05/01/2010 - 20:59

Giám đốc Sở Công Thương tp Cần Thơ Nguyễn Ngọc Minh:

Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển

 

Thương mại điện tử (TMĐT) là hình thức thương mại tiện ích, được nhiều nước trên thế giới ứng dụng. Việc ứng dụng TMĐT trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả ban đầu khả quan. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi cùng đồng chí Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công thương, về vấn đề này.

* Thưa đồng chí, TMĐT có tác động như thế nào đối với sự phát triển của các doanh nghiệp (DN), nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay?

- TMĐT là việc tiến hành một phần hay toàn bộ hoạt động thương mại bằng những phương tiện điện tử. Như vậy về bản chất, TMĐT vẫn là hoạt động thương mại truyền thống. Đối với thế giới thì TMĐT được xem là hình thức giao dịch phổ biến và hữu ích do TMĐT mang lại sự tiết kiệm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho DN khi thực hiện các giao dịch thương mại. Giao dịch trên Internet có chi phí rất thấp, một DN có thể gửi thư điện tử chào hàng đến hàng trăm khách hàng, từ quốc gia này đến quốc gia khác và không bị giới hạn bởi thời gian, không gian địa lý. Điều này cho phép các DN tiết kiệm chi phí khi đi lại, thời gian gặp mặt trong mua bán. Với người tiêu dùng, họ có thể tìm kiếm, mua sắm sản phẩm, dịch vụ thuận lợi và nhanh chóng ngay khi ngồi ở nhà.

Hiện nay, khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các DN Việt Nam nói chung và của TP Cần Thơ nói riêng cần nắm bắt kịp thời, vận dụng những thế mạnh của TMĐT để ứng dụng vào hoạt động kinh doanh góp phần thúc đẩy sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

 Áp dụng TMĐT sẽ giảm áp lực dùng tiền mặt để thanh toán khi mua bán hàng hóa. Ảnh: A.K

Năm 2006 là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2006-2010 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg. Nhiều bộ, ngành và địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các chính sách và giải pháp như: Đào tạo và tuyên truyền, phổ cập về TMĐT; hoàn thiện hệ thống pháp luật; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện giao dịch điện tử trong mua sắm của Chính phủ. Triển khai công nghệ hỗ trợ TMĐT, thực thi các quy định pháp luật liên quan tới TMĐT; hợp tác quốc tế về TMĐT.

* Như vậy, ngành Công thương TP Cần Thơ đã có kế hoạch, chương trình hành động gì để phát triển hình thức TMĐT?

-Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Sở Công thương TP Cần Thơ đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng Kế hoạch 34/KH-UBND ngày 10/12/2007 về phát triển TMĐT của TP Cần Thơ giai đoạn từ 2007 đến năm 2010. Đây là “kế hoạch khung” trong phát triển hình thức TMĐT trên địa bàn thành phố. Mục tiêu của kế hoạch là tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức về TMĐT cho cán bộ, công chức trong cơ quan quản lý nhà nước, DN và người dân hiểu rõ sự cần thiết và lợi ích của việc ứng dụng TMĐT trong sản xuất và kinh doanh. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo về tiếp thị trên mạng nhằm giúp nắm vững cách thức tham gia và kinh doanh bằng TMĐT; phát triển dịch vụ thương mại công trực tuyến để phục vụ DN và người dân thành phố. Tổ chức thực thi các quy định pháp luật liên quan tới TMĐT; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới thương mại trên mạng Internet. Nhằm hỗ trợ cho các DN tham gia và ứng dụng TMĐT, Sở Công thương Cần Thơ đã ký Biên bản ghi nhớ với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Bộ Công thương để phối hợp xây dựng sàn giao dịch lúa, gạo và các sản phẩm nông sản khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực hiện giao dịch trên môi trường mạng.

UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển TMĐT của thành phố giai đoạn 2007-2010; xây dựng kế hoạch hàng năm và phối hợp với các sở, ngành liên quan để triển khai thực hiện.

* Thưa đồng chí, sau một thời gian thực hiện, thành phố đã đạt được những hiệu quả gì trong ứng dụng TMĐT?

- Sau 2 năm triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN về TMĐT đã đạt được một số kết quả ban đầu khá khả quan. Sở Công thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Trung tâm Công nghệ phần mềm Cần Thơ tổ chức 3 chương trình hội thảo về TMĐT, thu hút hơn 350 đại biểu ở các sở, ban, ngành, DN trên địa bàn thành phố tham dự, với các nội dung tổng quan về TMĐT, các mô hình TMĐT tại Việt Nam hiện nay; lợi ích khi ứng dụng TMĐT vào hoạt động kinh doanh; phổ biến các văn bản pháp luật, các nghị định và thông tư liên quan đến lĩnh vực TMĐT như giao dịch điện tử, chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ số, kỹ năng marketing trực tuyến, hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử eCoSys. Đồng thời, giới thiệu một số DN Việt Nam đã triển khai và ứng dụng TMĐT hiệu quả, giải pháp bảo mật dữ liệu, những vấn đề cần lưu ý khi thực hiện các giao dịch thanh toán qua mạng. Sở Công thương cũng đã tổ chức các đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm về TMĐT tại TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai,... hỗ trợ “Cẩm nang thương mại điện tử” và tài liệu về TMĐT cho DN... Ngoài ra, Sở Công thương còn hỗ trợ DN tham gia cổng giao dịch TMĐT quốc gia www.ecvn.com (ECVN) do Bộ Công thương quản lý. Cũng cần nói thêm, ECVN chính thức vận hành vào tháng 8 năm 2005 với mục tiêu là hỗ trợ các DN nhanh chóng làm quen và thực hiện TMĐT qua đó nâng cao sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhằm giúp DN hưởng được những dịch vụ hỗ trợ khi đăng ký tại cổng ECVN, Sở Công thương đã chọn 10 DN xuất khẩu, chủ yếu là các ngành hàng có thế mạnh của thành phố như: gạo, thủy sản, dược và xây dựng để hỗ trợ một phần kinh phí đăng ký tham gia 1 năm tại cổng ECVN mức thành viên vàng. Với mức này, các DN sẽ được hỗ trợ những dịch vụ cần thiết để quảng bá hình ảnh, thông tin sản phẩm bằng ba ngôn ngữ (Việt, Anh, Trung), xúc tiến thương mại ra thị trường quốc tế.

* Thành phố có những thuận lợi, khó khăn gì trong quá trình tham gia TMĐT?

- Phát triển hình thức TMĐT có nhiều thuận lợi là môi trường pháp lý cho hoạt động TMĐT tương đối hoàn thiện do trước đó Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử và Luật Công nghệ thông tin. Các hoạt động triển khai TMĐT của TP Cần Thơ đều được sở, ban, ngành và DN tham gia. Đa số các DN đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc kết nối mạng Internet, xây dựng mạng nội bộ (LAN) đã hỗ trợ rất nhiều trong việc trao đổi, tìm kiếm thông tin, tư vấn khách hàng qua thư điện tử, cập nhật thông tin website,...

Tuy nhiên, hình thức này khá mới mẻ đối với một số DN trên địa bàn thành phố nên còn những hạn chế nhất định. Việc ứng dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh đối với các DN đã xây dựng website chỉ ở mức thông tin sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá mua/bán, phương thức thanh toán, chứ chưa có chức năng bán hàng, thanh toán trực tuyến trên website. Vấn đề an toàn bảo mật còn là một trở ngại lớn đối với DN, vì thế họ vẫn còn e ngại, chưa chủ động tìm ra giải pháp an ninh cho toàn mạng nói chung hay TMĐT nói riêng. Nguồn nhân lực dành cho TMĐT tại các DN chưa đồng đều, có DN cán bộ phụ trách chỉ mang tính kiêm nhiệm.

* Theo đồng chí, làm thế nào để số lượng DN tham gia TMĐT nhiều hơn, góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình hội nhập kinh tế quốc tế?

- Để TMĐT thực sự phát triển mạnh cần có sự tham gia của các ngành và thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải đi đầu trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở lĩnh vực: thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh,... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khi tham gia, đây là giải pháp hiệu quả để thu hút DN tham gia TMĐT ngày càng nhiều.

Trong năm 2010, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị của Bộ Công thương, các sở, ban ngành thành phố để tổ chức triển khai các chương trình hội thảo, các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ mới, các chương trình hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT. Điều tra, khảo sát để nắm bắt nhu cầu ứng dụng TMĐT của DN trên địa bàn. Đồng thời, sớm triển khai thực hiện việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến ngành công thương để phục vụ nhu cầu DN và người dân thành phố.

* Xin cám ơn đồng chí!

QUỐC TRƯỞNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết