10/09/2010 - 09:02

Đẩy mạnh truyền thông phòng chống HIV/AIDS trong thanh thiếu niên nông thôn

Thanh thiếu niên là đối tượng nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch AIDS. Vì vậy, các cấp, ngành đặc biệt quan tâm tới công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho đối tượng này. Tuy nhiên, khác với thanh thiếu niên ở các đô thị, thanh thiếu niên nông thôn ít có điều kiện tiếp cận với các kiến thức phòng, chống HIV/AIDS, vì vậy, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ đã có nhiều hoạt động truyền thông hướng tới đối tượng này.

Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, tính đến cuối năm 2009, toàn thành phố có tổng số người nhiễm HIV là 3.913 người. Đến cuối tháng 7-2010, con số này đã tăng lên 4.029 người, trong đó độ tuổi từ 20-29 chiếm 2.072 người, tỷ lệ trên 51,4%; tỷ lệ nhiễm/100.000 dân của huyện Phong Điền là 131 người; huyện Thốt Nốt là 357 người; huyện Cờ Đỏ 90 người; huyện Vĩnh Thạnh 107 người. Qua số liệu này cho thấy thanh thiếu niên ở các quận, huyện xa thành phố có nguy cơ lây nhiễm HIV khá cao và không loại trừ thanh thiếu niên nông thôn đi làm, đi học xa nhà. Chính vì vậy, ngành y tế thành phố hiện đang chú trọng hơn đến công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho đối tượng thanh thiếu niên ở các vùng xa trung tâm thành phố.

Một buổi sinh hoạt truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ và thanh thiếu niên xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. 

Từ năm 2007 trở về trước, các cuộc truyền thông trực tiếp về thay đổi hành vi tại các quận, huyện xa thành phố như: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thốt Nốt được Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ giao cho các Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện đảm nhiệm. Tuy nhiên, đa số các cuộc truyền thông thay đổi hành vi được thực hiện bởi các ban, ngành đoàn thể thường tập trung tại các xã, thị trấn gần trung tâm quận, huyện, chưa tổ chức nhiều tại vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, phần nhiều các cuộc truyền thông được thực hiện dồn vào tháng chiến dịch truyền thông phòng, chống HIV/AIDS hàng năm (tháng 5-6 và tháng 11-12). Giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Trung tâm đã có hình thức truyền thông lưu động. Ở tất cả các xã, phường đều thành lập Đội truyền thông lưu động từ 3-5 người. Truyền thông trực tiếp cho cá nhân hoặc vãng gia ít nhất 4 đến 5 ngày/ tháng. Tùy theo tình hình thực tế địa bàn xã, phường, truyền thông ưu tiên cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, tham gia hoạt động mại dâm, quan hệ tình dục đồng giới, người nhiễm HIV và gia đình, phụ nữ mang thai, thanh thiếu niên,... Tuy nhiên, hoạt động truyền thông hiện gặp nhiều khó khăn. Bà Đặng Thị Bích Thủy, cán bộ quản lý Chương trình phòng, chống HIV/AIDS huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Nhiều thanh niên đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về, còn người dân địa phương thì phải lo cái ăn, cái mặc, ít quan tâm đến những kiến thức phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, công tác vận động người dân đi xét nghiệm HIV tự nguyện chưa thật sự thu hút do tâm lý e ngại, tự kỳ thị, gây khó cho công tác truyền thông”.

Để khắc phục một phần tâm lý e ngại, kỳ thị và tự kỳ thị, các buổi văn nghệ lồng ghép truyền thông về HIV/AIDS được đưa về các quận huyện xa. Bên cạnh đó, trung tâm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm các cấp vận động đoàn viên thanh niên, học sinh tham gia phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư. Thực hiện kế hoạch này, Chi đoàn Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, vào cuối tháng 7-2010, đã kết hợp với Đoàn trường Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ tổ chức Chương trình truyền thông trực tiếp với Chuyên đề “HIV/AIDS và những điều cần biết” cho sinh viên tình nguyện của trường và thanh thiếu niên ở ấp Thới Hòa, xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ thông qua thảo luận các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS như: khái niệm, sự giống và khác nhau giữa HIV và AIDS; tình hình lây nhiễm HIV ở Việt Nam và TP Cần Thơ; điều trị các bệnh do vi-rút làm suy giảm hệ miễn dịch gây ra; nguyên nhân và các đường lây truyền HIV... Tuy nhiên, sau các câu hỏi gợi ý thảo luận của truyền thông viên, các bạn sinh viên và thanh thiếu niên địa phương đã bộc lộ những hạn chế trong hiểu biết về căn bệnh AIDS khi nêu nhiều câu hỏi liên quan đến các con đường lây truyền và các biện pháp phòng tránh HIV như: Muỗi đốt hay qua những sinh hoạt hàng ngày chung với người nhiễm HIV thì có bị lây bệnh không? Làm thế nào để phát hiện bị nhiễm HIV sớm?... Điều này, thể hiện nhu cầu được biết về HIV/AIDS của các bạn là rất lớn. Bạn Nguyễn Hoàng Liệt (SN 1991), ngụ ấp Thới Hòa, xã Thới Đông, cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi được nghe truyền thông trực tiếp về HIV/AIDS. Những kiến thức trước đây của tôi đều nhờ nghe trên truyền hình và các anh chị trong xã nói lại. Thỉnh thoảng tôi có đi làm hoặc đi chơi xa cùng các bạn nên những kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS rất cần thiết với tôi, giúp tôi tự tin hơn trong cuộc sống”. Còn anh Nguyễn Thanh Liêm (SN 1984), cùng ngụ ấp Thới Hòa, xã Thới Đông, chia sẻ: “Tôi đã có gia đình và 1 cháu bé 9 tháng tuổi. Hiểu biết về HIV/AIDS của tôi là nhờ các bác sĩ ở bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và qua truyền hình nhưng không đầy đủ, do ít có cơ hội trao đổi. Buổi truyền thông trực tiếp rất cần cho thanh thiếu niên nông thôn, giúp chúng tôi có thêm nhiều kiến thức thực tế, gần gũi trong cuộc sống về HIV/AIDS, góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình”. Trước đó, đầu năm 2010, Chi đoàn cũng đã tổ chức các buổi truyền thông cho đoàn viên thanh niên Lữ đoàn 226, thuộc đại đội 513 Quân khu 9. Theo dự kiến chi đoàn sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc truyền thông cho các chiến sĩ là đoàn viên thanh niên Lữ đoàn 226 cùng các bạn sinh viên của Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ. Các cuộc truyền thông kết hợp cho sinh viên tình nguyện và thanh thiếu niên địa phương nhằm mục đích tạo ra sự hòa đồng, làm giảm tâm lý e ngại để cùng chia sẻ, nâng cao kiến thức về HIV/AIDS cho thanh thiếu niên nông thôn và sinh viên nói chung. Anh Dáp Thanh Giang, nhân viên Khoa Truyền thông, can thiệp và huy động cộng đồng - Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, chia sẻ: “Khó khăn trong công tác truyền thông trực tiếp cho thanh thiếu niên nông thôn chính là tâm lý còn rụt rè, e ngại nên ít bạn quan tâm đến nội dung truyền thông. Vì lẽ đó, bên cạnh sự nỗ lực của các nhân viên truyền thông, rất cần sự hỗ trợ, động viên tích cực của chính quyền, đoàn thể địa phương đối với thanh thiếu niên nông thôn”.

Sắp tới, hoạt động truyền thông được tổ chức chặt chẽ và sâu sát đến từng địa phương, sẽ góp phần không nhỏ trong việc làm giảm tốc độ lây nhiễm HIV cho cộng đồng dân cư ở TP Cần Thơ. Bác sĩ Nguyễn Danh Lam, Trưởng Khoa Truyền thông, can thiệp và huy động cộng đồng - Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, nhận xét: “Tại thành phố Cần Thơ đã triển khai toàn diện 9 chương trình hành động của Chính phủ, trong đó Chương trình Truyền thông thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV luôn được ưu tiên và chú trọng thực hiện. Các phương tiện nghe nhìn tại vùng sâu, vùng xa đã được cải thiện khá nhiều cùng với công tác truyền thông được thực hiện khá tốt nên khoảng cách về kiến thức HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục giữa thanh thiếu niên nông thôn và khu vực thành thị sẽ được rút ngắn. Với các chương trình hoạt động tích cực như trên sẽ góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói chung cho đối tượng thanh thiếu niên-lứa tuổi còn nhiều mơ hồ về căn bệnh này nhưng lại có nguy cơ cao”.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết