09/05/2020 - 08:29

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ:

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, phát triển thị trường và dịch vụ khoa học công nghệ 

Lĩnh vực Khoa học và công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, nhất là sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 1-8-2016 của Thành ủy Cần Thơ về phát triển, ứng dụng KH&CN. Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ cho biết những thành tựu và chiến lược sắp tới để ngành KH&CN thành phố bứt phá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế:

- Nghị quyết số 02-NQ/TU của Thành ủy đã xác định KH&CN là khâu đột phá, động lực, cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong mọi hoạt động để xây dựng và phát triển Cần Thơ xứng tầm trung tâm vùng ĐBSCL theo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị. Từ đó, nhiều Chương trình, Đề án, Dự án phát triển KH&CN được nghiên cứu đề ra. Trong 3 năm (2016-2019), Cần Thơ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để tăng cường tiềm lực cho phát triển KH&CN; đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong các doanh nghiệp; nghiên cứu khoa học được định hướng ứng dụng thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; phát triển thị trường và các dịch vụ KH&CN; tăng cường liên kết, hợp tác trong và ngoài nước. Đồng thời, huy động và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm đầu mối về KH&CN cho ĐBSCL.

Ngân sách nhà nước đầu tư cho KH&CN ngày càng cao. Tổng mức đầu tư trong 3 năm: 2017, 2018 và 2019 là 246,35 tỉ đồng. Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN,… Kế hoạch hỗ trợ phát hệ triển sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ đến năm 2025 đã tạo môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. UBND thành phố đã ban hành “Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020” nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN có tiềm năng chuyển sang loại hình doanh nghiệp KH&CN.

Thưa ông, dấu ấn và thế mạnh trong phát triển KH&CN của Cần Thơ là gì?

-Hoạt động KH&CN của Cần Thơ đã có chuyển biến sâu rộng trong nhiều lĩnh vực. Tiêu biểu như công tác xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phát triển thị trường và dịch vụ KH&CN; hợp tác, liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,… Trong đó, phát triển thị trường và dịch vụ KH&CN đang là thế mạnh nổi bật với nhiều thành tựu, hoạt động nghiên cứu chú trọng tính ứng dụng vào thực tiễn và hiệu quả thiết thực.

Ngành KH&CN thành phố đã tham gia các hội chợ và triển lãm quốc tế, sàn giao dịch công nghệ để giới thiệu những thành tựu, sản phẩm KH&CN của địa phương, ký kết với các đơn vị trong và ngoài nước,… Đồng thời tổ chức thành công nhiều sự kiện tầm quốc gia, quốc tế nhằm phát triển thị trường KH&CN. Đó là phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức sự kiện Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ quốc tế - TechDemo 2018 tại Cần Thơ; phối hợp với Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN tổ chức sự kiện Chợ Công nghệ và Thiết bị (Techmart) và Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) vùng ĐBSCL năm 2019… Thường xuyên tổ chức các Hội thảo chuyên đề về ứng dụng và phát triển KH&CN, với các gian hàng trưng bày của nhiều đơn vị, doanh nghiệp; giới thiệu đến các doanh nghiệp hàng trăm thiết bị/công nghệ/quy trình công nghệ nhiều lĩnh vực…

Từ tháng 10-2018, Điểm kết nối cung cầu công nghệ vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ trong khuôn viên Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TP Cần Thơ (đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Bình, quận Ninh Kiều sát Trường Đại học Nam Cần Thơ) đi vào hoạt động. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để phát triển các loại hình tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, xúc tiến chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp, chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nơi đây trưng bày khoảng 100 sản phẩm và 20 quy trình công nghệ. Trong năm 2019, đã tư vấn khoảng 70 lượt khách hàng (doanh nghiệp, hộ sản xuất) về các công nghệ: xử lý mùi, công nghệ máy sấy, xử lý nước cấp, nước uống, đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký nhãn hiệu…

Cần Thơ phát triển dịch vụ KH&CN với thế mạnh là hoạt động thử nghiệm, kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị công nghệ cao của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Trung tâm). Các phòng thí nghiệm của trung tâm được công nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025 và được 6 Bộ quản lý chuyên ngành chỉ định phục vụ quản lý chất lượng Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trung tâm còn thực hiện các dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp trong kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa ở 8 lĩnh vực: nông sản - thủy sản, thực phẩm, phân bón - hóa chất, dầu khí, môi trường, xây dựng, điện - điện tử và cơ khí - hàng tiêu dùng. Từ giữa năm 2017, trung tâm là một trong những đơn vị tiên phong của cả nước thực hiện hiệu chuẩn trang thiết bị y tế theo quy định bắt buộc của Bộ Y tế. Đồng thời có bước đột phá khi được phép chứng nhận hợp quy về xăng dầu, đồ chơi trẻ em, LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng). Trước đây, các doanh nghiệp ở ĐBSCL phải đưa sản phẩm lên các đơn vị chứng nhận ở TP Hồ Chí Minh, từ lúc Trung tâm được đầu tư thiết bị công nghệ cao đã thực hiện được dịch vụ này đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí đi lại.

Hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng đáp ứng nhu cầu ứng dụng thực tiễn, nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao ứng dụng phục vụ sản xuất và đời sống. Điển hình, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở KH&CN đã phối hợp với các nhà khoa học, doanh nghiệp KH&CN triển khai ngay Đề tài khoa học “Chế tạo và thẩm định chứng dương nhân tạo và đoạn mồi chẩn đoán tác nhân gây viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona”, giao trực tiếp cho Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện. Kết quả đề tài dự kiến sẽ chuyển giao cho Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, bệnh viện… tại Cần Thơ và các tỉnh, thành ĐBSCL có nhu cầu sử dụng. Đề tài được Bộ KH&CN đánh giá cao, được triển khai hoàn thành trong tháng 5-2020.

Hoạt động thử nghiệm, kiểm định và hiệu chuẩn của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Cần Thơ. Ảnh: Lệ Thu

Cần Thơ cần làm gì để KH&CN tiếp tục phát triển, nâng cao năng lực và hội nhập quốc tế, thưa ông?

- Ngành KH&CN đã lấy ý kiến các nhà khoa học và nghiên cứu nội dung để tiếp tục đưa KH&CN thành một khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Từ đó đẩy mạnh đầu tư, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ KH&CN chuyên sâu; thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư tăng cường tiềm lực KH&CN, nhất là đối với các dự án: Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung, các dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,…

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố cần tiếp tục phát triển song song với thị trường khoa học và công nghệ của thành phố, vùng ĐBSCL. Ưu tiên đầu tư chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm để hỗ trợ. Từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp thông qua các Chương trình, Dự án: “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ”, “Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ”, “Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp”, “Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”… Hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao KH&CN cấp thành phố, cấp cơ sở triển khai theo hướng đặt hàng theo nhu cầu của thị trường, xã hội và quản lý nhà nước; ưu tiên thực hiện những đề tài, dự án có tính cấp bách, cần thiết, có tính ứng dụng vào thực tiễn cao.

Năng lực các tổ chức và đội ngũ cán bộ KH&CN cần được tiếp tục kiện toàn; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, khuyến khích cán bộ KH&CN phát huy trí tuệ, sáng tạo. Phát huy vai trò của liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các Viện, Trường, với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và các địa phương trong cả nước; tăng cường hợp tác quốc tế; tiếp tục đầu tư, khai thác phát triển mạng Nghiên cứu và đào tạo Quốc gia (VinaREN) và các mạng thông tin KH&CN tiên tiến khác nhằm đẩy mạnh liên kết, chia sẻ và hội nhập quốc tế về KH&CN.

Xin cảm ơn ông!

LỆ THU (thực hiện)

Chia sẻ bài viết