26/07/2011 - 08:48

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ:

Đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

 

Công nghệ sinh học (CNSH) là một lĩnh vực công nghệ cao có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội. Nhiều năm qua, Trường Đại học Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sinh học cho các tỉnh, thành ĐBSCL trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trên lĩnh vực thủy sản, nông nghiệp... Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết:

- CNSH là ngành khoa học ứng dụng những hiểu biết cơ bản từ Sinh học (sinh vật học), kết hợp những tiến bộ của ngành di truyền học, thực vật học, động vật học, ngành công nghệ thông tin,... và nhiều ngành khoa học khác nhằm tạo ra nhiều ứng dụng khác nhau trong đời sống và xã hội. CNSH được ứng dụng trong nhiều ngành. Chẳng hạn như trong nông nghiệp, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt hơn (như heo siêu thịt,...), chống chọi sâu bệnh (lúa kháng bệnh rầy nâu,...), có năng suất cao hơn, thích ứng các điều kiện khác nhau của môi trường (như chịu mặn cao, chịu hạn hán,...); tạo ra phân sinh học (phân hữu cơ) thay thế phân hóa học; tạo thuốc trừ sâu sinh học thay thế chất hóa học độc hại,... Trong thủy sản, tạo ra con giống chất lượng cao, xử lý môi trường bằng phương pháp sinh học, tạo ra chế phẩm giúp cải thiện chất lượng thức ăn (enzim tăng hệ số tiêu hóa, chống bệnh cho thủy sản,..). Trong môi trường, việc ứng dụng CNSH thể hiện qua việc xử lý môi trường bằng nguồn vi sinh vật hữu ích, xử lý môi trường nuôi heo, nuôi cá tra, xử lý rác thải sinh hoạt hoặc công nghiệp, tạo chế phẩm bảo vệ môi trường,... CNSH cũng được ứng dụng nhiều trong Y dược và sức khỏe. Đây là ngành có ứng dụng với giá trị cao nhất hiện nay, như tạo ra vacxin ngăn ngừa, phòng chống bệnh, tạo thuốc kháng sinh, tạo thuốc xử lý, điều trị bệnh cho con người và vật nuôi,... Ngoài ra, CNSH còn nhiều ứng dụng khác trong thực phẩm, hóa chất,...

Hiện nay, ở ĐBSCL có 3 đơn vị lớn có nhiều nghiên cứu khoa học và ứng dụng CNSH là Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam. Ngoài ra, còn có nhiều đơn vị khác có một số ứng dụng CNSH, như: Trường ĐH An Giang, các trường ĐH khác trong vùng, một số trung tâm giống các tỉnh ĐBSCL (tạo giống nông nghiệp và thủy sản). Ứng dụng chính của các đơn vị này là CNSH trong nông nghiệp, thủy sản và môi trường. Chưa có ứng dụng trong Y dược và sức khỏe.

* Thưa Phó Giáo sư, thời gian qua, Trường ĐH Cần Thơ đã có những đóng góp như thế nào trong nghiên cứu và góp phần chuyển giao CNSH tại các tỉnh ĐBSCL?

- Trường ĐH Cần Thơ có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản ở ĐBSCL. Vì vậy, Trường đã tập trung phát triển CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và môi trường, cũng như trong thực phẩm. Thành công lớn nhất của việc nghiên cứu này là tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, đóng góp tích cực vào phát triển nông nghiệp và thủy sản. Ví dụ, đề tài hợp tác giữa các nhà khoa học Trường ĐH Cần Thơ và Pháp đã thành công trong việc sinh sản nhân tạo giống cá tra, tạo ra thế chủ động trong sản xuất cá giống, đưa cá tra trở thành giống cá xuất khẩu trên 50 nước, với giá trị xuất khẩu năm 2010 đạt trên 1,5 tỉ USD. Thành công của việc giới thiệu quy trình canh tác giống artemia, là thức ăn không thể thiếu của tôm sú giống được khởi đầu nghiên cứu từ những năm 1980 tại ĐH Cần Thơ đã tạo ra giống artemia có chất lượng tốt nhất thế giới, giúp tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc Khmer vùng Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Bạc Liêu. Từ đó, giúp việc nuôi tôm sú công nghiệp ở ĐBSCL phát triển, góp phần tăng sản lượng, chất lượng và giá trị xuất khẩu cho vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, còn nhiều ứng dụng khác như tạo mô hình canh tác xanh, hiệu quả, bảo vệ môi trường,...

* Thưa Phó Giáo sư, Trường ĐH Cần Thơ đã có những đóng góp như thế nào trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu CNSH ở ĐBSCL?

Giờ học nhóm của sinh viên lớp Công nghệ sinh học, đào tạo theo chương trình tiên tiến, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: B. NG 

- Hiện nay, Trường ĐH Cần Thơ đào tạo cử nhân CNSH (với quy mô 100 sinh viên/ năm), thạc sĩ CNSH (50 học viên/ năm), tiến sĩ vi sinh vật (5 nghiên cứu sinh/ năm), tiến sĩ môi trường (5 nghiên cứu sinh/ năm). Và một số ngành liên quan CNSH, như: thực phẩm (60 sinh viên/ năm), vi sinh vật (50 sinh viên/ năm), cử nhân môi trường, thạc sĩ môi trường,... góp phần quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực trong ngành CNSH cho vùng ĐBSCL.

* Theo Phó Giáo sư, hiện nay các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để đẩy mạnh phát triển CNSH ở vùng ĐBSCL?

- Theo tôi, để đẩy mạnh phát triển CNSH ở vùng ĐBSCL cần tập trung vào một số giải pháp, như: Tập trung đầu tư một số đầu mối mạnh về CNSH cho vùng, như: ĐH Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam bằng cách hỗ trợ trang thiết bị đồng bộ, huấn luyện các cán bộ đầu đàn và đặc biệt là hỗ trợ thực hiện một số chương trình nghiên cứu lớn của khu vực có hợp tác quốc tế với sự tham gia của nhiều nhà khoa học thế giới. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu cơ bản về vùng ĐBSCL, như: cơ cấu đất đai, cơ cấu nguồn tài nguyên thiên nhiên,... để làm cơ sở cho nghiên cứu, ứng dụng trong CNSH, môi trường. Ngoài ra, cần xây dựng chương trình nghiên cứu về con người, cây trồng, vật nuôi trước biến đổi khí hậu để chuẩn bị cho các nghiên cứu ứng dụng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu....

* Xin cảm ơn Phó Giáo sư !

LY GIANG (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết