02/01/2012 - 17:19

Để người Việt chuộng hàng Việt

Theo khảo sát của Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Cần Thơ (Ban chỉ đạo), hiện nay trên thị trường hàng sản xuất trong nước chiếm từ 90-95% và ước tính có đến 75-80% người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Những con số này khẳng định rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Khẳng định vị thế

Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. 

Ông Từ Công Trung, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opMart Cần Thơ, cho biết: “Hàng Việt ngày càng có thế mạnh trên thị trường và được người dân tin dùng. Tại hệ thống Siêu thị Co.opMart, hàng sản xuất trong nước chiếm trên 95%”. Tại các siêu thị khác trên địa bàn TP Cần Thơ như: Vinatex Cần Thơ, Maximark Cần Thơ, Metro Hưng Lợi, hàng sản xuất trong nước ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Tại các khu chợ truyền thống, hàng Việt giờ được người dân ưu tiên sử dụng, tỷ lệ hàng hóa bày bán tại các lô, sạp chiếm khoảng 95%.

Để “thuyết phục” người Việt dùng hàng Việt và tạo sức mạnh cạnh tranh, những năm trở lại đây, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chú trọng hơn về chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm. Trong số này có thể kể đến các thương hiệu như: Kinh Đô, Bibica, Vinamilk, Thorakao... đã khẳng định cho thương hiệu Việt không chỉ ở cấp độ người tiêu dùng phổ thông mà còn hiện diện sánh với những thương hiệu cao cấp nhập khẩu. Chị Nguyễn Thị Minh Tâm, đường 3 Tháng 2, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Với công nghệ sản xuất hiện đại, chất lượng các mặt hàng thực phẩm công nghệ, không thua kém gì hàng ngoại. Đặc biệt, với mặt hàng mỹ phẩm, thế mạnh của hàng nhập khẩu, giờ đây cũng bị hàng Việt cạnh tranh về cả chất lượng và giá”.

Đến với vùng nông thôn, ngoại thành, hàng Việt Nam càng thể hiện rõ “sức mạnh” của mình. Bà Huỳnh Thị Tuyết Hồng, ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: “Trước đây, chợ bán gì thì tôi mua đó, miễn là cảm thấy hợp ý chứ ít khi nào tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Sau khi tham quan, mua sắm tại những chuyến Việt về nông thôn, tôi hiểu về giá trị hàng hóa và tin dùng hàng Việt nhiều hơn. Giờ đây, những đồ tiêu dùng trong gia đình từ hóa phẩm, thực phẩm công nghệ, thuốc chữa bệnh... gia đình tôi đều dùng hàng Việt”. Trong năm 2011, phối hợp với các cơ quan chức năng, Ban chỉ đạo đã tổ chức thành công 24 đợt đưa hàng Việt về vùng ngoại thành, khu công nghiệp; thu hút 90 lượt doanh nghiệp tham gia, trên 25.000 người đến mua sắm, doanh số bán hàng đạt gần 4 tỉ đồng. Năm qua, Siêu thị Vinatex Cần Thơ tổ chức 16 chuyến hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp trong năm 2011. Ông Trần Vũ Lợi, Phó Giám đốc Siêu thị Vinatex Cần Thơ, cho biết: “Mỗi chuyến hàng Việt về vùng nông thôn hay đến các khu công nghiệp, mới thấy được sự yêu mến hàng Việt của người dân. Nhiều bà con đã không giấu vui mừng khi mua được những mặt hàng chất lượng do chính Việt Nam sản xuất. Những chuyến hàng Việt của chúng tôi luôn được bà con yêu cầu ở lại lâu và tổ chức thường xuyên hơn...”...

Cần xây dựng tính bền vững

Mặc dù các ngành, các cấp có nhiều nỗ lực trong tuyên truyền, vận động người Việt dùng hàng Việt và không thể phủ nhận sự lớn mạnh của hàng Việt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hàng Việt vẫn tồn tại nhiều yếu kém như: sự thiếu bền vững về chất lượng hàng hóa, mẫu mã thiếu đa dạng, đôi khi sự quảng bá không đúng với thực tế của giá trị hàng hóa... đã khiến người tiêu dùng chưa mặn mà với hàng Việt. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Sau kết thúc của những phiên chợ hàng Việt, rất nhiều người dân đặt ra câu hỏi những mặt hàng Việt này muốn mua thì tìm ở đâu? Theo tôi, song song với việc tổ chức những chuyến hàng Việt, phải xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt, đặc biệt tại các chợ huyện, chợ xã để hàng Việt thật sự đi vào đời sống của bà con, nhất là người dân vùng nông thôn”. Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho rằng: “Để người dân tin dùng nhiều hơn, đặc biệt trong quá trình xây dựng hình ảnh thương hiệu Việt, nhà sản xuất cần lưu ý về nhãn mác, hướng dẫn sử dụng, đặc biệt là chất lượng cần ổn định, đúng với thực tế quảng cáo đến người tiêu dùng”.

Nhận xét về những hạn chế trong công tác triển khai cuộc vận động trong thời gian qua, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBMTTQ TP Cần Thơ, Phó Ban chỉ đạo cuộc vận động, cho rằng: “Trong công tác tiến hành chỉ đạo cuộc vận động ở từng cấp, ngành chưa được thường xuyên, sâu rộng, chỉ tập trung vào những đợt cao điểm nên chưa huy động được sự quan tâm, tham gia thật sự tích cực của từng nhóm đối tượng mà yêu cầu của cuộc vận động cần hướng đến. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thành phố từng lúc, từng nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; việc đưa hàng Việt về phục vụ nhân dân vùng ngoại thành chưa liên tục và phủ kín trên các địa bàn quận huyện...”. Hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất trong nước phát triển nhanh chóng, đồng nghĩa hàng hóa dồi dào, nhiều sản phẩm chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, để chuyển đổi thói quen của người tiêu dùng cần phải có thời gian tạo niềm tin, chính vì thế cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành để vận động “Người Việt dùng hàng Việt” thì trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất là rất lớn và mang tính quyết định để gắn chặt người Việt với hàng Việt.

Đồng chí Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: “Trên địa bàn thành phố đang hình thành khá rõ nét sự phát triển của hàng Việt, đặc biệt tại các siêu thị. Việc vận động để làm sao cho người Việt ưu tiên dùng hàng Việt mang ý nghĩa rất lớn trong việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Khi hàng Việt được ưu tiên sử dụng sẽ góp phần hạn chế hàng nhập lậu, hàng gian hàng giả. Vì vậy, các cấp, ngành cần thường xuyên tuyên truyền sâu rộng để chuyển biến, bài trừ tư tưởng sính ngoại của người dân. Đối với các doanh nghiệp, cần phải chú ý đến sự ổn định của chất lượng hàng hóa, phối hợp chặt giữa sản xuất và tiêu dùng”.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết