09/08/2016 - 21:28

ĐẨY MẠNH PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH, TRIỆT PHÁ TẬN GỐC CÁC LOẠI TỘI PHẠM TRỌNG ĐIỂM GÂY MẤT AN NINH TRẬT TỰ XÃ HỘI

(CT)- Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP tại Hội nghị trực tuyến triển khai Kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới"; Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình 130/CP (phòng chống tội phạm mua bán người) giai đoạn 2016-2020; sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2016 của Ban chỉ đạo 138/CP, được tổ chức vào sáng 9-8-2016. Điểm Cần Thơ có đồng chí Sơn Minh Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ; Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam và đại diện các sở, ban ngành thành phố dự Hội nghị.

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo; nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội được nâng lên. Hoạt động phòng ngừa, điều tra, xử lý các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm, liên quan kinh tế, môi trường… được tiến hành quyết liệt, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tuy nhiên, một số loại tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, trộm cắp, ma túy, buôn lậu… có xu hướng tăng, nhất là ở các thành phố lớn.

6 tháng đầu năm 2016, cả nước xảy ra 26.833 vụ phạm pháp hình sự (giảm hơn 4% so cùng kỳ năm rồi), tội phạm có tổ chức hoạt động phức tạp trên hầu hết các địa phương dưới các hình thức bảo kê, cho vay nặng lãi, tổ chức cờ bạc… ; tội phạm giết người tăng, tội phạm liên quan chiếm đoạt tài sản, ma túy chiếm tỷ lệ cao. Lực lượng công an khám phá trên 21 ngàn vụ án, đạt tỷ lệ trên 78%, triệt phá 1.061 băng, ổ, nhóm tội phạm; bắt và vận động đầu thú, thanh loại 3.338 đối tượng. Thời điểm này, toàn quốc xảy ra 174 vụ, 232 đối tượng lừa bán 351 nạn nhân (giảm 13% số vụ so cùng kỳ), trong đó trên 85% vụ mua bán ra nước ngoài. Tình trạng lừa bán trẻ em trong lứa tuổi học sinh diễn biến phức tạp, các đối tượng tiếp cận, lừa các em đi du lịch, mua sắm rồi tìm cách đưa sang biên giới. Lực lượng công an, biên phòng đã điều tra, khám phá 153 vụ, bắt 202 đối tượng. Các đơn vị giải cứu, tiếp nhận 234 nạn nhân, có nhiều biện pháp hỗ trợ thiết thực, giúp các nạn nhân hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.

Tại Cần Thơ, 6 tháng đầu năm, tình hình an ninh chính trị thành phố được giữ vững ổn định. Công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Công an thành phố triển khai hơn 40 kế hoạch đảm bảo trật tự xã hội, nhiều cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, trọng án giảm, lực lượng phá thành công nhiều vụ án lớn ở các lĩnh vực kinh tế, môi trường, ma túy…

Đối với Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 15 đề án giao cho các đơn vị chủ trì thực hiện, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 giảm từ 3-5% tổng số vụ phạm pháp hình sự so với năm 2016. Còn Chương trình 130/CP (phòng chống tội phạm mua bán người) giai đoạn 2016-2020, Chính phủ phê duyệt 5 đề án với mục tiêu giảm nguy cơ, tội phạm mua bán người, thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp của các ban, ngành đoàn thể, trong đó lực lượng công an đóng vai trò nòng cốt đã góp phần kiềm chế các loại tội phạm, triệt phá nhiều đường dây mua bán ma túy, mua bán người, các băng nhóm tội phạm manh động… giữ vững an ninh trật tự, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh. Phó Thủ tướng lưu ý 6 tháng cuối năm, tình hình an ninh trật tự cũng như các loại tội phạm còn diễn biến phức tạp. Các đơn vị, địa phương phải xác định phòng chống tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, nắm chặt tình hình, không để xảy ra bất ngờ, đột xuất. Cần tập trung tuyên truyền ở các địa bàn phức tạp, nâng cao ý thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ của người dân, không để xảy ra điểm nóng tại cơ sở. Phải xác định các loại tội phạm trọng điểm như tham nhũng, giết người cướp của, ma túy, lừa đảo, mua bán người… có giải pháp phòng ngừa, tập trung đấu tranh, triệt phá tận gốc, nhanh chóng đưa ra xét xử, tạo niềm tin trong nhân dân.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết