15/10/2015 - 20:35

Để các làng nghề trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số không mai một

Sự phát triển chung của kinh tế- xã hội ở ĐBSCL đã giúp hình thành nhiều làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), được truyền từ đời này sang đời khác, với những nét đặc sắc rất riêng. Thời gian qua, vấn đề bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống được cấp ủy, chính quyền các địa phương và đồng bào DTTS trong vùng quan tâm thực hiện.

Hình ảnh chiếc giường tre trước hiên nhà của bà con người Khmer không chỉ là hình ảnh quen thuộc ở tỉnh Trà Vinh mà còn là hình ảnh phổ biến ở các địa phương khác nơi có nhiều đồng bào Khmer sinh sống. Những buổi chiều muộn, bà con thường dọn cơm ra trước hiên nhà, trên chiếc giường tre mộc mạc, để cùng ăn. Chiếc giường tre cũng là nơi chủ - khách cùng ngồi uống trà, bàn việc đồng áng. Vào những buổi trưa hè oi bức, chiếc giường tre còn giúp chủ nhà có giấc ngủ thật say dưới làn gió mát của hàng tre quanh nhà… Ở các chợ xã của huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, chiếc giường tre loại nhỏ, còn gọi là chõng tre, là nơi bà con bày bán thực phẩm, rau củ các loại. Chõng tre cao ráo nên rất thuận tiện trong mua bán… Có thể nói, hình ảnh chiếc giường tre hay chõng tre đã trở thành nét riêng, rất quen thuộc ở nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Phần lớn chõng tre, giường tre bán ở Trà Vinh và các tỉnh lân cận được làm từ bàn tay người thợ ở huyện Trà Cú. Theo các vị cao niên ở ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, nghề làm giường tre ở Trà Cú có từ nhiều đời. Điểm đặc biệt là từ rất lâu, bà con đã biết chia sẻ công việc theo công đoạn để cùng hoàn thành một sản phẩm tùy theo năng lực và khả năng kinh tế của từng người. Người thì nhận chẻ nẹp và vuốt nẹp, người thì ra chân, người mang giường đi bán khắp nơi… Tuy thu nhập từ nghề làm giường tre không cao, nhưng ổn định mà không cần phải dãi nắng dầm mưa.

 Dệt thổ cẩm ở Phủm Soài.

 Chị Châu Thị Bích Phượng vẫn giữ nghề truyền thống đóng giường tre.

Ở ấp Trà Tro B hiện còn hơn 10 hộ làm giường tre và vẫn sống được với nghề. Ở đây, bà con chủ yếu làm ra sản phẩm giường tre và một số sản phẩm đơn giản khác từ tre, chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ, nhưng cũng có người "nuôi" quyết tâm phát triển nghề truyền thống này như vợ chồng chị Châu Thị Bích Phượng. Chị Phượng kể, ban đầu chị kinh doanh giường tre chỉ vì kế tục nghề truyền thống của gia đình. Làm một thời gian, chị nhận thấy cây tre không đơn thuần chỉ để làm giường mà còn có thể sản xuất được nhiều mặt hàng gia dụng khác nếu nắm được kỹ thuật bảo quản tốt; đồng thời sản phẩm từ cây tre rất được ưa chuộng. Vì vậy, năm 2011, hai vợ chồng chị Phượng lên Tây Ninh học kỹ thuật bảo quản sản phẩm và cách làm salon, bàn ghế bằng tre… Giờ chị đã biết cách bảo quản sản phẩm có thể sử dụng trên 10 năm mà không bị mối mọt. Nhiều công đoạn sản xuất cũng được thay thế điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, như hầu hết chân ghế, chân bàn… đều được vợ chồng chị Phượng bắn tán và bắt ốc thay vì dùng đinh đóng "chết" như trước… Nhờ sự cải tiến này, các sản phẩm của chị Phượng đang dần tạo được tiếng vang. Chị Phượng phấn khởi cho biết: "Vừa rồi, tôi bán được các bộ salon bằng tre cỡ lớn, nhỏ và mấy chục cái giường cho một khu du lịch sinh thái ở TP Cần Thơ. Cũng tại TP Cần Thơ, một số quán ăn đang sử dụng bộ bàn ghế bằng tầm vông của cơ sở sản xuất, phản hồi tốt. Hiện một doanh nghiệp ở Bến Tre đang đặt chúng tôi làm 200 cái ghế tầm vông…". Hiện cơ sở sản xuất của chị Phượng bảo đảm công việc, nuôi ăn, ở tại cơ sở cho 5 nhân công.

Theo anh Kim Ngọc Sương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, ở Trà Cú còn có một làng nghề khá thành danh, đó là làng nghề đan đát ở xã Đại An. Nghề đan đát ở Đại An có truyền thống hơn 100 năm và được truyền từ đời này sang đời khác. Những năm gần đây, nghề truyền thống của bà con đồng bào dân tộc Khmer ở Đại An không ngừng phát triển, sản phẩm được mang đi bán ở nhiều nơi. Đến năm 2008, làng nghề đan đát ở Đại An được Hiệp hội làng nghề Việt Nam trao bằng chứng nhận làng nghề tiêu biểu Việt Nam… Hầu hết các ấp ở Đại An đều có đan đát nhưng tập trung nhiều nhất tại ấp Giồng Đình. Thú vị là ở chỗ, tuy cùng làm nghề đan đát nhưng mỗi nhóm nhà trong ấp lại đan những sản phẩm khác nhau. Những nhà ở đầu ấp Giồng Đình hầu như chỉ đan đồ thủ công mỹ nghệ dùng để trang trí, như: rọ, bình bông mini...; các gia đình ở giữa ấp, bà con đan rổ, giỏ tổ chim, thúng; dần đến các hộ cuối ấp, bà con đan cần xé… Chị Tăng Thị Mạnh, ở Giồng Đình cho biết: "Chùm sản phẩm khoảng 10 cái, bao gồm: rọ, bình bông, lồng chim… tất cả đều được đan bằng lồ ổ rất nhỏ, xinh xắn để trang trí sẽ được hoàn thành trong một ngày, trừ chi phí, tôi cũng kiếm được vài chục ngàn". Những năm gần đây, người đan đát ở Đại An không còn tự mang sản phẩm đi bán ở các chợ nữa mà có cả một hệ thống thu gom và bán khắp các tỉnh ĐBSCL và cả TP Hồ Chí Minh.

Ở An Giang lại nổi tiếng với làng nghề dệt thổ cẩm ở ấp Phủm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu của bà con dân tộc Chăm và Hợp tác xã dệt Văn Giáo ở huyện Tịnh Biên của bà con dân tộc Khmer. Theo chị Mari Dâm, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong, xã đã chủ động phối hợp với Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh xây dựng làng nghề dệt thổ cẩm Phủm Soài làm điểm du lịch để thu hút du khách khi đến An Giang. Tuyến du lịch TP Châu Đốc dọc theo dòng Châu Giang đến Phủm Soài xem thợ dệt và mua sắm các sản phẩm tinh xảo, như: xà rông, khăn choàng, nón, áo, bóp,….với giá phải chăng đang thu hút nhiều du khách. Việc xây dựng thành công làng nghề đã giúp cho hàng trăm lao động nữ ở địa phương có việc làm ổn định. Nhiều hộ còn khá lên nhờ kinh doanh các sản phẩm dệt thổ cẩm ở địa phương. Chị Mari Giá, thợ dệt ở Phủm Soài, nói: "Tôi tập dệt từ năm 10 tuổi nên nghề dệt thổ cẩm đã ăn sâu vào tâm thức, thành thói quen. Lúc nghề dệt khó khăn, không ai mua sản phẩm, tôi xin đi làm công nhân mà nhớ nghề lắm. Nghe nói Nhà nước hỗ trợ 1,5 triệu đồng để mua khung cửi và tổ chức tập huấn làm các sản phẩm mới, hiện đại để dễ tiêu thụ, tôi quay lại với nghề ngay. Bây giờ, thu nhập từ nghề dệt tuy không cao nhưng ổn định, điều quan trọng là được sống với nghề truyền thống, yêu thích của mình".

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật cho ra đời các sản phẩm hiện đại đang làm cho nhiều làng nghề dần bị mai một. Thế nhưng, bằng nhiều cách, các làng nghề truyền thống của bà con DTTS ở ĐBSCL vẫn phát triển ổn định. Đó cần được xem là điển hình để nhân rộng, nhất là trong bối cảnh các tỉnh, thành phố trong vùng đang tập trung thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay; và hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa riêng của người dân nơi vùng đất Chín rồng.

Theo ông Trần Quốc Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang, tùy thực tế địa phương mà Ban Dân tộc phối hợp hỗ trợ phát triển làng nghề một cách phù hợp. Nếu làng dệt Phủm Soài làm du lịch do gần chợ Châu Đốc và nằm bên dòng Châu Giang thơ mộng thì ở Văn Giáo, tỉnh hỗ trợ bà con phát triển thành Hợp tác xã dệt Văn Giáo ngay sau khi Văn Giáo được công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp năm 2002 và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Ông Thanh cho biết: "Hiện nay, Hợp tác xã dệt Văn Giáo có khoảng 300 hội viên. Nhờ làm tốt công tác quảng bá và nâng cao chất lượng sản phẩm nên sản phẩm của hợp tác xã được mang đi bán ở khắp nơi trong cả nước và đang được xuất khẩu sang một số nước. Nhờ nghề dệt mà nhiều hộ ở Văn Giáo đã thoát nghèo". Theo chị Neáng Som, ở xã Văn Giáo, nhờ các lớp tập huấn nâng cao tay nghề dệt của tỉnh tổ chức mà chị em hội viên tự tin nâng cao chất lượng sản phẩm. Bây giờ, các sản phẩm đẹp hơn, bóng hơn. Đặc biệt sản phẩm khăn hình ở Văn Giáo rất nổi tiếng, bán được giá khá cao. Cũng theo ông Thanh, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng để trang bị các khung cửi và tập huấn kỹ thuật cho hội viên để phát triển nghề dệt thổ cẩm. Nhìn chung sự đầu tư của tỉnh đã phát huy hiệu quả, hầu hết hội viên đã sống được với nghề, có thu nhập ổn định nên nhiều hộ đã thoát nghèo.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết