08/05/2015 - 14:31

Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL

Để nguồn vốn đầu tư thật sự phát huy hiệu quả

Chương trình cho vay xây dựng cụm, tuyến dân cư (CTDC) vượt lũ vùng ĐBSCL được triển khai từ cuối năm 2002 (theo Quyết định 1548/QĐ-TTg ngày 5-12-2001 về việc đầu tư tôn nền vượt lũ để xây dựng các CTDC vùng ngập lũ ĐBSCL năm 2002). Ngày 26-8-2008, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1151/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung các Dự án đầu tư (Giai đoạn 2) thuộc Chương trình xây dựng CTDC và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL (gọi tắt là Chương trình). Đến nay, hàng trăm ngàn hộ dân vùng ngập lũ ĐBSCL được vay vốn mua nền, xây nhà… trong các CTDC, đảm bảo chỗ ở ổn định, an toàn trong mùa lũ. Tuy nhiên, theo nhận định của các ngành hữu quan, công tác giải ngân Chương trình - Giai đoạn 2, việc thu hồi nợ cho vay… còn phát sinh nhiều khó khăn - cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành hữu quan và các địa phương để tháo gỡ, để nguồn vốn đầu tư của Chương trình thật sự hiệu quả.

* Giải ngân, thu hồi nguồn vốn còn nhiều khó khăn

Vốn đầu tư xây dựng Chương trình gồm các nguồn: ngân sách Trung ương; vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam; vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) và nguồn vốn lồng ghép của các địa phương. Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng từ 6 địa phương (Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ) và các bộ, ngành hữu quan, thực hiện Chương trình - Giai đoạn 2, đến cuối năm 2014, tổng số vốn đã cấp là 2.859,5 tỉ đồng, đạt 87,5% so với kế hoạch. Trong đó, vốn vay để kè chống sạt lở và xây dựng bãi rác chỉ đạt 34,8% (tương đương 57/164 tỉ đồng), vốn vay xây dựng nhà ở chỉ đạt 61,1% (tương đương 444/762,54 tỉ đồng). Đến nay, còn khoảng 25.870 hộ nghèo và hộ cận nghèo thuộc Giai đoạn 1 của Chương trình chưa trả được nợ, khoảng 226,344 tỉ đồng...

Một góc tuyến dân cư vượt lũ Tân Thuận, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nợ quá hạn còn cao, ông Võ Minh Hiệp, Phó tổng Giám đốc NHCSXH, cho rằng: Trong quá trình thực hiện, các chi nhánh ngân hàng đã phối phợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ Tiết kiệm và vay vốn tiến hành kiểm tra, đối chiếu và rà soát nợ vay. Tuy nhiên, thực tế, nhiều hộ dân sau khi nhận nhà trong CTDC một thời gian, đã quay về chỗ ở cũ để ở hoặc chuyển đi nơi khác làm thuê sinh sống; một số khác tự cho thuê, sang bán cho người khác… nên việc thu hồi nợ của ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Khâu tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng của các hội đoàn thể nhận ủy thác, của các tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn còn hạn chế, người dân không có ý thức dành tiền tiết kiệm để trả nợ phân theo kỳ, dẫn đến áp lực trả nợ một lần khi đến hạn. Về việc cho vay Giai đoạn 2 của Chương trình chỉ đạt 61,1% chỉ tiêu kế hoạch, ông Võ Minh Hiệp chỉ rõ nguyên nhân: Công tác san lấp mặt bằng, xây dựng các hạng mục công trình và hạ tầng thiết yếu ở một số nơi còn chậm, làm ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai cho vay. Việc xét duyệt, bố trí dân cư vào ở trong các CTDC và việc ra quyết định giao nền của chính quyền địa phương một số nơi còn chậm. Một số CTDC chưa thống nhất về giá giao nền và chưa xác định danh sách các hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình vào ở trong CTDC nên không thể bố trí dân vào ở.

Theo quy định, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện cho vay vốn tín dụng để tôn nền, kè chống sạt lở và xây dựng bãi rác. Chương trình - Giai đoạn 2, phần cho vay xây dựng kè chống sạt lở và xây dựng bãi rác của ngân hàng chỉ đạt 57/164 tỉ đồng. Theo ông Đào Quang Trường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, một số CTDC mặt bằng không hoàn chỉnh, chất lượng không đảm bảo, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa được xây dựng đồng bộ nên không đảm bảo cuộc sống bình thường của người dân. Vị trí xây dựng CTDC một số nơi không phù hợp với điều kiện sản xuất và sinh hoạt của người dân nên phần nào ảnh hưởng đến công tác thu nợ của ngân hàng. Một số địa phương còn thiếu đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn kỹ thuật giỏi dẫn đến còn mắc sai phạm, như: giao đất và thu hồi đất chậm, thi công sai với thiết kế kỹ thuật, thanh toán chưa chính xác… Tiến độ thực hiện Chương trình và việc quyết toán khối lượng công việc còn chậm so với kế hoạch đề ra.

* Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư

Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng, có khoảng 8.410 hộ dân thuộc Chương trình - Giai đoạn 2 chưa được vay vốn xây dựng nhà ở, tương đương nhu cầu vốn khoảng 168,2 tỉ đồng. Ngoài ra, các địa phương vùng ĐBSCL vẫn còn nhu cầu đầu tư bổ sung tôn nền 63 CTDC; 89 bờ bao khu dân cư có sẵn để đảm bảo cho trên 60.950 hộ dân có chỗ ở an toàn, ổn định. Tại hội nghị Tổng kết Chương trình xây dựng CTDC và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL - giai đoạn 2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý một số kiến nghị quan trọng của địa phương vùng ĐBSCL. Đó là: Cho các hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình vay vốn theo quy định để xây dựng nhà ở trong CTDC đến hết năm 2015. Kéo dài thời gian trả nợ thêm 3 năm đối với những hộ nghèo, cận nghèo chưa trả khoản tiền đã vay mua nền nhà trong CTDC nhưng đã hết hạn trả nợ. Đồng thời, cho phép các địa phương kéo dài Chương trình đến năm 2020… Để giải quyết khó khăn, đặc biệt là nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của Chương trình, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và các bộ, ngành hữu quan.

Nhiều ý kiến cho rằng, thành công của Chương trình đến hôm nay, chính là sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương. Phát huy hơn nữa vai trò của chính quyền địa phương, nâng cao hiệu quả Chương trình, ông Võ Minh Hiệp, Phó tổng Giám đốc NHCSXH, đề nghị: Các địa phương thực hiện các biện pháp giám sát chặt chẽ việc xây dựng nhà ở cho người dân, đảm bảo nhà được xây dựng theo đúng quy định; xử lý nghiêm những trường hợp dân sang nhượng trái phép nhà được phân, mua theo danh sách đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. UBND các tỉnh, thành phố thực hiện chương trình có biện pháp để khắc phục tình trạng hộ dân tự ý sang nhượng nhà ở trong khi chưa trả hết nợ ngân hàng. Các hội đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa; đồng thời hỗ trợ NHCSXH tuyên truyền, đôn đốc, vận động hộ vay có ý thức để dành tiền tiết kiệm, tạo nguồn trả nợ cho ngân hàng khi đến hạn.

Liên quan đến vấn đề khuyến khích các hộ dân vào ở trong CTDC vượt lũ, ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Người dân vào sống tập trung trong các CTDC vượt lũ chủ yếu là dân nghèo, làm thuê, làm mướn, chưa có nghề nghiệp việc làm ổn định nên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống lâu dài. Đề nghị các ngành hữu quan cần có chính sách đào tạo nghề phù hợp với điều kiện của địa phương để giải quyết công ăn việc làm. Có như vậy, người dân trong các CTDC vượt lũ mới ổn định sinh kế và có tích lũy để trả nợ vay ngân hàng, phát triển đời sống. Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: Các địa phương cần phối hợp với các ngành hữu quan xem xét từng trường hợp cụ thể: trường hợp nào khoanh nợ, trường hợp nào giãn nợ, hoặc cho vay mới… Có phân loại được cụ thể như vậy thì nguồn vốn vay mới đem lại hiệu quả thiết thực nhất. Theo ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố xem xét, ưu tiên giải quyết vốn thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình giảm nghèo khác để xây dựng đồng bộ các công trình thiết yếu trong CTDC. Từ đó nâng cao điều kiện sinh sống của các hộ dân, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Bài, ảnh: Hà Triều

Chia sẻ bài viết