27/09/2012 - 22:23

Đề nghị định hướng cho nông dân chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả cao

Cử tri quận Ô Môn, huyện Thới Lai đề nghị ngành Nông nghiệp mở các lớp tập huấn chuyên đề, hướng dẫn kỹ thuật và định hướng cho người nông dân trồng loại cây, nuôi con gì mang lại hiệu quả kinh tế và khả năng kháng sâu bệnh cao. Công văn trả lời của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố như sau:

- Công tác tập huấn, hướng dẫn các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, hiệu quả và an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu luôn được ngành Nông nghiệp quan tâm.

Về định hướng cho người dân trồng cây gì, nuôi con gì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và khả năng kháng bệnh cao: Đặc điểm của sản phẩm nông nghiệp là tính mùa vụ, nơi tiêu thụ xa nơi thu hoạch, khó bảo quản, chất lượng không đồng đều, phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thị trường, tình trạng "được mùa, mất giá" thường xuyên xảy ra. Do vậy, cần phải có sự liên kết sản xuất và tiêu thụ, đồng thời công nghiệp hóa bảo quản, chế biến. Vấn đề này liên quan rất lớn đến doanh nghiệp và chính sách của nhà nước để đảm bảo phát triển bền vững.

Theo dự thảo Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với diện tích nhỏ lẻ và manh mún, đa số nông dân ở Ô Môn và Thới Lai chủ yếu canh tác 3 vụ lúa/năm, do vậy thu nhập rất thấp. Để nâng cao thu nhập, người dân có thể chuyển đổi mùa vụ: Sản xuất 1 vụ màu thay cho lúa, vì thu nhập từ trồng màu cao hơn trồng lúa 2-4 lần. Tùy điều kiện lao động gia đình có thể chuyển đổi cho phù hợp, bởi vì trồng màu cần công lao động hơn trồng lúa. Bên cạnh đó, việc thay đổi cơ cấu cây trồng còn giúp cải thiện cơ cấu đất, hạn chế dịch bệnh. Hiện nay, có các mô hình trồng màu hiệu quả, như: Trồng dưa hầu, ớt, mè, đậu nành,… Ngoài ra, nông dân có thể sản xuất giống thay cho sản xuất hàng hóa để tăng thu nhập trên cùng diện tích đất sản xuất. Trong quá trình đô thị hóa, nhất là đối với các quận vùng ven, có thể phát triển rau, nấm, hoa, cá kiểng để cung cấp cho nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hiện nay, đã có nhiều nông dân thành công với mô hình chăn nuôi: gà thả vườn, lươn, ba ba,… Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, bà con nông dân cần đảm bảo đầu ra cho nông sản.

Bên cạnh đó, người dân nên tổ chức liên kết sản xuất theo vùng (hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã,…), sản xuất có kế hoạch cụ thể, khai thác tiềm năng năng suất, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là không sử dụng lãng phí vật tư đầu vào (giống, phân bón, thức ăn, thuốc,…) để giảm chi phí sản xuất; sử dụng giống có chất lượng, chống chịu một số sâu, bệnh chính; thực hiện áp dụng công nghệ- cơ giới hóa trong sản xuất. Đồng thời, thường xuyên theo dõi thông tin cũng như nhu cầu, giá cả của thị trường để chủ động trong sản xuất;…

Chia sẻ bài viết