* Điều tra: VĂN MỸ PHƯƠNG
Cùng với cả nước, thời gian qua, TP Cần Thơ thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" (gọi tắt là Đề án ĐTN), góp phần trang bị nghề, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu nguồn lao động. Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận là các quận, huyện tích cực xây dựng nhiều mô hình gắn dạy nghề với giải quyết việc làm, thu hút nhiều lao động tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế khiến công tác dạy nghề chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Kỳ 1: Nỗ lực trang bị nghề, việc làm cho người lao động
Quá trình triển khai Đề án ĐTN, các quận, huyện chú trọng tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người lao động về trang bị nghề, việc làm phù hợp, nâng dần tỷ lệ lao động qua ĐTN từng năm. Thực tế cho thấy, tranh thủ và vận dụng nguồn kinh phí của Nhà nước, rất nhiều lao động tích cực học nghề, có việc làm và thu nhập, cơ bản thay đổi diện mạo đời sống vật chất, tinh thần của lao động nông thôn

Nhiều lao động tham gia lớp nghề may công nghiệp do Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh tổ chức để đủ điều kiện vào làm việc tại Nhà máy May Vinatex Cần Thơ. Ảnh: HÀ VĂN
Tăng tỷ lệ lao động qua ĐTN
Năm 2010, Thành ủy Cần Thơ ban hành Chỉ thị số 27 CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 3205/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án ĐTN; trình HĐND thành phố bổ sung các chính sách hỗ trợ người học nghề, ngoài các chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg (mở rộng đối tượng đào tạo nghề ngắn hạn và mức hỗ trợ; đào tạo trung cấp nghề theo mô hình vừa học chữ vừa học nghề và mức hỗ trợ). Đề án ĐTN được triển khai thực hiện theo quy trình chặt chẽ, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của địa phương. Trong đó, phân cấp cho quận, huyện chủ động chọn lựa nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và qua thực tế khảo sát nhu cầu học nghề của lao động hằng năm; điều tra các nhu cầu: học nghề của lao động, sử dụng lao động qua ĐTN tại các doanh nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng ĐTN. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Trung ương "Không tổ chức dạy và học nghề khi chưa xác định được nơi làm việc và mức thu nhập có được sau khi học", trong kế hoạch đăng ký mở lớp nghề, các địa phương phải trình bày cụ thể hướng giải quyết việc làm cũng như chủ động liên kết với các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp để giải quyết việc làm sau ĐTN cho học viên.

Lớp dạy nghề se đan kết thảm góp phần giải quyết lao động nông nhàn tại các phường vùng ven của quận Bình Thủy. Ảnh: H. VĂN
Giai đoạn 2010-2014, Đề án ĐTN thu hút rất nhiều doanh nghiệp tham gia dạy nghề dựa trên chương trình, giáo trình, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Từ việc ĐTN theo nhu cầu lao động, gắn với giải quyết việc làm hiệu quả, tiến tới ĐTN theo địa chỉ và đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Có thể nói, qua 5 năm thực hiện, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh từng bước, Đề án ĐTN cơ bản đạt được mục đích đề ra. Đó là, ĐTN nông nghiệp, phi nông nghiệp cho các đối tượng chính sách xã hội và người lao động trên địa bàn TP Cần Thơ chưa có việc làm, việc làm chưa ổn định có nhu cầu học nghề để giải quyết việc làm ổn định cuộc sống, nâng cao tỷ lệ giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động thành phố, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nghề đào tạo phân theo 2 nhóm: Nhóm nghề nông nghiệp và nhóm nghề phi nông nghiệp. Quá trình triển khai thực hiện cho thấy, Đề án ĐTN cơ bản làm khởi sắc diện mạo đời sống nông thôn, trang bị nghề nhất định cho một bộ phận lao động trước đây chỉ quen trồng tỉa, chăn nuôi hay cơ cực, vất vả kiếm sống với nghề làm mướn quanh năm, không bao giờ nghĩ đến việc được học nghề và thêm thu nhập. Theo báo cáo sơ kết 5 năm Đề án ĐTN giai đoạn 2010-2014, toàn thành phố có 18.830/19.308 lao động hoàn thành khóa học (trong đó có 13.810 lao động có việc làm sau ĐTN, đạt tỷ lệ trên 73%). Tỷ lệ lao động qua ĐTN tăng từng năm, từ trên 42% (năm 2010) tăng lên 50% (năm 2015). Qua học nghề, lao động nông thôn tiếp cận các nghề mới, thêm cơ hội việc làm, tạo điều kiện để nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nỗ lực xây dựng và duy trì mô hình
5 năm qua, việc tổ chức 676 lớp nghề sơ cấp và dưới 3 tháng thu hút trên 23.000 lao động các xã, phường, thị trấn theo học khoảng 50 nghề (nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp) đã thể hiện hiệu quả đề án, thực hiện mục tiêu trang bị cho người lao động một nghề để có thể tự tạo việc làm hay vào làm việc trong công ty, cơ sở sản xuất. Quá trình dạy nghề, các địa phương chú trọng kết hợp với đơn vị đào tạo và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng các mô hình giải quyết việc làm cho học viên sau đào tạo. Trong đó, quan tâm tạo điều kiện duy trì và nhân rộng các mô hình tạo việc làm tại chỗ, giúp lao động có việc làm, thu nhập, không phải xa quê bôn ba tìm việc. Theo kết quả thống kê, có 54 mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm ở các quận, huyện, góp phần giúp lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định.

Nghề đan bội hoa giải quyết việc làm, cải thiện cuộc sống của người dân tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Ảnh: H. VĂN
Mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm được duy trì bền bỉ ở Hợp tác xã (HTX) Phú Thọ (xã Trường Xuân, huyện Thới Lai). Bà Nguyễn Thị Đậm, Chủ nhiệm HTX Phú Thọ, cho biết: "Mấy năm nay, nguồn hàng may giày thể thao học sinh cho công ty ở TP Hồ Chí Minh dồi dào, liên tục, tạo việc làm cho khoảng 30 phụ nữ các xã: Trường Xuân, Trường Xuân A, Trường Xuân B, với mức thu nhập từ 1,8 triệu đồng 3 triệu đồng/người/tháng. Hàng may theo công đoạn nên chị em cần tỉ mỉ, chịu khó, siêng năng và có thể nhận nguyên liệu về nhà may để tiện việc chăm sóc nhà cửa, con cái". Mấy năm qua, HTX Quốc Noãn (xã Trường Thắng, huyện Thới Lai) cũng "ăn nên làm ra" với mô hình đan cần xé, đan bội trồng hoa. Để có đủ nguồn nhân công sản xuất, HTX kết hợp với UBND xã mở 2 lớp dạy nghề đan đát cho 70 lao động. Điều đáng ghi nhận ở mô hình này là người lao động biết tận dụng ruột tre bỏ đi (sau khi lấy phần nan tre đan cần xé) để đan bội trồng hoa. Qua đó giúp HTX giảm chi phí nguyên liệu, người lao động được nâng giá gia công, thu nhập bình quân từ 1 triệu đồng - 3 triệu đồng/người/tháng. Để góp phần nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm, Liên minh HTX TP Cần Thơ, Sở Công thương TP Cần Thơ hỗ trợ HTX máy chẻ tre, máy vuốt nan.
Tương tự, mô hình đan bội trồng hoa (ấp Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền) cũng giúp 35 học viên lớp nghề đan đát có việc làm, với thu nhập từ 1,8 triệu đồng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ mô hình vay vốn 80 triệu đồng để duy trì hoạt động; Trung tâm Khuyến công hỗ trợ 2 máy chẻ nan tre. Năm 2015, mô hình tiếp tục nhân rộng ở ấp Tân Long B và được mạnh thường quân hỗ trợ 2 máy chẻ tre để tăng năng suất lao động. Mô hình làm thay đổi cơ bản nhận thức cũng như đời sống phụ nữ dân tộc Khmer là Tổ hợp tác đan lục bình ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ. Hiện nay, tổ tập trung khoảng 100 lao động dân tộc Khmer, với thu nhập bình quân từ 1,6 triệu đồng 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2011, chị Sơn Thị Lang, phụ nữ dân tộc Khmer hoàn cảnh khó khăn, được Hội Phụ nữ thị trấn Cờ Đỏ vận động học nghề đan lục bình, để có việc làm, thu nhập ổn định. Sau đó, với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thới Hòa B, mong muốn giúp phụ nữ dân tộc có việc làm, thu nhập, chị Lang mạnh dạn đứng ra lên hệ ngành chức năng tổ chức lớp nghề đan lục bình và xây dựng, duy trì mô hình tổ hợp tác đan lục bình đến nay. Ngoài ra, các địa phương còn có các mô hình nghề nông nghiệp như: trồng cây lương thực, thực phẩm, ăn quả; chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản
thông qua các lớp nghề nông nghiệp tổ chức ở các quận, huyện.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thới Lai, cho biết: "Quá trình triển khai Đề án ĐTN, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm điều tra, khảo sát, xác định đối tượng có nhu cầu học nghề, tư vấn hướng nghiệp, dự báo việc làm và thu nhập của lao động học nghề. Đồng thời dạy các nghề phù hợp với trình độ, điều kiện lao động nông thôn. Các lớp nghề tổ chức kết hợp 3 yếu tố: ĐTN, giải quyết việc làm, có thu nhập; không tổ chức tràn lan, kém hiệu quả, gây tốn kém và lãng phí ngân sách thành phố. Ban chỉ đạo Đề án ĐTN các cấp phân công thành viên tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình dạy và học nghề ở các xã, thị trấn, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh". Không chỉ huyện Thới Lai, các địa phương khác cũng quan tâm chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc quá trình triển khai Đề án ĐTN với mong muốn đạt hiệu quả tốt nhất, mang đến việc làm và thu nhập ổn định, giúp lao động nông thôn cải thiện kinh tế gia đình, hướng đến giảm nghèo bền vững.
Theo Ban chỉ đạo Đề án ĐTN TP Cần Thơ, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, quá trình triển khai Đề án ĐTN giai đoạn 2010-2014 phát sinh một số bất cập, khó khăn cần các ngành, các cấp chính quyền đoàn thể địa phương tháo gỡ để đi đúng hướng ĐTN gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 2020.
Kỳ 2: Vì sao lao động có nghề nhưng chưa có việc làm?