15/03/2009 - 09:17

Đồng bằng sông Cửu Long

Để nông dân trồng lúa thật sự có lợi nhuận

Niềm vui trúng mùa được giá của nông dân Lưu Hiếu Kỳ ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn. Ảnh: Đ.C.T

Vụ đông xuân 2008 -2009 đang vào mùa thu hoạch, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phấn khởi vì lúa trúng mùa nhưng vẫn thấp thỏm lo sợ bị rớt giá, bán không được. Bởi năm ngoái, cũng trúng mùa nhưng lúa rớt giá thê thảm, bán không ai mua, khiến hàng ngàn hộ nông dân lâm vào cảnh khó khăn… Nỗi lo này càng thôi thúc phải nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc để sản phẩm lúa gạo ĐBSCL phát triển bền vững.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ đông xuân 2008-2009, ĐBSCL xuống giống 1,54 triệu ha lúa. Hiện, một số tỉnh gieo sạ sớm đã thu hoạch, năng suất lúa khá cao, ước tổng sản lượng cả vùng từ 9,5 - 9,8 triệu tấn lúa. Theo tính toán của Cục Trồng trọt, trừ lượng lúa để ăn và làm giống trên 3 triệu tấn, phần còn lại hơn 6,5 triệu tấn lúa hàng hóa để bán. Giá lúa đầu vụ được thương lái mua từ 4.400 - 4.500 đồng/kg, so với giá thành sản xuất 2.400 đồng/kg lúa, nông dân đã có lãi trên 40%. Như vậy, sản lượng lúa hàng hóa vụ đông xuân khu vực ĐBSCL khá lớn, nếu tiêu thụ không hết trong quí II-2009, vụ hè thu và thu đông tiếp tục thu hoạch, sản lượng lúa hàng hóa tồn đọng nhiều và giá cả có thể sẽ sụt giảm như năm trước gây bất lợi cho sản xuất. Lo ngại về giá cả và tình hình tiêu thụ lúa của nông dân càng có cơ sở. Bởi vụ đông xuân năm 2007-2008, giá lúa đang ở mức khá cao, có lợi cho nông dân, trong khi thế giới lại thiếu lương thực và gạo Việt Nam xuất khẩu được giá cao, thế nhưng, cơn sốt ảo giá gạo cục bộ ở thị trường nội địa cuối tháng 4-2008 làm cho xuất khẩu chựng lại, khiến giá lúa rớt thê thảm và khó tiêu thụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ lúa và giúp nông dân tái sản xuất nhưng tình hình vẫn khó khăn.

Theo Cục Trồng trọt, năm 2009 sản lượng lúa sẽ từ bằng đến cao hơn năm 2008. Tuy nhiên, việc thực hiện hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa giữa nông dân với các doanh nghiệp ở ĐBSCL theo Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng đến nay vẫn chưa chuyển biến. Do “mạnh ai nấy làm” nên năm 2008, có trên 40% diện tích lúa ở ĐBSCL trồng giống IR 50404, dẫn đến sản lượng lúa tồn đọng khá lớn. Mặt khác, hơn 80% sản lượng lúa của nông dân đang chịu sự chi phối thu mua của thương lái nên phần lớn lợi nhuận từ sản xuất không đến tay nông dân.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, một số tỉnh ĐBSCL vẫn chưa quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, chưa xây dựng các bộ giống lúa xuất khẩu để gắn kết sản xuất với tiêu thụ. Ông Huỳnh Minh Huệ, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đề nghị Bộ NN&PTNT và các tỉnh ĐBSCL quy hoạch vùng sản xuất lúa theo cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu hàng năm. Vụ đông xuân sản xuất 40% lúa hạt dài để chế biến gạo cao cấp, các doanh nghiệp chỉ xuất từ 30-35%, phần còn lại để dành pha trộn với gạo hè thu có phẩm chất kém hơn. Vụ hè thu nên tăng diện tích sản xuất lúa hạt dài chất lượng cao để tăng phẩm chất gạo chế biến. Riêng vụ thu đông (vụ 3) cũng sản xuất lúa chất lượng cao để dành xuất khẩu cho đầu năm sau.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng đề nghị các tỉnh ĐBSCL tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu xuất khẩu. Việc doanh nghiệp ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo linh động cũng có lợi cho nông dân. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần có thông tin dự báo giá cả và thị trường xuất khẩu gạo để ngành nông nghiệp quy hoạch, bố trí sản xuất theo nhu cầu. Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT xây dựng hệ thống kho dự trữ 4 triệu tấn lúa tại khu vực ĐBSCL để điều hòa lượng lúa dư thừa trong dân, không để xảy ra tồn đọng lúa hàng hóa không bán được. Bộ NN&PTNT cần tiếp tục nghiên cứu để hiện đại hóa khâu chế biến gạo xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu trên 3,6 triệu tấn gạo và giao trong quí II-2009. Ngày 4-3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý giao cho Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam đảm bảo đủ vốn 2.500 tỉ đồng cho Tổng Công ty Lương thực miền Nam và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc với lãi suất ưu đãi để mua hết lúa gạo cho nông dân với lợi nhuận thấp nhất 30%...

Bài, ảnh: VŨ HÀ

Niềm vui trúng mùa được giá của nông dân Lưu Hiếu Kỳ ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn. Ảnh: Đ.C.T

Chia sẻ bài viết