19/02/2020 - 08:43

Tham gia Công ước Thị trưởng toàn cầu về Khí hậu và Năng lượng

Để Cần Thơ phát triển bền vững 

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới. Cùng với các địa phương trong cả nước, TP Cần Thơ đã và đang nghiên cứu, áp dụng các giải pháp chủ động ứng phó. Thành phố tham gia ký kết các công ước quốc tế nhằm góp phần giảm khí nhà kính, hành động ứng phó với BĐKH hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững…

Một góc đô thị Cần Thơ.

►Cam kết hành động

Tháng 2-2019, TP Cần Thơ ký kết tham gia Công ước Thị trưởng toàn cầu về Khí hậu và Năng lượng (GCoM). Đây là liên minh lớn nhất thế giới của các đô thị và chính quyền địa phương với tầm nhìn chung dài hạn về việc thúc đẩy và hỗ trợ hành động tự nguyện để ứng phó với BĐKH và hướng tới tương lai với lượng phát thải thấp và thích ứng với BĐKH. Đến nay, GCoM có sự tham gia của hơn 9.200 đô thị mọi quy mô trên 6 châu lục và hơn 131 quốc gia, chiếm gần 10% dân số thế giới. Thông qua GCoM, các đô thị và chính quyền địa phương tự nguyện cam kết ứng phó với BĐKH, thể hiện các cam kết mà chính phủ của họ đã đặt ra để đảm bảo đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris.

Tham gia GCoM, TP Cần Thơ đã thống nhất thực hiện các cam kết, bao gồm: thực hiện các chính sách, biện pháp nhằm giảm, hạn chế phát thải nhà kính; chuẩn bị cho các tác động của BĐKH; tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng bền vững và theo dõi tiến độ thực hiện những mục tiêu này.

Ông Pier Roberto Remitti, chuyên gia cao cấp của IUC (International Urban Cooperation) châu Á, cho biết: Cam kết GCoM không chỉ là những hành động mạnh mẽ mà còn là sát cánh với các đô thị khác trên thế giới để chia sẻ các giải pháp sáng tạo cho phép các thị trưởng làm được nhiều hơn và nhanh hơn. Các đô thị tham gia Công ước GCoM có cơ hội kết nối và chia sẻ kiến thức, ý tưởng, cùng sự tham gia hỗ trợ của các bên liên quan trong vùng. Ngoài các đô thị, chính quyền địa phương, GCoM còn có sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ sẽ hỗ trợ các đô thị thực hiện các cam kết trên.

Để ứng phó với BĐKH, phát triển bền vững, thời gian qua TP Cần Thơ đã và đang triển khai hàng loạt dự án, chương trình, kế hoạch. Tuy nhiên, khó khăn trong quá trình thực hiện chính là hạn chế về nguồn lực, kể cả kinh phí và nhân lực; đồng thời, sự tham gia của cộng đồng chưa cao. Bà Châu Thị Kim Thoa - Chánh Văn phòng Công tác BĐKH thành phố Cần Thơ, cho biết: Tham gia GCoM, Cần Thơ mong muốn nâng cao nhận thức về phát triển và thực thi các chính sách ứng phó BĐKH. Học hỏi các yếu tố chính tạo nên thành công trong các giải pháp can thiệp BĐKH thông qua cộng đồng. Bên cạnh đó là kinh nghiệm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch ứng phó BĐKH; đặc biệt là phương pháp kiểm kê phát thải, hiện thành phố chưa thực hiện được. Thông qua GCoM, kết nối hoặc lồng ghép với quá trình thực hiện các nhiệm vụ trong các kế hoạch của thành phố đã và đang triển khai…

►Hỗ trợ

Theo thỏa thuận, chính quyền địa phương cần gửi báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho GCoM trong vòng 2 năm sau kể từ khi gia nhập và tiếp theo cứ hai năm một lần theo một khung báo cáo chung. Bên cạnh đó là kế hoạch hành động về BĐKH để cùng các đô thị trong mạng lưới thực hiện hướng đến mục tiêu chung. TP Cần Thơ là một trong những đô thị đầu tiên của Việt Nam tham gia GCoM, vì vậy, báo cáo về phát thải khí nhà kính khá mới mẻ. Trong chuyến làm việc mới đây, Chương trình Định cư Con người Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat) đề xuất hỗ trợ TP Cần Thơ xây dựng báo cáo, cũng như kế hoạch ứng phó BĐKH, phát triển đô thị…

UN-Habitat đang hỗ trợ chính phủ Việt Nam giải quyết những thách thức về nhà ở và phát triển đô thị. Các chương trình và dự án của UN-Habitat tập trung vào đô thị hóa bền vững. Bà Laids Cea, UN-Habitat Vùng châu Á- Thái Bình Dương, cho biết: Các cam kết từ GCoM phù hợp với các mục tiêu và định hướng của UN-Habitat. Cần Thơ là một trong 3 thành phố của Việt Nam được lựa chọn thí điểm hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động ứng phó BĐKH. Trong đó, UN-Habitat sẽ trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật cho thành phố nâng cao năng lực cũng như xây dựng khung báo cáo chung về phát thải khí nhà kính cũng như kế hoạch hành động ứng phó BĐKH…

Theo ông Nguyễn Quang, Giám đốc UN-Habitat Việt Nam, việc xây dựng khung cam kết phù hợp với các tiêu chí quốc tế sẽ giúp nhiều cho thành phố khi tiếp cận hỗ trợ kỹ thuật cũng như học hỏi, tìm kiếm nguồn lực cho đầu tư Kế hoạch ứng phó với BĐKH ở Cần Thơ và khu vực ĐBSCL… UN-Habitat cam kết thực hiện nhiệm vụ này thông qua chương trình phối hợp giữa thành phố với UN-Habitat. Đồng thời mong muốn chính quyền thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo xây dựng các công việc chuẩn bị cho báo cáo chung.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng khẳng định: TP Cần Thơ nghiêm túc thực hiện các cam kết GCoM. Xây dựng chương trình đô thị và kế hoạch hành động về BĐKH là các vấn đề TP Cần Thơ quan tâm thực hiện trong thời gian tới khi tham gia vào GCoM. Để thực hiện theo yêu cầu của GCoM, đề nghị UN-Habitat hỗ trợ thành phố xây dựng kế hoạch hành động khí hậu, phát triển đô thị và các báo cáo về khí nhà kính. Thời gian tới, hai bên sẽ có kế hoạch phối hợp cụ thể cùng triển khai các công việc để các cam kết GCoM sớm đạt hiệu quả…

Bài, ảnh: LẠC MẪN

Chia sẻ bài viết