24/07/2010 - 20:22

Để Nghị định 54/CP đi vào cuộc sống

Cần có thêm những bộ phim như “Cổng mặt trời” – bộ phim khắc họa lối sống của giới trẻ được đông đảo khán giả yêu mến.

Đến nay đã hai tuần sau khi Nghị định 54/CP của Chính phủ có hiệu lực. Theo Nghị định, phim truyện Việt Nam trên các đài truyền hình phải được phát sóng vào các khung giờ vàng và chiếm ít nhất 30% tổng thời lượng phim truyện. Quy định này đang mở ra những cơ hội mới cho các đài truyền hình, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Một thời gian rất dài dư luận xã hội bức xúc về tình trạng phim truyện Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan, Hàn Quốc... tràn ngập màn ảnh nhỏ. Dù muốn dù không, sức lan tỏa mạnh mẽ của những sản phẩm này tác động đến nhân sinh quan và văn hóa ứng xử của khán giả truyền hình, nhất là giới trẻ. Đơn cử như quan niệm hôn nhân và luyến ái cởi mở trong phim ảnh phương Tây tạo ra sự ngộ nhận về “tự do luyến ái” trong giới trẻ; hay chuyện trẻ em nước ta thuộc sử Tàu hơn sử Việt thông qua dòng phim lịch sử Trung Quốc; sự xâm nhập ồ ạt của các sản phẩm tiêu dùng và khuynh hướng thẩm mỹ Hàn Quốc tràn lan bởi sự ngưỡng mộ các ngôi sao Hàn... Sự ra đời của Nghị định 54/CP thật ra khá muộn, nhưng dù muộn vẫn còn hơn không. Vấn đề đặt ra là làm sao để Nghị định 54/CP thực sự đi vào cuộc sống và nhanh chóng phát huy tác dụng.

Hiện nay, chỉ có hai đài truyền hình có năng lực tự sản xuất phim là HTV và VTV. Tuy nhiên, Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh và Hãng phim Truyền hình Việt Nam mỗi năm có thể sản xuất trên dưới 1.000 tập phim. Các đài truyền hình từ địa phương đến trung ương đều dựa vào nguồn phim Việt của các hãng phim tư nhân lớn như Lasta, M&T Pictures, BHD, FPT Media, Phước Sang Film, Chánh Phương, Sóng Vàng... với năng lực sản xuất mỗi năm khoảng 1.000 tập phim. Tuy nhiên, điểm lại chất lượng của các phim truyền hình Việt được sản xuất, nhất là trong thời gian gần đây, không khó khăn gì để nhận thấy phần nhiều đang chạy theo xu thế “mì ăn liền” và “nhanh – nhiều – rẻ – dở”. Phim truyền hình Việt mới chỉ trong giai đoạn chập chững, thiếu cơ sở vật chất, công nghệ, nhân lực, tài lực và quan trọng nhất là thiếu những kịch bản hay, gần gũi với hiện thực nhưng lại chạy theo các xu hướng thời thượng. Khán giả phải xem rất nhiều bộ phim “vỏ Việt nhưng hồn Hàn hay Trung Quốc” - vay mượn kịch bản nước ngoài mà công nghệ làm phim và diễn xuất của diễn viên kém xa phiên bản gốc. Có lúc nhiều người phải kêu lên: “Đâu rồi bản sắc phim Việt?”. Vậy mà do thiếu phim, các đài vẫn giành phim để chiếu. Có phim chiếu đi chiếu lại rất nhiều lần dù những bộ phim này từng bị dư luận phản ứng gay gắt. Phổ biến tình trạng nhiều đài chiếu trùng một bộ phim, chỉ khác giờ chiếu và số tập.

Chính vì vậy, có nhiều ý kiến lo ngại rằng rồi đây khi phải phát sóng 30% phim Việt trên các đài truyền hình, tình trạng sản xuất phim Việt càng trở nên bát nháo hơn bởi yêu cầu đáp ứng về số lượng. Hiện nay nước ta có hơn 70 kênh truyền hình trung ương và địa phương. Mỗi kênh trung bình phát sóng từ 6-10 đầu phim truyền hình với khoảng 12 đến 16 tập một ngày. Có nghĩa là để đạt 30% phim Việt trên truyền hình, mỗi ngày sẽ có gần 300 tập phim Việt được phát sóng, tính chung mỗi năm là hơn 100.000 tập. Với sức “cầu” cao như vậy liệu có xảy ra tình trạng đổ xô đi làm phim truyền hình để lấp đầy sóng, trong khi Việt Nam còn thiếu đội ngũ biên kịch lành nghề và có tâm; thiếu đạo diễn giỏi, diễn viên tốt và cả phương tiện kỹ thuật?

Có lẽ ngay từ bây giờ cần có sự hợp tác giữa các nhà quản lý, các đài truyền hình để hoạch định lộ trình, giúp Nghị định 54/CP trở nên khả thi, đi vào hiện thực và phát huy hiệu quả. Trước mắt, động thái tích cực đầu tiên được ghi nhận là đã có nhiều đài truyền hình cố gắng thực hiện theo đúng tinh thần nghị định. Mấy ngày gần đây khán giả ĐBSCL được xem hai phim Việt được phát sóng lần đầu tiên trên các kênh địa phương – chứ không phải “lập lại” những phim đã được phát sóng trên các kênh VTV và HTV. Đó là trường hợp “Anh em nhà bác sĩ” trên kênh THVL1 lúc 20 giờ 30 hằng ngày và “Lâu đài tình ái” trên kênh HGTV cũng vào khung giờ vàng trên. Để có được hai bộ phim này, Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long và Hậu Giang đã mua quyền phát sóng độc quyền hai bộ phim trên. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Hậu Giang, cho biết: “Chúng tôi đã phải trả phí bản quyền cao gấp 20 lần để được phát sóng phim mới. Mặt khác, để có nguồn phim ổn định cho khung giờ vàng lúc 20 giờ 30 từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, HGTV đã ký hợp đồng cung cấp phim thời hạn năm năm với Hãng phim Phước Sang”. Ban Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long cũng khẳng định hướng đi sắp tới của đài nhằm góp phần thực hiện Nghị định 54/CP và đáp ứng nhu cầu thưởng thức phim Việt của khán giả đồng bằng. Tuy nhiên, có thể thấy đó mới chỉ là nỗ lực đơn độc của số ít đài truyền hình... còn lại tất cả vẫn ở phía trước.

Cần phải có những hỗ trợ thiết thực từ các ngành hữu quan và các nhà quản lý, cùng những kế hoạch, lộ trình cụ thể để phim Việt phát triển về số lượng và cả chất lượng.

Xuân Viên

Chia sẻ bài viết