cho các ngành liên quan để rà soát phát vay đúng đối tượng được thụ hưởng”.

Có những ý kiến đưa ra những vấn đề như: mở rộng đối tượng cho vay, phối hợp giữa các ngành liên quan trong tổ chức nguồn vốn vay, tăng mức vay vốn theo trượt giá thị trường, có chính sách chế tài ràng buộc SV vay tín dụng sau khi ra trường phải trả nợ đúng hạn... được thảo luận sôi nổi trong Hội nghị.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Nguyễn Thiện Nhân, khẳng định: Tuy trong quá trình thực hiện Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV còn nhiều vướng mắc, khó khăn nhưng nó có ý nghĩa quan trọng, vừa giúp HSSV nghèo vượt qua khó khăn học tốt, vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Để thực hiện hiệu quả Quyết định 157, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan cũng như cơ sở đào tạo, chính quyền địa phương. Sắp tới, Bộ GD&ĐT cũng sẽ hoàn thiện hơn nữa việc triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin về tín dụng HSSV đến các cơ sở đào tạo, NHCSXH để phối hợp quản lý, thường xuyên trao đổi thông tin. Bộ sẽ tham mưu để có thể nâng mức cho vay theo tình hình kinh tế thị trường;... Nếu như việc khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực hiện Quyết định 157 của Chính phủ nhanh chóng sẽ phát huy hiệu quả chủ trương đúng đắn này hơn nữa.

Bài, ảnh: B. KIÊN

Phó Thủ tướng NGUYỄN THIỆN NHÂN đề nghị trong thời gian tới, ba cơ quan là: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội ban hành Nghị quyết liên tịch hướng dẫn cho vay năm học mới. Qua hội nghị này, 3 cơ quan cần làm rõ những kết quả làm tốt và nêu lên những vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới. Nghị quyết liên tịch này phải có trước ngày 10-7.

Để học sinh, sinh viên học nghề được vay vốn nhiều hơn, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh có thông báo cụ thể cho tất cả trường, các trung tâm dạy nghề trên địa bàn về chính sách này. Phó Thủ tướng cho biết tháng 12-2009, sau khi cho vay xong toàn bộ học kỳ 1 sẽ có kiểm tra tại 9 tỉnh, thành phố trong cả nước; đồng thời đề nghị các địa phương có khen thưởng các xã, các tổ tín dụng đã có những đóng góp tích cực thực hiện chương trình này.

Sắp tới Chính phủ sẽ phê duyệt Chương trình đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn, vì vậy đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính … rà soát lại và đồng bộ hóa chính sách tài chính này với chương trình cho vay tín dụng học sinh sinh viên, tránh cho vay trùng lắp. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát để xây dựng đề án chuẩn bị và triển khai thực hiện thu hồi vốn xong trước 15-8.
Về việc cấp vốn cho chương trình, Phó Thủ tướng cho biết Bộ Tài chính đã chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội 4.000 tỉ đồng để triển khai ngay từ 15-8.

QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết