Năm 2023, xuất khẩu cá tra được đánh giá là rơi vào thời kỳ thấp điểm. Người nuôi cá tra không thu được lợi nhuận, thậm chí thua lỗ khi thu hoạch. Do đó, lượng ca tra thả nuôi đang giảm để cân đối cung - cầu, điều tiết sản xuất nhằm vượt qua những khó khăn...
Mô hình nuôi cá tra theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm phát triển tại TP Cần Thơ.
Còn khó khăn
Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) tại ÐBSCL giá thu mua cá tra nguyên liệu những tháng cuối năm 2023 dao động ở mức 25.000-27.500 đồng/kg loại I tùy thời điểm, thấp hơn mức trung bình năm 2022 khoảng 2.000-3.000 đồng/kg. Ở thời điểm hiện tại, giá cá tra thương phẩm đang được doanh nghiệp chế biến thu mua ở mức khoảng 25.500 đồng/kg. Theo kết quả xác định chi phí sản xuất cá tra nguyên liệu thì giá thành cá tra nguyên liệu dao động trong khoảng 26.500-26.900đồng/kg. Như vậy, với mức giá thu mua và giá thành sản xuất như hiện nay, người nuôi không thu được lợi nhuận, thậm chí còn thua lỗ…
Tại TP Cần Thơ, năm 2023 các hộ nuôi cá tra thả giống với diện tích 698ha, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 99% so với kế hoạch năm, diện tích thu hoạch 563ha và sản lượng 180.886 tấn, bằng 92% so với cùng kỳ năm 2022, vượt 4% so với kế hoạch năm 2023, năng suất đạt 321 tấn/ha. Những tháng cuối năm 2023, giá bán cá tra nguyên liệu tại ao dao động từ 25.000-26.000 đồng/kg (kích cỡ 750-950g/con) giảm từ 2.000-2.500 đồng/kg so với cùng kỳ 2022, trong khi giá thành sản xuất bình quân 26.000-27.000 đồng/kg. Với giá bán này, người nuôi lỗ 1.000 đồng/kg.
Năm qua, tình hình xuất khẩu cá tra ở TP Cần Thơ cũng giảm. Theo báo cáo của Sở Công thương TP Cần Thơ, sản lượng thủy sản xuất khẩu năm 2023 ước đạt 150.000 tấn, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 97% so với kế hoạch năm với kim ngạch 493 triệu USD, bằng 91% so với cùng kỳ và đạt 97% so với kế hoạch năm 2023. Các sản phẩm xuất khẩu như: cá tra đông lạnh, cá tra fillet, cá tra cắt miếng xiên que, tẩm bột, cá viên, chả cá. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Nguyên nhân diện tích thả nuôi và giá bán cá tra giảm do một số hộ nuôi không thả nuôi lại vì kinh tế khó khăn, thiếu vốn, trong khi giá thức ăn tăng cao nên các hộ nuôi chưa mạnh dạn trong việc thả nuôi vụ kế tiếp; một số hộ nuôi khác thì nghỉ nuôi hoặc chuyển nhượng ao nuôi. Bên cạnh đó còn do lạm phát ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, dẫn tới xuất khẩu cá tra của Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhờ các hộ nuôi ở TP Cần Thơ đều có liên kết tiêu thụ nên không có tình trạng tồn đọng cá tra nguyên liệu. Ðồng thời, mặc dù diện tích thả nuôi và giá bán cá tra giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng nguồn nguyên liệu vẫn đủ để cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu…”.
Năm 2023, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tổ chức nhiều đợt tập huấn phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản cho các hộ nuôi cá tra trên địa bàn; cấp mã số nhận diện cho 207/207 cơ sở nuôi cá tra với diện tích 439ha theo Nghị định số 26/2019/NÐ-CP của Chính phủ. Thẩm định, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho 71/207 cơ sở nuôi thủy sản; đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra tổng số 12 cơ sở nuôi cá tra trên địa bàn, kết quả các cơ sở trên đều chấp hành tốt các quy định trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; phối hợp tham gia đoàn thanh tra liên ngành của thành phố thanh tra 76 cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản và thuốc thú y, qua đó kịp thời xử lý các sai phạm…
Tháo gỡ
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2023 tổng sản lượng cá tra ước đạt 3,13 triệu tấn (tăng 0,5% so với năm 2022), dẫn đầu là Việt Nam với 1,62 triệu tấn, tiếp theo là Ấn Ðộ, Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc. Dự báo sản lượng cá tra năm 2024 tăng 2,8% so với năm 2023. Theo các chuyên gia kinh tế, sang năm 2024, lạm phát toàn cầu có khả năng được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng có khả năng sẽ hồi phục từ quý II-2024. Diện tích thả nuôi cá tra năm 2023 giảm không nhiều so với cùng kỳ năm 2022 nhưng mật độ thả thưa hơn có thể khiến sản lượng thu hoạch trong 2 quý đầu năm 2024 không cao như kỳ vọng. Tuy nhiên, với đà phục hồi như hiện nay, sản lượng cá tra dự kiến thu hoạch trong quý I, II-2024 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến và xuất khẩu.
Cục Thủy sản dự kiến, diện tích thả nuôi cá tra trong năm 2024 khoảng 5.700ha, sản lượng cá tra thương phẩm dự kiến đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2 tỉ USD. Riêng, TP Cần Thơ dự kiến năm 2024 diện tích nuôi cá tra tương đương năm 2023. Ðồng thời, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định 987/QÐ-BNN-TCTS ngày 20-3-2018 của Bộ NN&PTNT về Ðề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ÐBSCL. Tập trung phát triển nuôi cá tra công nghiệp ven sông Hậu và các khu vực có điều kiện thuận lợi để sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Nghiên cứu, áp dụng công nghệ nuôi mới, tiết kiệm nước, tiết kiệm nhiên liệu để bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành hàng cá tra, tăng cường liên kết sản xuất, phát triển ngành cá tra theo chuỗi cung ứng, nâng cao tỷ lệ diện tích. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn người nuôi áp dụng các quy trình nuôi cá tra an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh như VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP… để giảm các loại thuốc và hóa chất dùng trong quá trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu. Tăng cường công tác kiểm dịch con giống trước khi đưa vào ao nuôi, thanh kiểm tra việc sản xuất, lưu thông, mua bán, sử dụng chế phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định…
Ông Phạm Trường Yên nhấn mạnh: “Ngoài các hoạt động trên, sở tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát môi trường ở các điểm có nguy cơ ô nhiễm môi trường; phát hiện và xử lý các nguồn xả thải, đặc biệt tại các vùng nuôi, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung để kịp thời cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến người nuôi và các đối tượng có liên quan. Tiếp tục thực hiện việc cấp mã số ao nuôi nhằm bảo đảm sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, góp phần ổn định sản xuất thông qua việc cân đối cung cầu; nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc từ cá giống và vật tư đầu vào đến cá tra nguyên liệu. Sở tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ; gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu để sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ. Xây dựng kế hoạch triển khai các chuỗi cung ứng hàng hóa an toàn vệ sinh thực phẩm từ con giống, vùng nuôi sản xuất đến sơ chế, chế biến ở một số địa phương trọng điểm về nuôi cá tra…”.