13/03/2019 - 14:32

ĐBSCL khẩn trương phòng chống cháy rừng 

Hiện đang vào cao điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng kéo dài, ẩm độ thấp làm cho nhiều cánh rừng tại ĐBSCL kiệt nước và liên tục tăng cấp báo cháy. Công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) đang được các cấp chính quyền và người dân thực hiện rất khẩn trương.

Lực lượng kiểm lâm huyện Tri Tôn (An Giang) tuần tra bảo vệ rừng trong mùa khô năm nay. 

Liên tục nâng cấp báo cháy

Những ngày này, tại khu vực Núi Dài (xã An Phú, huyện Tịnh Biên, An Giang) các đám cỏ dưới tán rừng đã chuyển màu vàng khô nên rất dễ cháy. Ông  Nguyễn Văn Phố, một người dân ở khu vực này, cho biết, nhà ông có 2,5ha đất rừng. Do nắng nóng kéo dài, ông và các hộ dân xung quanh luôn cảnh giác cao trong việc PCCR. “Năm nay, nắng nóng nhiều hơn nên rừng dễ cháy, tôi và bà con không thể chủ quan, phải dự trữ nước để chủ động khi có tình huống xấu. Riêng tôi đã dự trữ 3 bồn nước, mỗi bồn khoảng 10m3. Đặc biệt, thời điểm này ngành chức năng báo động cháy rừng cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), nên chúng tôi thường xuyên tới lui trong rừng. Khi gặp khách hành hương thì tuyên truyền để họ đừng vứt tàn thuốc và cắm nhang bừa bãi dễ dẫn đến cháy rừng”- ông Phố nói.

Ông Lý Vĩnh Định, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn, cho biết ở thời điểm hiện nay, tại vùng Bảy Núi, nhiệt độ tăng lên 35- 360C, nguy cơ cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm. Riêng năm nay, các cánh rừng ở đồng bằng lại nguy hiểm hơn đồi núi vì mực nước ngầm đang xuống rất thấp. “Rừng đồng bằng cháy rất nhanh, chỉ ùa chút xíu là mất mấy trăm héc-ta, cho nên lực lượng kiểm lâm phải túc trực, triển khai các dụng cụ chữa cháy, phương tiện xuống địa bàn và thường xuyên kiểm tra nhắc nhở người dân phải có ý thức bảo vệ rừng”- ông Định chia sẻ.

An Giang hiện có gần 17.000ha rừng và đất lâm nghiệp, gồm vùng đồi núi và đồng bằng. Trong đó, hơn 7.200ha nằm trong vùng trọng điểm cảnh báo cháy cấp 5, chiếm hơn 43% tổng diện tích tập trung ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn và TP Châu Đốc. Chi cục Kiểm lâm An Giang cảnh báo hiện nhiệt độ lúc 13 giờ hằng ngày tăng cao, nắng nóng gay gắt, các vật liệu cháy dưới tán rừng đã khô, độ ẩm rất thấp, lượng nước dưới các kênh đang dần khô kiệt, vì vậy rất dễ bắt lửa gây cháy lớn và lan nhanh trên diện rộng. Ngành Kiểm lâm An Giang đã nâng mức báo động cháy rừng lên cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), đồng thời xây dựng các phương án, bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy để ứng trực 24/24 giờ.

Tại Cà Mau, tính đến thời điểm này có trên 33.098ha rừng tràm bị khô hạn, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; trong đó, báo cháy cấp 2 là 21.817ha, cấp 3 là 10.582ha và cấp 4 là 700ha. Dự báo trong những ngày tới, diện tích rừng bị khô hạn còn tiếp tục tăng nhanh cả về diện tích và cấp báo động. Trong khi đó, công tác PCCR gặp khó khăn do một số hộ dân trên khu vực vùng đệm vào rừng lấy ong, săn bắt động vật. Một số công ty thuê đất nằm đan xen trong các lâm phần chỉ thuê người quản lý, lực lượng mỏng, thiếu máy móc, trang thiết bị chữa cháy. Ngoài ra, nhiều hộ dân trong diện giao khoán đất rừng đi làm ăn xa, ảnh hưởng đến công tác huy động lực lượng tham gia PCCR.

Long An hiện có hơn 24.000ha rừng. Phần lớn diện tích rừng chủ yếu là rừng tràm xen cỏ dại, tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười, vì vậy khả năng xảy ra cháy rừng rất cao. Trước tình hình trên, tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; xác định bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong suốt mùa khô, bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy rừng gây ra. 

Thực hiện phương châm 4 tại chỗ

Để làm tốt công tác PCCR, Chi cục Kiểm lâm An Giang đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức triển khai 35 phương án PCCR từ cấp huyện đến cấp xã; trang bị 4 xe tải phục vụ vận chuyển lực lượng khi có sự cố; 65 xuồng và vỏ lãi, hơn 130 máy chữa cháy cải tiến, gần 11.000 dụng cụ: thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa,… bố trí các phương tiện, máy móc và dụng cụ thô sơ phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, xây dựng đường băng cản lửa; đốt chủ động, chống cháy lan với tổng diện tích 23ha. Ngoài ra, đối với những khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, đẩy mạnh tuyên truyền về PCCR cho cộng đồng dân cư ở những nơi có đông khách du lịch, khách hành hương. Tăng số lần tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn- những nơi có đông khách du lịch để du khách cũng như người dân hiểu và tích cực tham gia PCCR.

Ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang, cho biết: Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Chi cục đã xây dựng, triển khai các phương án bảo vệ, PCCR trên địa bàn; khoanh vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm phối hợp với công an, quân sự xã thực hiện tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm, tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng dân cư, phát thanh lưu động, dán các bảng pa nô, áp phích với mục tiêu cố gắng là không để xảy ra cháy rừng; nếu cháy, huy động các lực lượng để kịp thời dập tắt, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Theo ông Hùng, để PCCR hiệu quả, ngoài nỗ lực của các lực lượng chức năng, đòi hỏi cần nâng cao ý thức của người dân, từ đó mới có thể hạn chế được nguy cơ xảy ra cháy rừng trong mùa khô năm nay.

Trong chuyến kiểm tra công tác PCCR mới đây, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cũng nhắc nhở các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng phải thường xuyên vận hành, sửa chữa máy móc và các trang thiết bị; thường xuyên kiểm tra tình hình khô hạn, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong PCCR. Thực hiện nghiêm các phương án PCCR đã được cấp trên phê duyệt theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ). Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, lực lượng trong kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện các trường hợp vào rừng trái phép.

Tại Kiên Giang, để chủ động PCCR, lực lượng chức năng tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ trong ngày, canh phòng ở những khu rừng trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao; hướng dẫn quản lý chặt chẽ người dân sử dụng lửa khu vực tiếp giáp với rừng; thực hiện rà soát, xây dựng các phương án bảo đảm thực hiện tốt 4 tại chỗ; gia cố các cống điều tiết nước, đắp đập đảm bảo giữ nước, chống rò rỉ trong suốt mùa khô. Triển khai bơm bổ sung nước từ vùng thấp lên vùng cao. Xác định phân vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao với diện tích 1.115ha để chủ động bố trí lực lượng ứng trực trong suốt mùa khô. Triển khai dọn thực vật trên các tuyến kênh, tổ chức phát dọn 20 đường tuyến tại các khu vực có nguy cơ cháy cao; phân lô, cắm mốc để cơ động lực lượng tiếp cận đám cháy khi có cháy rừng xảy ra.

Mới đây, trong chuyến khảo sát thực tế công tác PCCR tại Vườn quốc gia U Minh Thượng, khu vực rừng phòng hộ hai huyện An Biên và An Minh, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị Kiên Giang chủ động PCCR cho Vườn quốc gia Phú Quốc bởi đây là khu vực rừng trên cạn, có trên 12.000ha rừng có nguy cơ cháy cao. Cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu khi phát hiện cháy, vận động người dân nêu cao ý thức bảo vệ rừng, đặc biệt PCCR, giữ an toàn hệ sinh thái rừng.

Bài, ảnh: Bình Nguyên

Chia sẻ bài viết