* Thảo luận dự án Luật Viễn thông
Sáng 13-6, tiếp tục phần trả lời chất vấn các vị đại biểu QH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã trao đổi thêm về những vấn đề quan trọng, tập trung vào 2 nhóm lớn là xung quanh việc sử dụng gói kích cầu và cấu trúc lại nền kinh tế chuẩn bị cho giai đoạn sau suy thoái.
Đại biểu Phạm Lễ Chi (Quảng Ninh) nêu vấn đề: Trong Quyết định 171 ngày 24-7-2006 của Chính phủ quy định chỉ bố trí vốn cho các dự án đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định về quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành. Tuy nhiên, khi nêu nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm, theo Bộ trưởng trong đó có nguyên nhân đầu tiên là thủ tục đầu tư của các công trình và dự án chưa hoàn chỉnh. Như vậy đã có một số công trình, dự án được Bộ chấp nhận nhưng chưa hoàn chỉnh thủ tục đầu tư. Trách nhiệm của Bộ đến đâu, lý do gì dẫn đến việc dự án đầu tư không hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, thậm chí đến mức mất nhiều thời gian hoàn chỉnh mà vẫn được chấp nhận? Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, khi trình lên các bộ, các ngành, dự án đều đã đủ thủ tục, sau khi thực hiện mới xuất hiện khó khăn, cần điều chỉnh. Trách nhiệm này có của cả cơ quan chủ quản, địa phương. Về vấn đề kiên quyết điều chỉnh vốn, đến 1-9, địa phương nào không chia hết vốn sẽ điều chuyển. Vừa qua Chính phủ đã xử lý một số thủ tục về xây dựng cơ bản để bảo đảm thông thoáng trong quá trình triển khai về đấu thầu, xây dựng thiết kế nhưng xử lý đó chưa đồng bộ vì còn vướng Luật, mà kỳ này Quốc hội mới thông qua. Bộ trưởng cho rằng trong điều hành cũng có vấn đề. Trong tình hình giá cả tăng thì vượt vốn là đương nhiên. Chính phủ đã kịp thời cho các địa phương thực hiện với tình hình mặt bằng giá mới và tháo gỡ phần nào trong khó khăn.
Về giải ngân nguồn vốn 20.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Vân Yến (Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ dành bao nhiêu phần trăm ưu tiên cho giao thông và chú ý đến giao thông nông thôn, bao nhiêu phần trăm cho y tế; ưu tiên đặc biệt cho 61 huyện nghèo trong cả nước thoát nghèo; bao nhiêu cho giáo dục để nhanh chóng xây dựng được trường lớp khang trang cho khu vực miền núi, xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết khả năng giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ chung cả giao thông, thủy lợi là đến 18% kế hoạch 2009. Con số cụ thể về tỷ lệ phân bổ thì phải chờ QH có Nghị quyết, trong đó dự kiến phát sinh 8.000 tỉ đồng xây dựng nhà ở cho sinh viên, số còn lại chủ yếu tập trung cho giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi.
Quan tâm đến vấn đề người lao động mất việc và tạo việc làm mới cho người lao động, đại biểu Phương Hữu Việt (Bắc Ninh) đề nghị Bộ trưởng lý giải vì sao số doanh nghiệp phá sản ở nước ta nhiều nhưng số nộp đơn phá sản lại rất ít? Đại biểu cũng đề nghị cho biết thêm về tình hình thành lập doanh nghiệp mới 5 tháng đầu năm 2009 và giải pháp thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới vì đây là kênh thu hút việc làm hiệu quả và tương đối tốt? Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thừa nhận, phá sản doanh nghiệp đúng là vấn đề đang cần phải xem xét lại, kể cả trong luật. Hiện nay số doanh nghiệp tuyên bố phá sản theo Luật gần như chưa có, mà chỉ mất dần đi, thường được gọi là “doanh nghiệp ma” nhưng thực sự không phải mà do kinh doanh không được thì thôi, phá sản. Bộ trưởng cho biết cũng đã có kế hoạch trình sửa Luật phá sản. 5 tháng đầu năm 2009 có 34.800 doanh nghiệp đăng ký mới; số ngừng hoạt động là 2.400 doanh nghiệp, tương đối nhỏ. Theo Bộ trưởng, từ khi có Luật Doanh nghiệp, cả nước có 412.000 doanh nghiệp, trong đó số đang nộp thuế cho các cơ quan thuế địa phương là 345.000, tỷ lệ đang hoạt động là 83%, mất đi 17%, đối chiếu chung với một nước thì đây là tỷ lệ tốt. Có nước tỷ lệ ngừng hoạt động lên đến 70% sau 7 năm do việc đăng ký thành lập doanh nghiệp ở các nước rất đơn giản.
Liên quan đến gói kích cầu, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề Bộ Kế hoạch và Đầu tư có dự báo khả năng dung nạp của nền kinh tế và của xã hội đối với một gói kích cầu lớn như thế không? Mặt khác, gói kích cầu được phân chia thành nhiều gói nhỏ, nhưng chủ yếu rơi vào khối đầu tư công (chiếm 2/3), trong khi đó chỉ số ICOR năm 2007 là 5,2, năm 2008 tăng lên là 6,6, giải pháp gì đảm bảo hiệu quả sử dụng các gói kích cầu cho những dự án đầu tư, đặc biệt đầu tư công để đảm bảo khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, đảm bảo chất lượng tăng trưởng nền kinh tế? Giải đáp băn khoăn này của đại biểu Hòa, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nêu rõ: Gói kích cầu bỏ ra thực chất có 1 tỉ đô-la để hỗ trợ lãi suất, còn lại phần lớn là tiếp tục vốn 2008 chuyển sang, ứng của năm 2010 đưa về, tạm hoãn các khoản nợ, một phần nữa là vốn hỗ trợ người nghèo. Khả năng thực hiện của năm 2009 là được; đến 10-6, số thực hiện cho vay là 336.000 tỉ đồng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình hoạt động quản lý điều hành trong 5 tháng đầu năm 2009 và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Trả lời câu hỏi về tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội), Phó Thủ tướng cho biết, đến nay, cả nước đã tiến hành cổ phần hóa được 3.854 doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trước là các doanh nghiệp vừa, nhỏ, hoạt động không hiệu quả; các ngành nghề nhà nước không cần chi phối. Các doanh nghiệp Nhà nước nằm ở khu vực kinh tế quan trọng cần tới sự chi phối của Nhà nước để điều tiết kinh tế sẽ tiến hành từng bước vững chắc. Định hướng cho hoạt động cổ phần là các tập đoàn kinh tế lớn sẽ được cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn giữ vai trò chi phối, đảm bảo sự ổn định kinh tế, hiệu quả cao. Phó Thủ tướng thừa nhận, trong thời gian qua, hoạt động cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước có một số sơ hở, gây nên tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn vốn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước (hơn 1.500 doanh nghiệp và 94 tập đoàn kinh tế lớn) vẫn đang hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là nền kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Lực lượng doanh nghiệp nhà nước sẽ là lực lượng chủ công, giúp kinh tế nhà nước làm tốt vai trò trong nền kinh tế thị trường. Thực tế thời gian qua cho thấy, kinh tế nhà nước đã góp phần quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Trong thời gian tới, bên cạnh việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, vai trò hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, chúng ta phát triển mạnh kinh tế cổ phần, đa sở hữu, thể hiện tính dân chủ về kinh tế, tính xã hội cao về lực lượng sản xuất; đẩy mạnh doanh nghiệp vừa, nhỏ và thành phần kinh tế tư nhân, coi đây là loại hình kinh tế năng động, giải quyết tốt vấn đề xóa đói giảm nghèo, giải quyết tốt công ăn việc làm cho người lao động. Cần nâng cao vai trò, hiệu quả, đổi mới cơ cấu, hoạt động của các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế nhà nước.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Danh Út (Kiên Giang) về giải pháp của Chính phủ trước tình hình quản lý, sử dụng đất đai công sản hiện nay còn nhiều bất cập, Phó Thủ tướng khẳng định đất đai là công sản lớn. Tình trạng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích là tình trạng vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Chính phủ và Thủ tướng ý thức rất rõ vấn đề này và có nhiều chỉ đạo khắc phục như triển khai các biện pháp thực hiện Luật Đất đai một cách căn cơ; tiến hành các biện pháp kiểm soát vấn đề này ở cả Trung ương và địa phương; đẩy mạnh hiệu quả của hoạt động giám sát trong lĩnh vực này. Về chính sách hỗ trợ tài chính cho hoạt động sản xuất đối với nông thôn, nông nghiệp và nông dân, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ nông dân được vay vốn không lãi suất trong vòng hai năm. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Công thương xây dựng chính sách căn cơ hơn, phù hợp với tình hình. Chính phủ sẽ ban hành tiếp chủ trương hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, trong đó có việc hỗ trợ về giống cho người nông dân. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ triển khai nhiều biện pháp, trong đó có thể sẽ là việc tính toán công bố mức giá sàn của lúa, gạo ngay trước mùa sản xuất, đảm bảo người dân có lãi ít nhất 30% sau khi trừ chi phí. Hỗ trợ các công ty, nhất là hai Tổng công ty lương thực mua hết lúa theo giá sàn. Thủ tướng đã phân công các Bộ Nông nghiệp& Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài chính sẽ làm việc này. Sau này, khi nước ta có tiềm lực, khả năng sẽ làm thêm các nông sản khác.
* Sáng 13-6, phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này đã có chất lượng, tiếp tục có bước đổi mới, cải tiến theo chiều sâu hơn, thực chất hơn, được cử tri, nhân dân và dư luận xã hội đánh giá tốt. Nội dung các vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn đề cập đến các thời sự nóng hổi, bức xúc, phản ảnh đúng tâm tư nguyện vọng của cử tri, nhân dân, vừa mang tính cụ thể vừa bao quát mang tầm quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nắm bắt sát thực tiễn, lắng nghe kiến nghị của cử tri và nghiên cứu khá sâu để có những câu hỏi sắc sảo và theo sát các vấn đề thảo luận để tranh luận, trao đổi đi đến cùng. Nhiều vị Bộ trưởng, trưởng ngành đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng để trả lời một cách nghiêm túc, chân thành, thẳng thắn nhận trách nhiệm không né tránh, đùn đẩy. Kỹ năng chất vấn và trả lời chất vấn cũng có bước được nâng lên, hầu hết đều không đọc văn bản, hỏi và trả lời đều tập trung hơn theo một số nhóm đã được lựa chọn. Tính trao đổi, đối thoại lần này có tiến bộ hơn, chất vấn theo nhóm vấn đề rõ nét hơn, bước đầu khắc phục được tình trạng tản mạn, dàn trải. Việc báo cáo tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri là một nét mới của kỳ họp này, góp phần gắn kết, củng cố hơn nữa mối liên hệ của hoạt động Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân cả nước.
Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho rằng, bên cạnh mặt được ấy vẫn còn một số điều chưa làm được. Đó là cần tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; Nội dung một số câu hỏi vẫn chưa thật tập trung theo nhóm vấn đề đã xác định, một số vấn đề chưa được đào sâu phân tích mổ xẻ đến nơi đến chốn; Vẫn còn những trường hợp hỏi dài, hỏi không rõ ý, hỏi ra ngoài chủ đề đang tập trung hay vẫn còn những trường hợp trả lời theo kiểu giải thích chi tiết. Đó là điều các đại biểu cần rút kinh nghiệm, cần cố gắng cải tiến để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định chất vấn là vấn đề cần thiết và quan trọng nhưng hậu chất vấn còn quan trọng hơn bởi vì đây là khâu thực hiện và kiểm nghiệm hiệu quả của hoạt động chất vấn. Vì vậy, Chủ tịch đề nghị các vị được trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, sớm triển khai thực hiện các giải pháp, các lời hứa, thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc chức trách của mình, tích cực khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành kinh tế, xã hội và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp sau. Có những vấn đề không thể giải quyết ngày một ngày hai, nhưng Quốc hội và cử tri vẫn mong muốn Chính phủ và các vị Bộ trưởng, trưởng ngành hết sức cố gắng giải quyết có hiệu quả, tập trung dứt điểm một số vấn đề đã rõ, đã thấy chín muồi, hạn chế tình trạng phải chất vấn đi, chất vấn lại nhiều lần.
* Chiều 13-6, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại tổ cho ý kiến vào dự án Luật Viễn thông. Một trong những điểm mới quan trọng của dự án Luật Viễn thông là mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế trong kinh doanh viễn thông, đặc biệt là đối với lĩnh vực thiết lập hạ tầng mạng.
Các đại biểu cho rằng thị trường viễn thông trong nước thời gian qua đã phát triển khá sôi động và ngày càng mang tính cạnh tranh trên tất cả các loại hình dịch vụ. Mạng lưới viễn thông được mở rộng nhanh chóng và hiện đại hóa theo kịp trình độ các nước trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp viễn thông mới đã tham gia đầy đủ thị trường dịch vụ viễn thông và đang nhanh chóng khẳng định chỗ đứng trên thị trường,chú trọng đổi mới tổ chức quản lý kinh doanh để nâng cao khả năng cạnh tranh và chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực viễn thông còn buông lỏng, các doanh nghiệp chạy theo lợi ích kinh tế chưa chú trọng đến việc đảm bảo công tác an ninh mạng.... Để Luật Viễn thông đi vào thực tế đời sống, các đại biểu cho rằng ban soạn thảo cần có quy định cụ thể, rõ ràng vào một số vấn đề như tăng cường chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về viễn thông; thanh tra viễn thông; xây dựng quỹ dịch vụ viễn thông công ích...
Ngoài ra, nhiều ý kiến của các đại biểu QH cũng phân tích sâu về sự cần thiết ban hành luật; thể chế hóa đường lối chính sách trong lĩnh vực viễn thông; chia sẻ và sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông; quản lý tài nguyên viễn thông; cạnh tranh và các quy định nhằm phát triển thị trường viễn thông; bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ; bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin viễn thông.
NHÓM PV TTXVN