11/01/2012 - 20:36

Để giống lúa vươn xa…

Năm nay, nông dân tỉnh An Giang lại được một năm “trúng mùa, được giá”. Ảnh: MỸ THANH

An Giang hiện có hơn 200 tổ, đội sản xuất giống và hàng chục công ty chuyên kinh doanh sản xuất giống lúa. Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ này, đòi hỏi mỗi sản phẩm làm ra cần có được chứng nhận chất lượng để có thể thương mại hóa và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa giống lúa, thời gian qua nông dân An Giang đã tích cực hưởng ứng và tạo thành phong trào rộng khắp tại các địa phương. Từ năm 2008 đến nay, diện tích nhân giống lúa cộng đồng luôn duy trì ở mức cao (trên 12.000 ha/năm), sản lượng giống cung cấp khoảng 90% nhu cầu giống cho sản xuất. Riêng năm 2011, mạng lưới nhân giống lúa phát triển vượt bậc, diện tích nhân giống đạt 16.900 héc-ta. Có thể nói, lúa giống của An Giang không những đã có mặt ở các tỉnh ĐBSCL, mà còn vươn xa đến miền Đông Nam bộ, Bình Thuận, Ninh Thuận và nước bạn Campuchia. Thực tế hiện nay cho thấy, nông dân có xu hướng mua giống ở các cơ sở sản xuất có bao bì, nhãn mác, có thương hiệu và uy tín trên thị trường. Từ yêu cầu này, buộc người sản xuất, kinh doanh lúa giống phải có kế hoạch cụ thể, chiến lược rõ ràng từ khả năng tiếp thị, nắm bắt thông tin và điều quan trọng là xây dựng chữ “tín” với khách hàng bằng cách không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cuối năm 2011, tin vui đến với ngành nông nghiệp tỉnh nhà và nhiều tỉnh lân cận đó là Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quyết định chỉ định Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm giống nông nghiệp An Giang là tổ chức chứng nhận chất lượng giống cây trồng. Đây là đơn vị sự nghiệp nhà nước đầu tiên có chức năng kiểm định, kiểm nghiệm giống cây trồng nông nghiệp trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm giống nông nghiệp An Giang, nhận định: Trước nay nông dân sản xuất giống phần lớn chỉ để trao đổi với nhau chứ không thể bán. Đơn giản vì chưa được chứng nhận nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn, kỹ thuật quy định. Muốn được chứng nhận, nhiều nông dân cũng như một số công ty kinh doanh sản xuất giống phải đến Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón vùng Nam bộ (TP Hồ Chí Minh), thuộc Cục Trồng trọt hoặc Trung tâm Giống Kiên Giang để kiểm định, kiểm nghiệm giống. Tuy nhiên, quy trình chứng nhận cũng rất nhiêu khê, thời gian trả kết quả chậm. Ông Phạm Thanh Huy, Công ty TNHH Một thành viên Tiến Nông (phường Bình Đức, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), nói: “Có khi không kịp chờ kết quả chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng, vì sợ mất giá hoặc không có người mua nên chúng tôi đành phải “bấm bụng” bán sản phẩm với giá cả không như mong muốn. Do đó, việc ra đời của Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm giống nông nghiệp An Giang giúp chúng tôi cảm thấy an tâm hơn”. Vụ đông xuân 2011-2012 này, Công ty TNHH Một thành viên Tiến Nông đã ký kết hợp đồng chứng nhận chất lượng giống cây trồng với Trung tâm trên tổng diện tích khoảng 40 ha. Các giống chứng nhận như: OM6976, Jasmine, OM2517, OM4218...

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm giống nông nghiệp An Giang, cho biết: Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã chuẩn bị khẩn trương từ khâu tuyển dụng đủ cán bộ kỹ thuật, đến sắp xếp bổ sung thêm các trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, xây dựng 2 sổ tay chất lượng cho Phòng Kiểm nghiệm giống cây trồng theo tiêu chuẩn VN ISO 17025:2007 và Sổ tay chất lượng cho Tổ chức chứng nhận theo tiêu chuẩn VN 7457-2004. Đặc biệt, mới đây, Trung tâm còn được Trung tâm Chứng nhận QUACERT chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn VN ISO 9001:2008. Năm 2011, để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất giống thực hiện việc sản xuất giống theo đúng quy định, thúc đẩy thương mại hóa giống, Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm giống nông nghiệp An Giang đã tổ chức 9 lớp tập huấn cho gần 300 nông dân sản xuất giống giỏi trong toàn tỉnh. Lớp học trang bị các kiến thức về kỹ thuật kiểm định đồng ruộng; lấy mẫu và kỹ thuật sản xuất giống. Ngoài ra, nông dân còn được tư vấn pháp luật trong kinh doanh sản xuất giống. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã phối hợp với các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh vận hành thử các hoạt động kiểm định, lấy mẫu, kiểm nghiệm, ghi và lưu hồ sơ như thật cho tổng số 112 hộ nông dân.

Người sản xuất và kinh doanh lúa giống có nhu cầu đăng ký được cấp giấy chứng nhận lô hạt giống phù hợp tiêu chuẩn cấp nguyên chủng hoặc xác nhận cần tiến hành hợp đồng với Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm giống nông nghiệp An Giang ngay từ đầu vụ. Tùy theo tình hình thực tế, cán bộ kiểm định sẽ trực tiếp đến ruộng sản xuất giống kiểm định ít nhất 3 lần/vụ. Sau khi kiểm định ruộng giống đạt tiêu chuẩn, giống lúa đã được thu hoạch, sấy khô và đóng bao theo đúng quy định, cán bộ lấy mẫu sẽ đến kho giống lúa thu mẫu gởi đến phòng kiểm nghiệm phân tích các chỉ tiêu theo quy định. Và chỉ trong khoảng thời gian từ 7 - 14 ngày là đã có kết quả. Nếu lô hạt giống đạt tiêu chuẩn thì sẽ được cấp chứng nhận lô hạt giống phù hợp tiêu chuẩn cấp nguyên chủng hoặc xác nhận.

HỒNG TRANG

Năm nay, nông dân tỉnh An Giang lại được một năm “trúng mùa, được giá”. Ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết