21/03/2020 - 09:59

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính 

Những năm gần đây, ngành Tư pháp TP Cần Thơ được đánh giá có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác cải cách hành chính, nhất là những thủ tục có liên quan yếu tố nước ngoài. Để có được kết quả đó, ngành Tư pháp thành phố đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), góp phần tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch.

Người dân nhận kết quả giải quyết đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND quận Bình Thủy. Ảnh: Văn Truyền

Rút ngắn thời gian giải quyết

Bà Nguyễn Thị P., ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, vừa thực hiện xong thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Bà phấn khởi nói: “Tôi đến thực hiện hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Bộ phận “Một cửa” của UBND huyện, được cán bộ hướng dẫn tận tình. Tôi không nghĩ bây giờ thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài được làm nhanh và thuận lợi đến vậy”.

Theo Luật Hộ tịch, các TTHC có yếu tố nước ngoài được quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện gồm: đăng ký kết hôn; ghi chú kết hôn; ghi chú ly hôn; đăng ký khai sinh... Bà Nguyễn Kim Tiền, chuyên viên Phòng Tư pháp huyện Thới Lai, cho biết: “Thông thường, người dân đến Bộ phận “Một cửa” để thực hiện các TTHC về hộ tịch có yếu tố nước ngoài, hồ sơ khá hoàn chỉnh. Khi tiếp nhận, cán bộ kiểm tra, nhận hồ sơ và ra phiếu hẹn theo quy định. Thời gian giải quyết hồ sơ thực tế cũng được rút ngắn so với quy định của Bộ TTHC. Cụ thể, thời gian giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn rút ngắn từ 2-3 ngày; thủ tục ghi chú kết hôn, ghi chú ly hôn rút ngắn từ 5-7 ngày...”.

Theo bà Võ Thị Ngọc Sương, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Thới Lai, việc đăng ký và cấp các loại giấy tờ hộ tịch có yếu tố nước ngoài là công việc cực kỳ quan trọng, thể hiện chính sách của Nhà nước đối với quyền con người trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Vì vậy, công chức tư pháp - hộ tịch cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật khi giải quyết các TTHC này; đồng thời, phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng xử lý công việc... Năm 2019, huyện Thới Lai đã cử 21 công chức tham dự tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và được Sở Tư pháp thành phố cấp chứng chỉ cho công chức làm công tác hộ tịch. Tất cả 4 công chức của Phòng và 25 công chức Tư pháp - Hộ tịch của 13 xã, thị trấn đều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ chuyên môn...

Sở Tư pháp TP  Cần Thơ  trao quyết định nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài cho người nước ngoài. Ảnh: Sở Tư pháp TP Cần Thơ cung cấp.

Quận Bình Thủy cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC, đặc biệt là những TTHC trong lĩnh vực hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, quận đã rút ngắn thời gian giải quyết đối với một số loại hồ sơ như: đăng ký kết hôn từ 10 ngày theo quy trình, xuống còn 8 ngày; rút ngắn thời gian giải quyết đối với hồ sơ ghi chú kết hôn, ghi chú ly hôn từ 12 ngày, xuống còn 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ...  Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Trưởng Phòng Tư pháp quận Bình Thủy, hầu hết các trường hợp đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài đều được Phòng tham mưu UBND quận giải quyết kịp thời, đúng thời hạn quy định. “Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác cải cách hành chính, chúng tôi sẽ phối hợp Bưu điện quận thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức, người dân sử dụng dịch vụ trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4; nâng cao số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4” - ông Nguyễn Văn Thảo, Trưởng Phòng Tư pháp quận Bình Thủy, cho biết.

Ứng dụng công nghệ thông tin

Mặc dù đã cuối giờ, nhưng tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Tư pháp TP Cần Thơ vẫn còn người đến giao dịch. Các chuyên viên vẫn niềm nở hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ. Chỉ mất gần 10 phút, anh Nguyễn Văn T., ở xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, đã hoàn thành thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP). Vì nhà xa nên anh làm thủ tục nhận kết quả qua bưu điện. Anh T. cho biết: “Tôi cần phiếu LLTP để chuẩn bị đi xuất khẩu lao động. Tôi hài lòng với thái độ thân thiện, gần gũi của cán bộ tư pháp nơi đây. Hoàn thành hồ sơ, tôi đăng ký nhận kết quả qua bưu điện để tiết kiệm thời gian và công sức đi lại”.

Năm 2019, UBND cấp huyện đã giải quyết 1.656 trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; đăng ký khai sinh 164 trường hợp có yếu tố nước ngoài; đăng ký khai tử 12 trường hợp có yếu tố nước ngoài. UBND cấp xã đã giải quyết đăng ký kết hôn 8.206 trường hợp; đăng ký khai sinh 29.893 trường hợp; đăng ký khai tử 8.030 trường hợp...

Quý I năm 2020, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Tư pháp thành phố đã tiếp nhận 1.739 hồ sơ, đã giải quyết: 1.658 hồ sơ; đang giải quyết: 81 hồ sơ. Trong đó, 1.518 hồ sơ LLTP được giải quyết trước hạn...

Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công, Sở Tư pháp thành phố áp dụng việc cấp phiếu LLTP theo mô hình liên thông nội bộ. Theo đó, sau khi tiếp nhận hồ sơ cấp phiếu LLTP, Sở Tư pháp chuyển đồng thời đến bộ phận chuyên môn của Công an thành phố, Trung tâm LLTP quốc gia và Cục C53, Bộ Công an thông qua mạng Internet. Nhờ đó, hạn chế tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn, tăng tính khách quan, minh bạch, chính xác đối với mỗi hồ sơ cấp phiếu LLTP; đồng thời, giảm thời gian chờ đợi cho người dân. Theo ông Lê Thanh Trang, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, Sở tiếp tục thực hiện việc rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ cấp Phiếu LLTP cho người yêu cầu có năm sinh từ ngày 1-7-1996. Cụ thể, thời hạn giải quyết hồ sơ sẽ được rút ngắn từ 10 ngày làm việc xuống còn 5 ngày...

Đó chỉ là 1 trong 144 TTHC trong lĩnh vực tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp. Phần lớn các TTHC áp dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4. Sở Tư pháp đã triển khai hệ thống Một cửa điện tử trong việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Người dân có thể nộp hồ sơ qua mạng Internet hoặc đến điểm giao dịch bưu điện gần nhất nộp hồ sơ.

Bên cạnh nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ công chức tư pháp, ngành Tư pháp thành phố còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai Đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên địa bàn. Tất cả công chức hộ tịch đều được trang bị máy vi tính có kết nối mạng internet, máy in phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Đặc biệt, đầu năm 2019, thành phố chính thức vận hành hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn thành phố, góp phần đảm bảo việc kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin hộ tịch thống nhất, đồng bộ, thông suốt cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành...

Theo ông Lê Thanh Trang, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục quan tâm và tăng cường chỉ đạo việc thực hiện cải cách TTHC từ trong công việc đến thực hiện quy trình hành chính. Mục tiêu là đáp ứng nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, góp phần nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tận tụy phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác...

Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết