07/01/2019 - 09:53

Để chọn đúng nghề 

Vấn đề hướng nghiệp, chọn nghề luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của học sinh và cả phụ huynh. Để giúp học sinh chọn đúng nghề nghiệp tương lai là sự tổng hòa của nhiều yếu tố.

Đại học có phải là con đường duy nhất để thành công?”, hay “Đi làm, các đơn vị tuyển dụng hay yêu cầu bằng cấp và kinh nghiệm, vậy chúng em làm gì để có kinh nghiệm ngay sau khi ra trường?”, rồi “Các ngành thuộc khối văn hóa xã hội như: Cử nhân ngữ văn, Việt Nam học, Công tác xã hội,… sau khi ra trường có thể làm được việc gì, có thể mang lại thu nhập cao không?”, “Em có thể cùng lúc học nhiều ngành, nghề khác nhau không?”… là những câu hỏi của học sinh khi tham dự các chương trình hướng nghiệp. Song song đó, còn không ít học sinh chưa biết nên chọn học ngành nghề gì; nhiều học sinh khi đặt câu hỏi vẫn còn gọi sai tên chính ngành, nghề mà các em đang quan tâm. Điều đó cho thấy mức độ tìm hiểu, quan tâm về nghề nghiệp của nhiều học sinh còn hạn chế.

Học sinh tham gia một buổi tư vấn, hướng nghiệp tại Trường THPT Hà Huy Giáp (huyện Cờ Đỏ).

Dự một buổi tư vấn hướng nghiệp, em Nguyễn Thị Kim Chi, học sinh lớp 11, Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ), cho biết: “Em rất phân vân, không biết nên chọn học ngành nào giữa Quản trị kinh doanh, Hướng dẫn viên du lịch và Thiết kế thời trang vì 3 lĩnh vực này em đều thích. Sau khi được thầy cô tư vấn, có lẽ em sẽ chọn học Quản trị kinh doanh để phục vụ mục tiêu mở cửa hàng kinh doanh thời trang trong tương lai”. Còn em Đỗ Thị Kim Nhung, học sinh lớp 12 của trường này thì cho rằng: “Khi được các thầy cô tư vấn, em mới hiểu nhiều hơn về mặt trái của từng công việc gắn với những ngành nghề khác nhau. Từ đó, em có sự cân nhắc, lựa chọn kỹ hơn ngành nghề sẽ chọn học”. Em Nguyễn Ngọc Thủy Tiên, học sinh lớp 11, Trường THPT Lưu Hữu Phước (quận Ô Môn), chia sẻ: “Có quá nhiều thông tin tuyển sinh của các trường. Em chưa biết nên chọn học ngành gì ở trường nào cả. Em thích học 3 ngành: Thiết kế đồ họa, Văn học Việt Nam và Hướng dẫn viên du lịch”.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhiều học sinh THPT hiện nay còn rất yếu về kỹ năng tự định hướng nghề nghiệp, vì thế việc chọn sai nghề không ít. Nguyên nhân dẫn đến hệ quả này là phụ huynh và nhà trường quá bao bọc, chưa kích thích được khả năng tự quyết định tương lai của các em và kể cả yếu tố coi trọng bằng cấp vẫn tồn tại ở nhiều đơn vị sử dụng lao động. Còn về bản thân các em, nhiều em không hề quan tâm đến việc chọn nghề hoặc quá ảo tưởng, chọn nghề quá sức so với khả năng của mình. Cụ thể là đa số các em vẫn chuộng học đại học, chứ không muốn học nghề. Các em cần học cách tận dụng công nghệ, mạng xã hội phục vụ nhu cầu học tập và định hướng nghề nghiệp phù hợp yêu cầu thực tế của xã hội thay vì chỉ vui chơi, giải trí.

Anh Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP Cần Thơ cho biết, học sinh THPT cần nghiêm túc thảo luận, tham khảo ý kiến tư vấn của phụ huynh, thầy cô trước khi đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề và chuẩn bị kiến thức để theo đuổi ngành nghề đã chọn. Việc làm này cần được khởi động từ sớm, tránh “nước tới chân mới nhảy”, băn khoăn, bối rối trước vô vàn sự lựa chọn khi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã cận kề. Bối cảnh toàn cầu hóa mang đến rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp, nhưng các em cần biết cách “lắng nghe” xem các em thích, phù hợp ngành nghề gì để lựa chọn cho đúng. Thực tế, đã có không ít người chạy theo phong trào, chọn ngành nghề theo số đông để rồi hối tiếc vì bỏ phí thời gian, công sức, tiền bạc mà không thể theo đuổi nghề mình đã chọn.

Anh Nguyễn Duy Phúc cho biết: “2 năm gần đây, được sự đồng ý của Thành đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP Cần Thơ phối hợp một số đơn vị đã tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp “Hiểu mình- Hiểu nghề- Sáng tương lai” cho học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố. Chúng tôi mong muốn góp phần giúp các em định hướng nghề nghiệp đúng đắn và phù hợp, chọn nghề đúng khả năng và ứng dụng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cho các em trong tương lai”. Thực tế thị trường lao động cho thấy, những công việc nhẹ nhàng, không phải di chuyển nhiều luôn là các vị trí được nhiều lao động quan tâm nhưng ít nhu cầu tuyển dụng. Ngược lại, các vị trí lao động cần tay nghề kỹ thuật hay cần khả năng giao tiếp tốt, chịu khó di chuyển,… đang thiếu nguồn cung ứng cho các đơn vị sử dụng lao động nhưng không mấy lao động quan tâm.

Theo thầy Đào Xuân Thuyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp (huyện Cờ Đỏ), bên cạnh các tiết học hướng nghiệp được thực hiện theo chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên thường xuyên theo dõi, cập nhật những thông tin mới liên quan đến tuyển sinh, nhu cầu lao động để cung cấp cho học sinh; hoặc giới thiệu những trang thông tin hướng nghiệp uy tín, có nội dung phong phú để học sinh tự tìm hiểu thêm. Đặc biệt trường có thành lập tổ tư vấn, sẵn sàng trao đổi, hỗ trợ thêm khi học sinh có thắc mắc về kỳ thi THPT quốc gia và vấn đề lựa chọn ngành nghề.

Có sự định hướng của phụ huynh, thầy cô và các đơn vị tuyển dụng lao động sẽ giúp học sinh THPT thuận lợi hơn trong việc chọn nghề. Việc còn lại là bản thân các em cần nghiêm túc với sự lựa chọn của mình và nỗ lực, quyết tâm xây dựng tương lai với ngành, nghề phù hợp.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
hướng nghiệp