10/12/2017 - 15:59

Thực hiện Luật HTX năm 2012

Đề cao vai trò hạt nhân của giám đốc hợp tác xã 

Qua 5 năm triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, vùng ĐBSCL đã có nhiều HTX nông nghiệp điển hình, thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào và đầu ra, phục vụ tối đa lợi ích cho các thành viên. Song, muốn nâng cao chất lượng hoạt động cho HTX nông nghiệp, các bộ, ngành hữu quan và các địa phương cần hỗ trợ các HTX thực hiện các chế độ thù lao, đóng bảo hiểm cho cán bộ HTX, đào tạo được đội ngũ quản lý cán bộ HTX có tài và tâm huyết gắn bó với HTX. Đây sẽ nhân tố trọng yếu tác động đến sự tồn tại và phát triển của HTX nông nghiệp.

Những giám đốc HTX năng động

Các đại biểu tham quan sản phẩm lúa, gạo tại Hội nghị sơ kết Luật HTX năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ tổ chức vào cuối tháng 6-2017.

 

ĐBSCL hiện có khoảng 1.242 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm hơn 11% tổng số HTX cả nước. Trong đó, số HTX thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 đạt khoảng 70%. Việc chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 không chỉ giúp các HTX hoạt động hiệu quả vì lợi ích cho xã viên mà còn tạo động lực liên kết các HTX với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho hàng nông sản, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và hiệu quả kinh tế hợp tác tại vùng ĐBSCL. Quá trình chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, các HTX xây dựng quy chế hoạt động, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tổ chức họp định kỳ, báo cáo tài chính, chi tiêu, huy động và sử dụng vốn. Và để gắn kết trách nhiệm giữa các xã viên với HTX, mỗi thành viên vào HTX  đóng góp tối đa 20% trên tổng vốn điều lệ của HTX… Điều quan trọng trong chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 là cán bộ quản lý HTX nông nghiệp ngày càng năng động, biết tổ chức sản xuất liên kết giữa nông dân với HTX và doanh nghiệp, gắn từ gieo trồng đến chế biến và tiêu thụ. Nhờ có đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn và tâm huyết đưa HTX chuyển mình đi lên nên vùng ĐBSCL xuất hiện nhiều HTX điển hình, có quy mô hoạt động lớn, doanh thu đạt trên 10 tỉ đồng/năm. Ông Trần Hoàng An, Giám đốc HTX Nông nghiệp Evergrowth, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Hiện nay, số lượng đàn bò của HTX tăng tới hơn 11.000 con. Bình quân, mỗi ngày HTX thực hiện thu mua trên dưới 15 tấn sữa tươi từ các xã viên ở các huyện Trần Đề, Mỹ Tú, Châu Thành và TP Sóc Trăng. Ngoài thu mua sữa cho xã viên, HTX còn làm dịch vụ đầu vào, liên kết với các doanh nghiệp để cung cấp thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật thú y cho bò sữa bảo đảm chất lượng với giá thấp và thực hiện thu mua, chế biến và tiêu thụ sữa cho xã viên với giá ổn định. Nhờ đó, xã viên của HTX Nông nghiệp Evergrowth gia tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Có được kết quả này, đó là nhờ Ban Giám đốc HTX Nông nghiệp Evergrowth có nhiều nhiệt huyết trong việc vận động các hộ chăn nuôi bò cùng làm ăn chung, xây dựng chiến lược liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm. Điều trên hết là người đứng đầu HTX biết nắm bắt xu hướng thị trường, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và phục vụ lợi ích tối ưu của thành viên HTX.

Là người có nhiều tâm huyết cùng với kinh nghiệm sản xuất và am hiểu thị trường lúa giống ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận trong vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và có những bước tiến triển tốt. Để nâng chất hoạt động, Ban Giám đốc HTX thường tổ chức họp các thành viên và nông dân làm ăn với HTX cùng trao đổi kinh nghiệm, bố trí lịch sản xuất, phân loại giống lúa… Trong quá trình sản xuất, nhân viên có kinh nghiệm và chuyên môn sản xuất của HTX còn hướng dẫn nông dân canh tác theo đúng quy trình để đảm bảo chất lượng hạt giống được làm ra. HTX còn thực hiện báo cáo tài chính mỗi quý để các thành viên nắm được tình hình hoạt động kinh doanh của HTX. HTX còn thực hiện phân chia lợi nhuận dựa trên tổng vốn điều lệ, đơn vị canh tác của từng hộ và xã viên, bình quân lợi nhuận xã viên đạt khoảng 50%. Hiện HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt đầu tư làm giàn khoan, lắp máy sàn, ứng dụng máy cấy, có 3 lò sấy với công suất sấy 90 tấn/ngày, kho dự trữ giống có sức chứa trên 1.200 tấn… để nâng cao chất lượng và giá trị hạt giống, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Chú trọng năng lực nhân sự HTX

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thi hành Luật HTX năm 2012,  đại diện Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: Tập đoàn thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư giống, phân, thuốc, ký kết hợp đồng mua lúa tươi ngay từ đầu vụ, tập huấn kỹ thuật chuyển giao công nghệ cho nông dân, vận chuyển lúa từ đồng ruộng về nhà máy và sấy lúa miễn phí cho nông dân. Đặc biệt, vào thời điểm thu hoạch nếu giá lúa tăng hoặc giảm quá nhiều so với lúc ký kết ban đầu, doanh nghiệp và nông dân cùng thương thảo thống nhất giá bằng cách tăng thêm hoặc giảm bớt, tương ứng 50% phần chênh lệch giữa giá thị trường và giá trong hợp đồng. Hằng năm, Tập đoàn Lộc Trời có từ 35.000-95.000ha diện tích trồng lúa và hợp tác sản xuất với 15.000-20.000 hộ nông dân thông qua 400 tổ liên kết sản xuất. Năm 2015, Tập đoàn Lộc Trời đã phối hợp với các tỉnh vùng ĐBSCL thực hiện thí điểm 7 mô hình HTX kiểu mới, hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Theo đó, Tập đoàn Lộc Trời cử 2 nhân viên hỗ trợ cho các HTX, 1 người giữ chức vụ là giám đốc và phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, còn chủ tịch hội đồng quản trị HTX sẽ do các xã viên đề cử. Điển hình trong mô hình HTX này là HTX Nông nghiệp An Bình, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, có diện tích canh tác trên 500ha, với 90 thành viên. HTX chuyên thực hiện các vực dịch vụ cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ phung xịt thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ cài xới, thu hoạch và tiêu thụ lúa, nông sản cho xã viên. Từ đó, Tập đoàn Lộc Trời rút ra bài học là doanh nghiệp cử người hỗ trợ củng cố HTX cho đến khi HTX mạnh lên và có thể tự tổ chức sản xuất theo quy trình mà doanh nghiệp đưa ra, cung ứng hàng hóa đồng nhất và đảm bảo chất lượng với khối lượng lớn. Điều này, giúp doanh nghiệp giảm đầu mối ký kết hợp đồng và chi phí quản lý.

Đa phần, các HTX chuyên trồng cây ăn trái, sản xuất rau củ, quả “sạch” ở vùng ĐBSCL khó tìm thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả bấp bênh, hàng hóa thiếu sự đa dạng để cung ứng theo nhu cầu của thị trường. Ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc HTX rau an toàn Hòa Phát, quận Ô Môn, cho biết: Gần đây, nhiều cửa hàng chuyên doanh rau củ, quả an toàn ở quận Ninh Kiều, Bình Thủy đặt mua rau muống của HTX với số lượng từ 40-50kg/ngày. Con số này tăng gấp đôi so với trước, nhưng vẫn còn rất nhỏ so với sản lượng sản xuất của HTX là 3 tấn rau muống/ngày. Cái khó của xã viên trong HTX chi phí sản xuất rau muống theo hướng an toàn cao mà giá bán chỉ từ 5.000-8.000 đồng/kg và chủ yếu do thương lái quyết định. Đây là nỗi trăn trở của nhiều bà con HTX Rau an toàn Hòa Phát. Vì thế,  HTX chủ động mang sản phẩm đi giới thiệu tại nhiều hội chợ trong và ngoài thành phố nhằm tìm kiếm cơ hội làm ăn với doanh nghiệp. Qua những chuyến đi hội chợ, hội nghị liên kết cung - cầu, HTX Rau an toàn Hòa Phát đã có nhiều cơ hội gặp gỡ, trao đổi về quy trình canh tác và nhu cầu bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Nhưng khi doanh nghiệp yêu cầu HTX mỗi ngày vận chuyển 500kg rau muống lên TP Hồ Chí Minh thì HTX không thể đáp ứng được. Bởi HTX thiếu điều kiện bảo quản sản phẩm trong quá trình vận chuyển mà phí lại khá cao thế là liên kết bị “gãy”.

“Điểm nghẽn” của các HTX nông nghiệp không chỉ là vốn ít, cơ sở vật chất hạn chế mà còn do trình độ cán bộ quản lý HTX còn thấp, chưa đáp ứng tốt được yêu cầu sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Đa phần, các HTX nông nghiệp trong vùng ĐBSCL chưa quan tâm đào tạo nghiệp vụ, thực hiện các chế độ thù lao, đóng bảo hiểm cho nhân viên HTX để thu hút lực lượng người lao động trẻ có chuyên môn, nghiệp vụ vào làm việc tại các HTX nông nghiệp.

Để các HTX nông nghiệp có những bứt phá, nâng cao hiệu quả hoạt động trong nền kinh tế thị trường, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ quản lý, kỹ năng đàm phán, xây dựng hợp đồng kinh tế, nắm bắt thông tin và nhu cầu thị trường, định hướng tới xây dựng hệ thống phân phối… cho cán bộ quản lý HTX. Song song đó, các HTX nông nghiệp cũng cần xây dựng đội ngũ kế cận, có đủ trình độ chuyên môn cao, biết lập kế hoạch sản xuất, chọn mặt hàng nông sản có lợi thế và thị trường tiêu thụ tốt để ưu tiên phát triển. Điều quan trọng là những nhân tố kế thừa trong HTX phải có tâm huyết sát cánh cùng nông dân mọi lúc, mọi nơi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, giúp nông dân khắc phục sự thua thiệt trong giao dịch mua bán trên thị trường, gia tăng sức mạnh liên kết các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản.

Bài, ảnh: M.HOA

Chia sẻ bài viết