03/12/2012 - 21:02

Đẩy mạnh công tác quản lý giá, bình ổn thị trường

Sở Công Thương TP Cần Thơ phối hợp với các ngành hữu quan kiểm tra điểm bán hàng bình ổn giá của Công ty Lương thực Sông Hậu.
Ảnh: V. CỘNG

Theo công bố mới đây của Cục Thống kê TP Cần Thơ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố tháng 11 tăng 0,26% so với tháng trước; bình quân 11 tháng năm 2012 tăng 7,02% nếu tính so với năm trước. Theo thông lệ, thời điểm cuối năm giá cả hàng hóa thường tăng mạnh so với ngày thường. Vì vậy, từ trong tháng 11, các ngành hữu quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh dự trữ hàng hóa, kiểm tra kiểm soát… góp phần bình ổn giá cả thị trường.

* Chỉ số giá 9/11 nhóm hàng tăng dưới 1%

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, nhìn chung, tháng 11, chỉ số giá của các nhóm hàng được đưa vào tính CPI tương đối ổn định và chỉ tăng nhẹ. Có 9/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng nhưng mức tăng đều dưới 1%.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá tăng 0,23% so với tháng trước; trong đó nhóm lương thực tăng 0,78%, thực phẩm tăng 0,1% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,07%. Trong tháng, theo ghi nhận của Cục Thống kê thành phố, giá thực phẩm tươi sống tại TP Cần Thơ trong xu hướng giảm, như: các loại thịt heo giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg so với trước, thịt gia cầm tương đối ổn định sau khi đã giảm khoảng 2.000- 5.000 đồng/kg vào tháng trước... Giá cá lóc, cá rô phi, điêu hồng, ba sa… cũng được ghi nhận giảm từ 5.000-10.000 đồng/kg, tùy loại so với cách nay 1 tháng. Giá các loại trái cây tháng qua khá bình ổn. Tuy nhiên, do người tiêu dùng khá thận trọng trong việc lựa chọn trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc nên giá bán phần lớn các loại trái cây này đã giảm 5.000 – 8.000 đồng/kg. Riêng xoài cát Hòa Lộc vào trung tuần tháng 11 giá giảm khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với 10 ngày trước, còn khoảng 30.000 đồng/kg. Do thị trường mùa Noel, dịp cuối năm, Tết Nguyên đán 2013 gần kề nên giá một số mặt hàng quần áo bắt đầu rục rịch tăng giá; trong đó, đáng kể nhất là các loại áo khoác tăng từ 10.000 – 20.000 đồng/cái… Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá của nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép tháng 11 tăng 0,75% so với tháng trước.

Tăng ở mức 0,81%, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng "dẫn đầu" trong nhóm hàng hóa tính CPI. Nguyên nhân chủ yếu do giá gas tăng 7.000 đồng/bình 12kg vào đầu tháng 11 (do giá gas trên thế giới tăng và nguồn cung trong nước bị thiếu hụt). Nhóm hàng thuốc và dịch vu y tế sau đợt tăng mạnh khi áp dụng mức viện phí mới từ đầu tháng 8 đến nay tình hình giá các mặt hàng này tương đối ổn định. Vì vậy, chỉ số giá nhóm này chỉ tăng nhẹ so với tháng trước là 0,13%. Trong tháng 11, tuy giá xăng bán lẻ trên thị trường giảm 500 đồng/lít nhưng mức giảm này chưa tác động nhiều đến CPI chung; trong tháng, chỉ số giá của nhóm giao thông chỉ tăng 0,07%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác trong tháng 11 được ghi nhận tăng 0,65% so với tháng trước.

So với tháng trước, trong tháng 11 có 2 nhóm hàng hóa chỉ số giá giảm. Cụ thể: Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07% do tác động của việc giảm giá nhiều mẫu điện thoại cũ, công nghệ lạc hậu trên thị trường giá bán giảm. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch có chỉ số giá giảm khá mạnh, giảm 0,78% so với tháng trước do trong một số dịch vụ du lịch trọn gói giá giảm từ 150.000 – 200.000 đồng/khách.

* Tăng cường công tác quản lý, bình ổn thị trường

Theo nhận định của Sở Công Thương TP Cần Thơ, thời điểm cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường diễn biến phức tạp, khó lường. Để tăng cường công tác quản lý, bình ổn thị trường, thành phố đã và đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu sản xuất, mua sắm tiêu dùng của nhân dân. Các ngành hữu quan, doanh nghiệp cũng có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng.

Theo đó, UBND thành phố có Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2012, trong đó yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Điển hình như: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Chủ động xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường, giá cả hàng hóa và dịch vụ; trường hợp vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định… Tại kế hoạch này, lãnh đạo thành phố cũng giao trách nhiệm cụ thể cho Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… tùy theo chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá…

Sở Công Thương thành phố cũng vừa có báo cáo công tác chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013. Theo đó, đến 15-11, 20 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chuẩn bị nguồn hàng hóa dự trữ (lương thực, thực phẩm, xăng dầu…) với tổng giá trị lên đến 2.489 tỉ đồng. Sở Công Thương thành phố cũng đề ra những công tác trọng tâm từ nay đến cuối năm 2012. Theo đó, ngành công thương thành phố theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để có phương án hoặc đề xuất với UBND thành phố biện pháp điều hòa cung cầu hàng hóa kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết. Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm…

Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp cùng các ngành hữu quan tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá cả thị trường những tháng cuối năm 2012 và chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2013; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Một trong những yêu cầu trọng tâm của ngành công thương là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện vùng ngoại thành, các khu công nghiệp… nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn với giá hợp lý nhằm đảm bảo chất lượng cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp. Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng và UBND các quận, huyện tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết…

Nhằm đưa đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng sốt giá… ngành công thương sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các quận/huyện tổ chức nắm bắt tình hình lưu thông hàng hóa, biến động giá cả, tháo gỡ vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp, củng cố và phát triển hệ thống phân phối, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giám sát chặt chẽ công tác bán hàng bình ổn; sắp xếp trật tự mua bán kinh doanh tại các chợ, tổ chức mở các điểm mua bán tạo thuận lợi cho bà con nông dân tiêu thụ hàng hóa nông sản phục vụ trong dịp Tết...

HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết